Trump thay đổi quan điểm về thương mại đa phương

Cẩm Anh 30/01/2018 06:30

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nhấn mạnh sự cần thiết của thương mại công bằng và cùng có lợi.

Bài phát biểu tại Davos của Trump báo hiệu sự thay đổi của thương mại đa phương

Bài phát biểu tại Davos của Trump báo hiệu sự thay đổi của thương mại đa phương

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức vừa qua tại Davos, Thụy Sỹ, Tổng thống Donald Trump đã dành phần lớn bài phát biểu của mình cho các vấn đề thương mại.

"Mỹ đang chuẩn bị đàm phán các hiệp định thương mại song phương cùng có lợi với tất cả các nước", trong đó có các quốc gia "rất quan trọng" trong CPTPP, ông Trump cho biết và nhấn mạnh, Mỹ đã có thỏa thuận với một vài nước thành viên của CPTPP và sẽ cân nhắc đàm phán với các nước còn lại. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã không cung cấp thời gian cụ thể cho các cuộc đàm phán mới.

Tổng thống Trump cũng cảnh báo rằng, Hoa Kỳ sẽ không còn nhắm mắt làm ngơ trước những thực tiễn thương mại không công bằng, bao gồm cả việc đánh cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp quá mức của các chính phủ. "Những hành vi như vậy đang "bóp méo" thị trường thương mại toàn cầu", ông Trump cho biết.

Giới chuyên gia cho rằng, những bình luận này dường như nhằm vào Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn. Washington đang cố gắng xóa bỏ sự mất cân bằng này bằng những động thái như đánh thuế cao hơn.

Ông Trump cũng đã tiết lộ rằng Mỹ có thể sẽ quay trở lại CPTPP. Điều này đã góp phần xoa dịu những lo ngại của những đại biểu tham dự WEF về việc Mỹ quay lưng lại với hợp tác quốc tế.

Hiệp định CPTPP là một khuôn khổ toàn diện bao gồm không chỉ cắt giảm thuế quan, mà còn bao gồm các quy tắc quốc tế phức tạp trong những lĩnh vực như sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Mục đích ban đầu của Hiệp định này nhằm giúp Mỹ và Nhật Bản thiết lập các quy tắc thương mại hiện đại cũng như hạn chế nỗ lực của Trung Quốc trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế để xây dựng phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn. Những chỉ trích của Trump đối với Bắc Kinh về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, quan điểm của chính quyền Trump đã tiến gần hơn đến những ý tưởng của CPTPP.

Quan điểm thương mại của Trump được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp Mỹ đang lo ngại về CPTPP. Bởi Hiệp định này được xây dựng lại theo hướng lấp "lỗ hổng" gây ra bởi sự rút lui của Washington.

Các ngành nông nghiệp, công nghiệp và những người ủng hộ đảng Cộng hòa đã nhiều lần vận động Nhà Trắng tham gia lại CPTPP, do lo ngại viễn cảnh nước này đánh mất chỗ đứng ở châu Á. Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay, Trump có thể coi đây là một sự nhượng bộ cần thiết.

Tổng thống Trump đã nói trong cuộc phỏng vấn của CNBC rằng, ông sẽ chỉ sẵn sàng tham gia CPTPP khi Hiệp định này được thay đổi tốt hơn, có lợi hơn đối với Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông là thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hoá vượt quá 700 tỷ USD mỗi năm. Việc đàm phán lại CPTPP có thể gây áp lực lên các quốc gia thành viên trong việc giảm sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Điều này, nếu được thực hiện thành công, sẽ giúp Trump nâng cao uy tín trong mắt người dân Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức khác của Mỹ dường như không cùng quan điểm với Trump ở Davos. 

Chính phủ Nhật Bản, vốn dẫn đầu nỗ lực trong đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP vào tháng 3 năm nay, đồng thời cho biết sẽ cố gắng thuyết phục Mỹ quay trở lại tham gia Hiệp định này.

"Chúng tôi sẽ giải thích sự quan trọng của Hiệp định CPTPP và xác nhận ý định của Trump", Thứ trưởng nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói với các phóng viên CNBC ngày 26/1 vừa qua.

Trong khi Nhật Bản hoan nghênh sự trở lại của Mỹ đối với CPTPP, thì các nước thành viên khác đều không muốn đàm phán lại. Bởi vì, việc sửa đổi một phần Hiệp định có thể dẫn đến một loạt những yêu cầu thay đổi khác và có nguy cơ làm sụp đổ thỏa thuận thương mại khổng lồ này.

Cẩm Anh