Tái thống nhất hai miền Triều Tiên có khả năng xảy ra?
Trong thời gian qua, không khí hòa giải và tạo dựng lòng tin giữa 2 miền Triều Tiên đã có xu hướng gia tăng. Liệu 2 miền này có đạt được thỏa thuận tái thống nhất trong tương lai?
Hôm qua (6/4), Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết bầu không khí hòa giải và tạo dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên đang gia tăng trên bán đảo này, đồng thời cho biết hai miền Nam-Bắc có khả năng đạt được “bước đột phá” về tái thống nhất nếu hai bên hợp tác chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, GS. Julian Ku, đại học Hofstra (Mỹ) cho rằng khả năng thống nhất 2 miền Triều Tiên khó xảy ra. Bởi vì, Hàn Quốc giàu có hơn, mạnh hơn, và là một đất nước hoàn toàn khác so với Triều Tiên. "Thật khó tưởng tượng rằng họ sẽ dễ dàng thống nhất theo bất kỳ cách nào", GS. Julian Ku đánh giá và cho biết, xã hội hai nước đã tách xa nhau rất nhiều, nên người Hàn Quốc sẽ coi Triều Tiên như một gánh nặng, họ phải đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng lại Triều Tiên, hoặc ít nhất cũng phải gánh chi phí cho việc thống nhất.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, Triều Tiên là một quốc gia sống trong sự tách biệt, nơi người dân rất ít truy cập internet. Quốc gia này không giống như bất kỳ nước nào khác trên thế giới, và là một trong những nước cô lập nhất trên thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc lại là một trong những quốc gia dân chủ, tự do và có trình độ công nghệ cao nhất thế giới.
Vì vậy, để kết hợp những điều này dường như không thể tin được, đặc biệt là các thế hệ trẻ ở hai nước thực sự không có kỳ ức về bất kỳ mối liên hệ nào giữa hai bên. Không có sự ủng hộ lớn ở Hàn Quốc cho việc thống nhất 2 miền Triều Tiên.
"Mọi người nói về sự thống nhất như một cái gì đó tuyệt vời, nhưng họ không nhận ra rằng hai quốc gia khác nhau như thế nào và việc thống nhất thực sự tốn kém và khó khăn như thế nào với người Hàn Quốc", GS. Julian Ku.
Trên thực tế, trở ngại chính cho việc thống nhất 2 miền Triều Tiền là mối quan hệ khó khăn của Triều Tiên với tất cả các nước khácc. Hiện tại, Mỹ và Triều Tiên vẫn đang còn nhiều xung đột. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ thực sự giải quyết đến cùng mọi vấn đề. Và đó là lý do tại sao quân đội Mỹ vẫn đóng tại Hàn Quốc và 2 quốc gia này luôn cảnh giác nhau và có thể chiến đấu bất cứ lúc nào.
"Tôi nghĩ những gì Mỹ và Triều Tiên đang mong muốn là xoa dịu căng thẳng", GS. Julian Ku nói và cho biết, Mỹ đã gỡ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên cũng đã cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
"Chỉ khi Triều Tiên đạt được một thỏa thuận hòa bình với Mỹ, thì Triều Tiên và Hàn Quốc mới đạt được sự thống nhất nào đó", GS. Julian Ku nhận định.
Theo GS. Julian Ku, sự thống nhất 2 miền Triều Tiên là một điều có vẻ như không thể xảy ra trong tương lai gần, trừ khi Triều Tiên sụp đổ vì một lý do nào đó. "Chúng ta không có nhiều ví dụ cho điều này, nhưng ví dụ điển hình trong lịch sử gần đây là sự thống nhất của Tây Đức và Đông Đức vào đầu những năm 90. Trong hoàn cảnh đó, về cơ bản Đông Đức đã yếu thế hơn rất nhiều về tiềm lực quân sự và kinh tế so với Tây Đức, nên mọi việc diễn ra đơn giản hơn", GS. Julian cho biết.
Ở một khía cạnh khác, GS. Julian Ku phỏng đoán tại sao việc Hàn Quốc và Triều Tiên ít có khả năng thống nhất là vì Trung Quốc quan tâm mạnh mẽ đến việc duy trì một quốc gia riêng biệt ở Triều Tiên. Và đó là một trong những khác biệt lớn nhất khi so sánh với trường hợp của Đông Đức và Tây Đức.
"Liên bang Xô Viết khi đó không còn quan tâm liệu Đông Đức có trở thành một phần của Tây Đức hay không, nhưng người Trung Quốc vẫn quan tâm và họ có thể tạo sự khác biệt lớn trong việc duy trì Triều Tiên như một quốc gia riêng biệt", GS. Julian giải thích.
Mặc dù vậy, nhưng một số chuyên gia khác lại cho rằng, không phải không có khả năng sẽ có sự đột phá nào đó, dẫn tới việc thống nhất 2 miền Triều Tiên trong tương lai.