Chủ tịch PTI Triệu Văn Dương: Nên khởi nghiệp ngay từ ghế nhà trường

Giang Phương thực hiện 18/01/2018 18:30

Khởi nghiệp đang tạo nên một phong trào, một “cơn sốt” trong xã hội. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3% số người khởi nghiệp là thành công thực sự. Vậy vấn đề nằm tại đâu? TS Triệu Văn Dương – Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tổ chức Giáo dục PTI, thành viên Ban tư vấn Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ cùng Enternews.

TS Triệu Văn Dương –CTHĐQT - TGĐ Tổ chức Giáo dục PTI trao chứng nhận tốt nghiệp trong Lễ tôn vinh sự học lần thứ 11 tại HN của PTI

TS Triệu Văn Dương – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổ chức Giáo dục PTI trao chứng nhận tốt nghiệp trong Lễ tôn vinh sự học lần thứ 11 tại Hà Nội của PTI

- Một số người cho rằng: “Chỉ khi có đủ tiền mới nên bắt đầu khởi nghiệp”, quan điểm của ông về vấn đề này?

Trong kinh doanh, nguồn vốn là yếu tố quan trọng bậc nhất nuôi dưỡng và quyết định sự hoạt động thông suốt của doanh nghiệp. Để khởi nghiệp chúng ta cần phải có tiền. Tuy nhiên, để đợi đến lúc đủ tiền mới bắt đầu khởi nghiệp thì lại là sai lầm, bởi bạn sẽ bỏ qua nhiều cơ hội ở vào các thời điểm vàng khác nhau. Vì vậy, đa phần người làm kinh doanh phải huy động vốn bên ngoài để khởi sự. Nguồn vốn có thể từ gia đình, bạn bè, ngân hàng, các quỹ đầu tư… Và các yếu tố liên quan đến vốn:  lãi suất, thời hạn, rủi ro… cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

 - Theo ông, thiếu nguồn vốn có phải là lý do của khoảng 97% người khởi nghiệp đã thất bại?

Không hẳn như vậy. Vì khi xác định khởi nghiệp, các bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm thế, kiến thức, kỹ năng. Bạn phải có ý tưởng, có nguồn lực, thị trường… Khởi nghiệp thành công cần những con người có tố chất thực sự: có bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh những vấn đề khác, sống vì đam mê, bất chấp mọi áp lực, kiên định và tập trung theo con đường của mình. Đa phần khi mới khởi nghiệp, các bạn thường dùng 100% những gì mình có và hơn thế. Nhưng lại không có kế hoạch để duy trì lâu dài. Khi đã khai thác được các nguồn khách hàng quen thuộc và dần cạn kiệt thì các bạn không còn đủ nguồn lực để tiếp tục nữa. Không thể vượt qua được những khó khăn nên chấp nhận bỏ cuộc.

 - Trong tình hình đó thì khởi nghiệp thông minh mang lại những giá trị gì? Tư tưởng cốt lõi của ông trong thời điểm khởi nghiệp là gì?

Khởi nghiệp thông minh là lấy sáng tạo thay cho nguồn vốn, mang lại những sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao. Mang lại công ăn việc làm, giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo ra nguồn thu nhập cho người lao động nuôi sống bản thân và gia đình. Đối với cá nhân người khởi nghiệp sẽ giải phóng tư duy, phát huy tính năng động vốn có, làm giàu chính đáng và bền vững cho bản thân, gia đình, xã hội và quan trọng hơn hết, là theo đuổi được ước mơ của mình một cách trọn vẹn nhất. Trong thời điểm khởi nghiệp của tôi, tư tưởng cốt lõi đó là khởi nghiệp kinh doanh gắn liền với phụng sự xã hội.

- Hiện nay, có chủ trương triển khai chương trình khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hình thức đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Trước mắt, việc xây dựng mô hình giáo dục khởi nghiệp tại nước ta đang gặp phải rất nhiều khó khăn, rào cản về nghiên cứu và đào tạo, quản lý và tổ chức... Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình kinh tế như hiện nay thì việc giáo dục khởi nghiệp là rất quan trọng. Vì vậy, quá trình thay đổi chương trình đào tạo theo hướng nghề nghiệp và hướng tiếp cận khởi nghiệp là thực sự cần thiết và cấp bách. Trường học sẽ là một môi trường lý tưởng để bắt đầu công việc kinh doanh cho sinh viên, thúc đẩy sự sáng tạo các ý tưởng kinh doanh; tự trau dồi kiến thức và kinh nghiệm; nơi dễ dàng sở hữu các mối quan hệ tuyệt vời, nguồn nhân tài rẻ cùng sự tư vấn từ các chuyên gia là giảng viên của nhà trường. Đây là thời điểm tốt nhất để thử nghiệm, phát triển bản thân và cũng là tốt nhất để thất bại và đứng lên từ thất bại.

Ông Triệu Văn Dương (thứ 4 từ phải sang) trong chương trình “Festival khởi nghiệp 2018 - Ngày hội đầu tư”

Ông Triệu Văn Dương (thứ 4 từ phải sang) trong Chương trình “Festival khởi nghiệp 2018 - Ngày hội đầu tư”

 - Là thành viên của Ban Tư vấn chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, từng tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp dành cho sinh viên, ông có đánh giá thế nào về năng lực sinh viên và khả năng thành công trong dự án của các bạn?

 Sinh viên hiện nay rất năng động, sáng tạo, có nhiều ý tưởng táo bạo trong khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều các bạn đang thiếu chính là tính thực tế mà cái này cần phải có sự trải nghiệm. Dường như các bạn vẫn chưa thể thoát ra khỏi lý thuyết và đa phần vẫn chưa thể thuyết phục được các nhà đầu tư. Điều các em cần phải làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là trang bị các kỹ năng mềm, hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, hãy biết tìm đến các doanh nhân thành đạt để có được sự chia sẻ, hỗ trợ cả về kinh nghiệm, bài học, định hướng phát triển và nguồn vốn hoạt động.

-  Bản thân ông cũng là một doanh nhân thành đạt, ông có thể mang lại điều gì cho các sinh viên đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp?

Đã từng khởi nghiệp và đã trải qua rất nhiều khó khăn mới đi được đến ngày hôm nay, tôi hiểu và cảm thông cho các em sinh viên rất nhiều. Việc tham gia vào Ban tư vấn Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cũng xuất phát từ điều đó. Tôi dẫn dắt các bạn, muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi đến các bạn, hỗ trợ phát triển những dự án có tính khả thi. Tôi sẵn sàng đưa các bạn về doanh nghiệp của tôi để đào tạo và học hỏi.

- Xin cảm ơn ông!

Giang Phương thực hiện