Trung Quốc sẽ dùng "vũ khí" nào để tiếp tục trả đũa Mỹ?
Căng thẳng thương mại Mỹ- Trung tiếp tục leo thang, Bắc Kinh đang không ngừng tìm kiếm các biện pháp trả đũa khác, ngoài gói thuế 60 tỷ USD được công bố mới đây.
Tuy không thể “đôi co” với Mỹ về thuế quan, những Bắc Kinh vẫn còn có “vũ khí phi thuế quan” để đối phó với Washington.
Các công ty Mỹ - Đối tượng được chú ý
Có thể bạn quan tâm
Giá dầu thế giới “lao đao” vì chiến tranh thương mại
11:01, 19/09/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục "leo thang"
11:30, 18/09/2018
Chiến dịch “Made in China 2025” lao đao vì chiến tranh thương mại
13:23, 16/09/2018
Kinh tế toàn cầu suy giảm vì chiến tranh thương mại
04:01, 09/09/2018
Giám đốc nhóm đầu tư của Brandes Investment Partners - ông Gerardo Zamorano, cho rằng chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có thể cấm người dân tới Mỹ du lịch hoặc ngừng mua hàng hóa của Mỹ. Và họ đã làm như vậy với Hàn Quốc vào năm ngoái, khi Seoul đồng ý triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại quốc gia này.
Theo ông Zamorano, không có lệnh cấm chính thức, nhưng chính phủ Trung Quốc chỉ cần “nháy mắt” và nói các phương tiện truyền thông nhà nước đưa ra ý kiến nhất định. Sau đó những doanh nghiệp nước ngoài bị nhắm mục tiêu bất ngờ mất thị phần. Điều này có khả năng sẽ xảy ra tương tự với những thương hiệu biểu tượng của Mỹ như McDonald’s hoặc Burger King.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể cản trở các công ty Mỹ trong việc chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Việc chuyển tiền mặt cần phải được các cơ quan chức năng nước này chấp thuận và Bắc Kinh sẽ làm chậm quá trình đó. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể làm khó việc xin visa của người Mỹ hoặc làm tăng gánh nặng pháp lý lên các công ty Mỹ.
Ông Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco nhận định: “Có rất nhiều quy định thực sự có khả năng làm chậm kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ”.
Một ví dụ khác cho thấy các công ty Mỹ đang ở trong “tầm ngắm” của Bắc Kinh là việc “người khổng lồ” ngành bán dẫn thế giới Qualcomm đã phải từ bỏ thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD mua đối thủ Hà Lan là NXP, sau khi cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc cho rằng những hồ sơ đệ trình của Qualcomm không đạt yêu cầu.
Dù Bắc Kinh cho biết vụ việc này không hề liên quan tới mối quan hệ thương mại căng thẳng với Washington, nhưng nó vẫn cho thấy một thị trường lớn như Trung Quốc đủ sức ảnh hưởng tới số phận của các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) quốc tế.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, các công ty Mỹ đã ghi nhận sự giám sát ngày càng gia tăng. Khoảng 27% công ty cho biết có thêm nhiều hoạt động kiểm tra hơn, 19% cảm thấy hoạt động quản lý siết chặt hơn, và 23% cho biết thủ tục hải quan được giải quyết chậm hơn.
Thậm chí, Trung Quốc có thể chơi trò “câu giờ” với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình có kế hoạch duy trì quyền lực vô thời hạn, điều này nghĩa là ông sẽ ưu tiên dành thời gian để thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại với các nước khác trên thế giới và cô lập Mỹ. Thực tế là Bắc Kinh đã làm cách này với châu Âu và Canada.
Ngừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ
Trung Quốc là một trong những chủ sở hữu lớn nhất trái phiếu kho bạc Mỹ, với khoảng 1.000 tỉ USD giá trị trái phiếu vào năm 2017, theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giống như hầu hết các nhà đầu tư, nước này cũng muốn dự trữ đồng bạc xanh ở nơi an toàn và trái phiếu Mỹ vẫn là khoản đầu tư vững chắc.
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh chịu áp lực thuế quan quá lớn, họ sẽ bán hoặc ngừng mua trái phiếu của Mỹ, và điều đó sẽ tạo ra tác động đáng kể lên nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu trường hợp này xảy ra, giá trị trái phiếu Mỹ sẽ giảm mạnh. Chính phủ Mỹ phải vay tiền với lãi suất cao hơn, gây ra những vấn đề khủng hoảng nợ mới.
"Việc giảm thâm hụt ngân sách lớn ở Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu Trung Quốc không tiếp tục mua trái phiếu, hoặc thậm chí tệ hơn, nếu Trung Quốc bán bớt lượng trái phiếu mà họ đang nắm giữ" - Chuyên gia kinh tế tại Jefferies LLC Thomas Simons đánh giá.
Giáo sư Charles Wyplosz, Viện Nghiên cứu phát triển quốc tế Geneva cho rằng: "Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với rủi ro vì đã đầu tư quá nhiều vào trái phiếu chính phủ Mỹ, do đó, việc họ cố gắng đa dạng hóa đầu tư chỉ là vấn đề thời gian".
Tuy nhiên, hiện có nhiều lý do để Trung Quốc do dự chưa thực hiện động thái này. Nguyên nhân nổi bật nhất là nó cũng sẽ làm cho cổ phiếu của họ mất giá trị, trong khi họ vẫn không có lựa chọn an toàn nào khác để thay thế cho đồng USD. Nhưng nếu Bắc Kinh muốn làm tổn thương Washington thì đây sẽ là cách hiệu quả nhất, đặc biệt khi chính phủ Mỹ đang phải chịu thâm hụt lớn, dự kiến sẽ đạt 804 tỷ USD cho năm tài chính 2018.
Ông Nathan Sheets, Chuyên gia kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income cho biết: "Nếu Trung Quốc đưa ra bất kỳ chính sách nào gây ra bất ổn trên thị trường nợ chính phủ Mỹ, chắc chắn bản thân Trung Quốc cũng không có lợi gì".
Những “lá bài” chưa được tung ra
Hiện mỗi năm có khoảng 350.000 du học sinh Trung Quốc sang học tại Mỹ, khiến nơi đây trở thành một nguồn thu cực kỳ quan trọng đối với nhiều trường đại học Mỹ. Theo ông Wu Baiyi, người đứng đầu Viện Nghiên cứu nước Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các phụ huynh Trung Quốc đã sẵn sàng gửi con đi du học tại Mỹ, nhưng nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, họ có thể gửi con cái đến học tại nước Anh, Đức, thậm chí Brazil hoặc Ấn Độ.
Ngoài các du học sinh, hàng trăm ngàn khách du lịch Trung Quốc cũng tới Mỹ mỗi năm và chi tiêu khá hào phóng tại những nơi vui chơi mua sắm nổi tiếng như đường Rodeo Drive hay thành phố Las Vegas. Nhìn lại thời kỳ căng thẳng ngoại giao với Hàn Quốc, không khó để nhận ra Bắc Kinh có thể chặn dòng chảy khách du lịch của nước này nhanh chóng thế nào. Với việc du khách Trung Quốc đã dừng bay sang Hàn Quốc ngay sau khi Bắc Kinh cấm các tour du lịch theo nhóm, ngành du lịch Hàn Quốc đã trải qua một giai đoạn tồi tệ với doanh số sụt giảm khá mạnh.