Nên sản xuất lúa gạo theo nhu cầu của thị trường
Việt Nam là đất nước có những lợi thế đặc biệt trong sản xuất lúa gạo và là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Do đó, ngày nay xuất khẩu lúa gạo đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.
Trong 10 tháng năm 2019 xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn, trị giá 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Vì vậy, với 24 năm lịch sử phát triển cùng với chất lượng và uy tín được khẳng định trên thị trường theo tôi, để xuất khẩu lúa gạo đạt kim ngạch xuất khẩu cao, ổn định và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam thì chúng ta nên sản xuất hướng theo nhu cầu của thị trường thế giới.
Tôi lấy ví dụ, chúng ta có thể nghiên cứu sản xuất ra dòng lúa gạo xuất khẩu chất lượng cao để hướng tới các thị trường khó tính, còn dòng lúa gạo chất lượng bình thường cho năng suất cao thì xuất khẩu vào các thị trường mà nhu cầu của người tiêu dùng không quá khắt khe, dễ tính hơn.
Như vậy có thể thấy, gạo Việt muốn thâm nhập vào các thị trường lớn thì cần phải chú trọng từng chủng loại và các nhà bao tiêu cũng phải nắm được yêu cầu về chất lượng lúa gạo của từng thị trường trên thế giới thì mới có thể đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Nếu ngày nay chúng ta không bắt kịp xu thế, chưa theo kịp về chất lượng cũng như về các tiêu chuẩn của sản phẩm thì chúng ta dễ bị các đối thủ khác cạnh tranh, cũng như các sản phẩm của thế giới hội nhập sẽ khiến chúng ta mất đi cơ hội và thua ngay chính trên sân nhà.
Dương Thành ghi