Khoảng cách từ chính sách đến thực tế trong hỗ trợ nông nghiệp

LÊ THẾ KHẢI - GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ BÁNH TRÁNG PHÚ HÒA ĐÔNG 29/09/2018 07:00

TPHCM đi đầu so với nhiều tỉnh thành trong việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng từ thực tế và văn bản còn nhiều chỗ có khoảng cách.

Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP HCM hỗ trợ cho các cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về công tác tại các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP HCM, quỹ của Liên minh hợp tác xã TPHCM 2018 là 7 tỉ đồng, nhưng đến nay, đã hơn sáu tháng, mới chỉ giải ngân được 93 triệu đồng. Như vậy nghẽn ở chỗ nào?

Quy định về tập huấn an toàn thực phẩm có hiệu lực trong vòng 2 năm. Người sản xuất kinh doanh thực phẩm phải đi tập huấn tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để lấy chứng nhận về làm việc, phải đi lại 2 năm một lần. Nhưng các kiến thức thì không thấy có điều gì mới, vẫn là đào tạo cách rửa tay 20 giây, đeo khẩu trang… mà người làm nghề cứ phải đi tập huấn lại mãi. Nên chăng quy định kéo dài hiệu lực của giấy chứng nhận đến suốt đời?

Cũng về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm mà có tới 109 chỉ tiêu về rau sạch cho mỗi mẫu rau và chi phí để xét nghiệm lên đến gần 20 triệu đồng, cứ 3 năm phải đi xét nghiệm 1 lần. Mỗi lần đi xét nghiệm là chúng tôi bị rớt một vài chỉ tiêu, nên chúng tôi đem hẳn nguồn nước máy tưới, rửa rau đi xét nghiệm, nhưng cũng có chỉ tiêu bị rớt. Như vậy có phải hoàn toàn là rau của chúng tôi không đạt chỉ tiêu? Trong khi đó, chi phí quá cao rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khi ra một sản phẩm mới.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định, đảm bảo quy chuẩn nhưng quy trình cũng như mức phí phải phù hợp với thực tế, tránh tạo gánh nặng chi phí cũng như tốn kém thời gian, tạo gánh nặng quá lớn lên vai doanh nghiệp. 

LÊ THẾ KHẢI - GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ BÁNH TRÁNG PHÚ HÒA ĐÔNG