[eMagazine] Cần cơ chế ưu tiên doanh nghiệp phát triển e-logistics

Thực hiện: THY HẰNG - Thiết kế: THUỲ DƯƠNG 30/05/2023 09:00

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể để ưu tiên phát triển e-logistics, logistics xanh và có những chính sách ưu tiên cho các đơn vị tiên phong xây dựng e-logistics.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Đức Thịnh – Giám đốc Logistics, Lazada Việt Nam với DĐDN. Cũng theo ông Thịnh, không chỉ với riêng Lazada Logistics, với sự phát triển của thương mại điện tử, trong tương lai, e-logistics sẽ là định hướng chung cho cả ngành logistics Việt Nam. 

- Được biết câu chuyện đầu tư hạ tầng logistics cho riêng mình đã được ấp ủ từ lâu, Lazada Logistics Park có phải là việc hiện thực dịch vụ mới là giao vận đa kênh (multi-channel logistics?. Tại sao đây được xem là bước phát triển đột phá của Lazada Logistics, ý nghĩa của bước đi ấn tượng này, thưa ông?

Ngay từ khi thành lập, Lazada Logistics luôn là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng là đơn vị đầu tiên đưa hệ thống chia chọn tự động vào vận hành tại Việt Nam từ năm 2017. Lazada Logistics Park, với trái tim là hệ thống chia chọn tự động hiện đại, là bước phát triển hơn nữa của Lazada Logistics. Lazada Logistics Park ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong chia chọn hàng hoá hiện nay với cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống tự động hóa tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI), Machine Learning,… giúp tối ưu hiệu suất vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng, nhà bán hàng và các đối tác thương mại điện tử (TMĐT) của Lazada.

Trung tâm chia chọn mới cũng hỗ trợ rất nhiều cho dịch vụ giao vận đa kênh mà Lazada Logistics vừa ra mắt vào tháng 10/2022, từ việc tăng cường khả năng lưu trữ, xử lý và đóng gói hàng hóa, đến tối ưu hóa quy trình vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng, đáp ứng mọi nhu cầu của nhà bán hàng trên Lazada cũng như các nền tảng mạng xã hội, trang web ngoại sàn.

Ngoài ra, Lazada Logistics Park còn góp phần mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội khác. Chẳng hạn như với việc đầu tư phát triển hạ tầng logistics, Lazada tạo ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn lực lượng lao động trẻ tại địa phương. Đồng thời, hệ thống tự động hóa giúp tối ưu quy trình vận hành, giảm thiểu phát thải và các tác động tiêu cực đến môi trường.

Hơn hết, trung tâm này còn được dùng để phục vụ mục đích đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi đang tích cực hợp tác với các trường Đại học, Cao đẳng để xây dựng nên các chương trình đào tạo đặc thù cho ngành logistics TMĐT và sẽ dùng chính trung tâm Lazada Logistics Park làm nơi “ươm mầm” nên những tài năng logistics trong tương lai.

- Điểm khác biệt nổi bật của Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao Lazada Logistics Park là gì để giúp tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành, đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người dùng, thưa ông?

Thứ nhất, trung tâm Lazada Logistics Park có khả năng xử lý hàng hóa rất lớn nhờ được trang bị hệ thống công nghệ tự động mới nhất hiện nay, công suất lên tới 45.000 bưu kiện mỗi giờ và 1 triệu bưu kiện mỗi ngày. Đồng thời, với mức độ tự động hóa 99%, bưu kiện có thể được xử lý, chia chọn một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng, cải thiện tốc độ giao vận và nâng cao hiệu suất hoạt động.

Thứ hai, hệ thống được tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (máy học), giúp tối ưu hóa độ chính xác của quy trình phân loại lên đến 99.95%. Với các cảm biến và phần mềm điều khiển quy trình phân loại, những sai sót thủ công sẽ được loại bỏ kịp thời, cải thiện sự hài lòng của khách hàng và giảm chi phí liên quan đến việc hoàn trả sản phẩm. 

Thứ ba, hệ thống được trang bị công nghệ quét mã vạch hiện đại và quản lý hàng hoá tự động, giúp theo dõi chính xác hành trình của từng bưu kiện, từ đó dễ dàng quản lý đơn hàng và tăng cường khả năng truy xuất sản phẩm trong quá trình vận chuyển.

Thứ tư, trung tâm Lazada Logistics Park được đặt tại vị trí giao thông thuận lợi ngay Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Khu vực này nằm gần các tuyến đường lớn và có hệ thống giao thông phát triển, thời gian xe tải được phép lưu thông cũng linh hoạt hơn rất nhiều so với khu vực nội thành, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa được diễn ra một cách thuận tiện, hiệu quả và rút ngắn thời gian giao hàng.

- Vậy e-logistics có phải là “hình hài” của Lazada Logistics những năm tới, thưa ông?

E-logistics là một xu hướng phát triển mới của ngành logistics, tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), Machine Learning,… vào công tác quản lý, vận hành và giao nhận hàng hóa.

Ngay từ ngày đầu thành lập, Lazada Logistics đã đi theo định hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng bài bản. Với sự phát triển của TMĐT, tôi tin rằng trong tương lai, e-logistics sẽ là định hướng chung cho cả ngành logistics tại Việt Nam, không chỉ riêng Lazada Logistics.

Hiện nay, e-logistics đang mới trong giai đoạn khởi đầu tại Việt Nam và cần thay đổi rất nhiều thứ. Đương nhiên, để xây dựng hệ thống Logistics TMĐT hiệu quả và bền vững, cần rất nhiều bên chung tay đầu tư về số hóa, ứng dụng công nghệ vào vận hành, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hơn hết là phát triển con người. Hiện tại, e-Logistics không đủ nhân lực, nếu không có chủ trương đào tạo sẽ ngày càng thiếu hụt. Và đó là lý do vì sao chúng tôi đặt ra định hướng và mục tiêu rất rõ ràng về đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Logistics TMĐT khi xây dựng trung tâm chia chọn mới này.

- Được biết Lazada Logistics đã hiện thực việc phát triển xanh – bền vững của mình bằng dự án “giao nhận bằng xe máy điện” từ cuối năm 2022, mục tiêu “xanh” này của Lazada Logistics có được phát huy tại Lazada Logistics Park, thưa ông?

Với Lazada Logistics Việt Nam, chúng tôi đã bắt đầu có những ý tưởng và hoạt động hướng tới phát triển bền vững từ năm 2017, và chúng tôi vẫn thực hiện điều đó xuyên suốt lâu nay. Cụ thể, vào năm 2017, Lazada Logistics triển khai thí điểm dự án Green Delivery, sử dụng xe đạp điện làm phương tiện giao hàng. Mỗi chiếc xe điện có tổng quãng đường di chuyển lên đến 20km và thực hiện được hơn 100 đơn hàng cho mỗi lần sạc.

Hay mới đây, Lazada Logistics hợp tác với Selex Motors – startup trong lĩnh vực xe điện thông minh – để đưa 100 xe máy điện vào hoạt động giao vận tại Việt Nam trong năm 2022. Những chiếc xe máy điện này được thiết kế đặc biệt dành riêng cho đặc thù ngành TMĐT, với năng lực vận tải vượt trội và ứng dụng công nghệ IoT giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Bên cạnh việc triển khai giao hàng bằng xe máy điện, chúng tôi cũng chủ trương xây dựng Trung tâm chia chọn Lazada Logistics Park theo mô hình xanh và bền vững, với cây xanh được trồng ở mọi góc của công trình. Đồng thời, trung tâm ưu tiên sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ hệ thống, hướng tới sự tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn, giảm thiểu khí thải phát ra.

Bước tiếp theo của Lazada Logistics, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng năng lượng mặt trời vào toàn bộ quy trình, qua đó đóng góp vào sự phát triển môi trường xanh. Và chắc chắn vẫn sẽ còn những ý tưởng xanh khác nữa. Đây là một cam kết của Lazada Logistics nói riêng và Lazada nói chung với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Bên cạnh Lazada Logistics Park, để hiện thực mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái logistics bền vững trọng tâm cho thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế số Việt Nam nói chung, Lazada Logistics sẽ tiếp tục có những bước đầu tư như thế nào để thực sự là “kỳ lân”?

Hướng đến mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái logistics bền vững cho TMĐT nói riêng và nền kinh tế số Việt Nam nói chung, Lazada Logistics sẽ tiếp tục có những bước đầu tư mạnh mẽ và bền vững vào các trụ cột chính.

Thứ nhất, đầu tư vào công nghệ: tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến và trang thiết bị hiện đại nhất nhằm tối ưu hiệu quả cho toàn bộ hệ thống. Cụ thể, một trong những đầu tư sắp tới là trang bị thêm tầng 2 cho hệ thống chuyển hàng tự động, thêm các băng chuyền telescopics để tăng hiệu suất vận hành một cách rõ rệt.

Thứ hai, đầu tư vào cơ sở hạ tầng: mở rộng hệ thống kho bãi, mạng lưới bưu cục, điểm gửi hàng (Drop-off point), điểm nhận hàng (Collection point), hệ thống tủ khóa thông minh (Smart locker) và các phương tiện vận chuyển, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ, giảm thiểu thời gian xử lý đơn hàng và tăng hiệu quả vận hành.

Thứ ba, đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực: đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực logistics TMĐT, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực có kỹ năng, phục vụ cho quá trình vận hành và quản lý của Lazada Logistics nói riêng và ngành logistics TMĐT nói chung tại Việt Nam.

- Ở vị trí người tiên phong, có khi nào ông thấy đuối sức đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế được đánh giá không mấy lạc quan, “kim chỉ nam” giúp ông vượt qua là gì?

Sự phát triển của nền kinh tế luôn có giai đoạn thăng trầm khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi xác định việc đầu tư là để phát triển lâu dài và bền vững, chứ không tập trung vào những chỉ số ngắn hạn.

Bên cạnh đó, việc chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến thời đại dịch không phải là xu hướng nhất thời mà phần nào đã trở thành thói quen dài hạn, điều đó được thể hiện qua việc sức mua online của người tiêu dùng không hề suy giảm mà chỉ là thay đổi 1 số thói quen để ứng phó với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chẳng hạn như chuyển dịch sang những mặt hàng thiết yếu, những sản phẩm có giá hợp lý, đóng gói trong bao bì nhỏ hơn…. Vậy nên, tôi tin rằng thị trường TMĐT nói chung và logistics TMĐT nói riêng tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển và tôi khá lạc quan về điều đó.

- Để tạo động lực hơn nữa cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, ông có góp ý gì cho việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành logistics tương lai?

Định hướng kinh doanh của chúng tôi là kết nối nhà bán hàng và người mua hàng khắp cả nước, tạo ra cầu nối giúp thuận tiện hóa việc mua sắm trực tuyến, và đây cũng là mục tiêu chung của ngành TMĐT nói chung. Do vậy, là đơn vị chuyên về logistics, Lazada Logistics tập trung xây dựng mạng lưới rộng khắp, đảm bảo nhà bán hàng hay người mua hàng ở bất cứ đâu trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam đều có thể kết nối với nhau thông qua dịch vụ tốt nhất và thời gian ngắn nhất. Không những thế, với dịch vụ Logistics xuyên biên giới, Lazada Logistics còn kết nối người mua hàng với các nhà bán hàng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, và hướng tới kết nối nhà bán hàng tại Việt Nam tới người mua hàng tại các nước Đông Nam Á mà Lazada đang phục vụ.

Về các giải pháp phát triển logistics, hiện nay Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang rất chú trọng đến sự phát triển bền vững của logistics, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lazada rất mong Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương có những chính sách và các hướng dẫn cụ thể để ưu tiên phát triển e-logistics, logistics xanh, và có những chính sách ưu tiên cho các đơn vị tiên phong xây dựng e-logistics này.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: THY HẰNG - Thiết kế: THUỲ DƯƠNG