Thế giới đã sẵn sàng cho 5G?
Còn nhiều ý kiến cho rằng, một thế giới kết nối không dây - 5G tốc độ cao vẫn đang là một ý tưởng không thực tế cho đến thời điểm hiện tại.
Sự tiện ích mà công nghệ 5G đem lại là không thể chối từ. Đó là lý do tại sao tổng thống Trump đã trở thành một fan hâm mộ của 5G. Trong một tweet gần đây, vị Tổng thống Mỹ bày tỏ mong muốn có 5G và thậm chí là công nghệ 6G có mặt tại Mỹ càng sớm càng tốt.
"Công nghệ 5G mạnh hơn, nhanh hơn và thông minh hơn so với tiêu chuẩn hiện tại. Các công ty Mỹ phải tăng cường nỗ lực của họ, hoặc bị bỏ lại phía sau. Không có lý do gì mà chúng ta nên tụt lại phía sau .....", ông viết.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà mạng "sục sôi" giới thiệu thiết bị 5G để khẳng định vị thế
02:44, 01/03/2019
Mỹ giáng đòn vào 5G của Huawei tác động thế nào đến Việt Nam?
01:45, 21/02/2019
Đầu tư mạnh phát triển 5G, Oppo đã có được gì?
00:10, 20/02/2019
Chạy đua mạng 5G không cẩn thận sẽ tạo kẽ hở cho hacker?
03:14, 19/02/2019
Hiện nay, các công ty cần sở hữu 5G SEP (Bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu) nếu họ muốn triển khai công nghệ 5G. Trong năm 2018, số lượng SEP đã nhiều hơn gấp bốn lần so với năm trước, cho thấy sự bùng nổ lớn của ngành công nghệ 5G trong tương lai.
Và khi nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh phát hành điện thoại tương thích với công nghệ 5G, các quốc gia cũng đang tập trung nhiều nguồn lực để mở rộng cơ sở hạ tầng mạng để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ mới.
"Các ngành công nghiệp đang ngày càng phát triển hơn trước. Công nghệ 5G có thể truyền nhiều thông tin và dữ liệu từ các cảm biến đến các máy chủ", Giám đốc kinh doanh của SK Telecom IoT, Kinam Kim nhận định.
Tại Hội nghị Di động Thế giới 2019 (MWC) vừa qua, nhà điều hành di động Hàn Quốc đã giới thiệu một nhà máy sử dụng công nghệ 5G để kết nối các thành phần trong một dây chuyền sản xuất. Việc kết nối nhanh hơn cho phép các thiết bị robot xử lý hàng tồn kho ở tốc độ siêu nhanh và nhanh chóng sửa chữa
Bên cạnh đó, trên trang web của một cửa hàng tạp hóa kết nối 5G của Intel, tất cả những gì người dùng cần để mua hàng chỉ là một chiếc điện thoại thông minh có mã QR cá nhân được cung cấp từ cửa hàng.
Theo Sandra Rivera, phó chủ tịch cấp cao của Intel cho biết: "Các doanh nghiệp đều có thể điều hành một cửa hàng bán lẻ online ở hầu hết mọi nơi chỉ bằng công nghệ 5G mà không cần nhiều cơ sở hạ tầng hoặc sử dụng các sợi cáp mạng. Đó là những gì 5G sẽ mang đến trong tương lai".
Có thể thấy, những nền tảng ban đầu của công nghệ 5G đều giúp các doanh nghiệp toàn cầu nhận thức được rằng điều này sẽ làm thay đổi cách sống và sản xuất. Với sự ra đời của thế hệ điện thoại 5G mới vào năm 2019, chỉ còn vài tháng nữa là đến thời đại kỹ thuật số tiếp theo. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng không phải tất cả đều tuyệt vời khi 5G phát triển.
Đầu tiên, để đến giai đoạn kỹ thuật số tiếp theo với 5G, thế giới cần vượt qua một trở ngại rất lớn. Trở ngại này nằm ở sự khác biệt trong các bước sóng. Tín hiệu hoạt động theo một cách khác khi so sánh với các bước sóng 4G. Tín hiệu 5G có tần số cao hơn và bước sóng ngắn hơn, có nghĩa là khoảng cách giữa thiết bị và "tháp phát sóng" phải ngắn hơn.
Ngoài ra, tín hiệu 5G có độ thâm nhập yếu hơn tín hiệu 4G. Vì vậy, những vật cản dày như các bức tường có thể ảnh hưởng đến cách thức truyền tín hiệu. Không chỉ vậy, cách cầm điện thoại cũng có thể ảnh hưởng đến cường độ tín hiệu, ví dụ nếu tay người dùng che ăng-ten, nó sẽ làm giảm tín hiệu.
Tuy nhiên, có nhiều cách để khắc phục điều đó như đặt nhiều ăng ten sóng ngắn ở mọi ngóc ngách của thành phố. Các công ty "không dây" ở Mỹ cho biết họ sẽ phải lắp đặt khoảng 300.000 ăng ten mới để phục vụ cho công nghệ 5G, số lượng gần bằng tổng số tháp di động được Mỹ xây dựng trong ba thập kỷ qua.
Nhưng tất cả những nỗ lực đó đồng nghĩa với việc khiến chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ 5G trở nên đắt đỏ hơn, ngay cả đối với những người thuộc các quốc gia tiên phong sử dụng nó. Điều đó có nghĩa là sẽ chỉ có các tập đoàn viễn thông lớn tham gia cuộc chơi này bởi có khả năng cần phải chi hàng chục tỷ USD trước khi kiếm được một chút doanh thu ban đầu.
Cùng với đó, việc có nhiều ăng-ten truyền tín hiệu trong các khu phố dân sinh cũng có thể gây ra những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn. Những câu chuyện về những mối nguy hại về bức xạ của tháp truyền sóng không có gì mới và đã được khuyến cáo kể khi phát triển 2G.
Tại Mỹ, hiện đang có một số tổ chức tự nguyện kêu gọi trì hoãn triển khai 5G để cảnh báo các tác động xấu của công nghệ đối với cơ thể con người. Một số thành phố như Mill Valley, California đã đưa ra luật để ngăn chặn các phụ kiện và lắp đặt 5G một cách tràn lan.
Còn nhiều ý kiến cho rằng, một thế giới kết nối không dây 5G tốc độ cao vẫn đang là một ý tưởng không thực tế cho đến thời điểm hiện tại. Thậm chí, trong it nhất 5-10 năm tới, giấc mơ về kết nối 5G trong thực tế và tốc độ nhanh hơn 100 lần so với kết nối hiện tại sẽ chỉ là một giấc mơ.
Mặc dù vậy, 5G là nền tảng để phát kiến ra những điều mới mẻ và tạo ra nhiều cơ hội cho hàng loạt phát minh mới được sinh ra.