Bất bình đẳng giữa doanh nghiệp số trong và ngoài nước

Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC (Như Loan ghi) 17/05/2019 14:40

Hiện nay, Internet và IoT tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế, các hệ thống nền tảng số ra đời đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp toàn cầu, kỷ nguyên số hoàn toàn có thể giúp Việt Nam cất cánh.

Thách thức cho các doanh nghiệp và tổ chức trong thế giới số chính là làm thế nào để năng suất cao, ứng dụng trí tuệ, tốc độ nhanh và độ mở và khả năng kết nối mọi lúc mọi nơi và chính nền tảng số sẽ giải quyết các bài toán này của doanh nghiệp. Nhu cầu kết nối chia sẻ thành công là vấn đề hết sức quan trọng, tốc độ nhanh là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp thành công.

Việt Nam không chỉ là thị trường của các doanh nghiệp lớn mà còn là đối tác phát triển công nghệ hàng của các doanh nghiệp bởi Việt Nam là một thị trường năng động, có nguồn nhân lực ICT rất tốt. Hệ sinh thái mở CMC tập trung được các công nghệ và đối tác hàng đầu sẽ luôn là một lợi thế, góp phần thúc đẩy nhanh một Việt Nam số.

Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp nội dung số đã nói đến những vướng mắc về cơ chế chính sách đã trói chân, trói tay các doanh nghiệp trong nước, vô tình tạo ra chính sách bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài phát triển, chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam.

Ví dụ, Google, FaceBook không phải nộp thuế, còn doanh nghiệp Việt Nam nộp đủ 4 loại thuế, phí liên quan doanh nghiệp. Google, FaceBook không cần giấy phép. Ngoài ra, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam buộc phải cấp phép và không được sáng tạo ra ngoài những gì được cấp phép theo cách quy định được ban hành và xây dựng cách đây 10 năm.

Để tạo cơ chế chính sách thuận lợi, nhà nước nên coi nội dung số là ngành trọng điểm, tiếp sức cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước có đủ tiềm lực để phát triển các nền tảng phân phối nội dung mới từ chính các nhà sản xuất nội dung Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn đưa ra kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp số trong và ngoài nước, qua đó giúp doanh nghiệp số trở thành trụ cột của nền kinh tế, cũng như vươn tầm thế giới.

Vì bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn phát triển và thành công thì họ phải thành công ở chính quốc gia khởi sự kinh doanh của họ. Do đó, các cơ quan hoạch định chính sách cần chủ động tìm hiểu kinh nghiệm của các nước đi trước xây dựng chính sách ưu đãi, tạo sự thuận lợi nhất cho doanh nghiệp số Việt Nam phát triển. Trước tiên là tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp số trong và ngoài nước về thuế và quyền tự do sáng tạo những lĩnh vực mới.

Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC (Như Loan ghi)