Sản lượng dầu Venezuela giảm mạnh nhất gần 3 thập kỷ qua
Theo số liệu của OPEC, sản lượng dầu mỏ của Venezuela đã giảm gần 13% trong năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong 28 năm qua.
Nguyên nhân sụp đổ ngành dầu mỏ
Venezuela chỉ sản xuất được 2.072 triệu thùng/ngày trong năm 2017 so với 2.373 triệu thùng/ngày vào năm 2016, giảm gần 300.000 thùng/ngày.
Đây là mức giảm sản lượng dầu mỏ mạnh nhất trong số các thành viên của OPEC sau khi đã cam kết hạn chế sản lượng từ đầu năm 2017 đến hết năm 2018.
Tuy nhiên, không giống như việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia, Nga và các nước khác nhằm đẩy giá dầu tăng cao hơn, Venezuela đã không thể ngăn chặn được việc sụt giảm sản lượng trong 6 năm qua.
Các khoản đầu tư ít ỏi, trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và chảy máu chất xám đã tác động nặng nề lên ngành dầu khí của Venezuela. Sự sụt giảm trong sản xuất dầu mỏ đã ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ - nguồn thu ngoại tệ chính duy nhất của nước này để trả nợ và lọc dầu, dẫn đến sự khan hiếm nhiên liệu trong nước.
Cuộc thanh, kiểm tra nhằm phát hiện tham nhũng trong lĩnh vực dầu mỏ trong những tháng gần đây theo chỉ đạo của Tổng thống Nicolas Maduro đã gây ra sự hoang mang, lo sợ trong ngành công nghiệp năng lượng và làm tê liệt Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Venezuela PDVSA. Đây là một sự sụp đổ đáng kể đối với thành viên OPEC vốn là nơi dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới.
Sự sụt giảm sản lượng dầu mỏ của Venezuela nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái và siêu lạm phát vốn đã khiến người nghèo ở Venezuelans phải bỏ bữa hoặc kiếm thức ăn từ rác thải.
Các nhà chính trị đối lập cho rằng mô hình kinh tế không hiệu quả của Venezuela và tình trạng tham nhũng tràn lan là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.
"Đây là hành động thiếu trách nhiệm nhất đối với người dân Venezuela. Những quan tham đã phá hủy ngành công nghiệp mang về gần 96% ngoại tệ của nước này", nhà lập pháp đối lập Elias Matta nói.
Mức độ giảm sản lượng
Chỉ trong tháng 12/2017, sản lượng của Venezuela đã giảm 216.000 thùng/ngày so với tháng 11/2017 xuống còn 1.621 triệu thùng/ngày và giảm 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Manuel Quevedo, tân Chủ tịch Tập đoàn PDVSA đã cam kết sản lượng sẽ tăng lên hơn 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay. Nhưng ông Quevedo vẫn chưa đưa ra một kế hoạch chi tiết.
Tháng 1/2018 chứng kiến sự gia tăng chưa từng có số lao động từ chức vì không hài lòng với bộ máy quản lý và tiền lương mới của Tập đoàn PDVSA.
"Họ đang tuyệt vọng để duy trì sản xuất. Tăng sản lượng là quá khó. Các điều kiện nội bộ đang ngày càng tồi tệ", một nhân viên của PDVSA nói.
Theo ông Francisco Monaldi, một chuyên gia về năng lượng Venezuela tại Đại học Rice, sản lượng dầu mỏ của Venezuela sẽ giảm 250.000 - 350.000 thùng/ngày vào năm 2018.
Trong khi đó, Công ty Tư vấn dầu mỏ Energy Aspects dự báo sản lượng dầu mỏ của Venezuela sẽ giảm ít nhất 200.000 thùng/ngày trong năm 2018, giúp cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu bị quá tải nguồn cung.
"Sự sụt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ của Venezuela sẽ giúp OPEC đạt được mục tiêu cắt giảm sản lượng nhanh hơn. Một khi đạt được sự cân bằng, OPEC sẽ hạn chế việc cắt giảm sản lượng”, ông Amrita Sen, đồng sáng lập Energy Aspects, nói với Reuters.
Nếu sản lượng dầu mỏ tiếp tục sụt giảm, sẽ khiến Venezuela càng gặp khó khăn hơn. Tổng thống Maduro cho biết Venezuela muốn tái cấu trúc nợ nước ngoài của mình, bao gồm 60 tỷ USD trái phiếu do PDVSA và chính phủ ban hành, nhưng nước này đã trễ hạn thanh toán trong vài tháng qua.