Sức ép cải tổ WTO
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)- một trong những tổ chức bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu quan trọng nhất đang bị đe dọa sự tồn vong bởi chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.
Tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Bloomberg rằng, Mỹ sẽ rút khỏi WTO nếu tổ chức này không tái cơ cấu hoạt động.
Mấu chốt ở “nước Mỹ trên hết”
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” là khẩu hiệu của tỷ phú Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng hồi năm 2016. Thực tế, Trump đã mạnh mẽ thực hiện lời hứa với cử tri bằng cách liên tục nói không với các tổ chức đa phương từ LHQ, CPTPP, các hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga, Iran, bây giờ là WTO.
Chính sách này sẽ thất bại nếu kinh tế Mỹ tụt dốc, nên Trump bắt đầu áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada, Mexico, EU; kể cả những đồng minh lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn bị đe dọa.
Có thể bạn quan tâm
WTO trước áp lực cải cách
11:15, 05/12/2018
Rủi ro từ đề xuất quy định mới của WTO
08:23, 23/09/2018
Mỹ bỏ qua WTO để đối đầu Trung Quốc
04:30, 22/07/2018
“Đòn gió” của Trump với WTO
11:49, 04/07/2018
Đã đến lúc cần sửa đổi quy tắc hoạt động của WTO
05:03, 11/04/2018
“Cửa” thắng của Việt Nam khi kiện Mỹ ra WTO
05:25, 06/04/2018
“Sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ vẫn quyết đánh thuế trừng phạt thép Việt”
06:06, 30/01/2018
Tuy nhiên, Mỹ đã thất bại đến 90% các vụ kiện thương mại ở WTO, đơn cử như vụ kiện của Trung Quốc cáo buộc Mỹ áp thuế chống bán phá giá. WTO phán quyết Bắc Kinh thắng kiện và yêu cầu Mỹ bồi thường 7 tỷ USD mỗi năm, nhưng Washington phớt lờ phán quyết này! Chính vì thất bại trong hầu hết các vụ kiện thương mại nên Trump bắt đầu phát động chiến dịch tẩy chay WTO.
Hiển nhiên, tranh chấp thương mại giữa các cường quốc luôn mang màu sắc của những cuộc cạnh tranh chiến lược dài hơi, song chính những hành động đơn phương của Mỹ đã làm cho trật tự thương mại thế giới bị xáo trộn trong thời gian gần đây.
Nếu rút khỏi WTO, Mỹ có thể nâng thuế “vô tội vạ” và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại để tồn tại. Hệ quả là hàng loạt cuộc chiến thương mại lớn nhỏ, chồng chéo.
Trong khi người Mỹ tỏ ra bất mãn với WTO, thì bản thân tổ chức này bắt đầu cho thấy xu hướng lỗi thời, chậm thay đổi và không bắt kịp diễn tiến thương mại trên khắp thế giới, nhất là xu hướng dịch vụ công nghệ bùng phát như hiện nay.
WTO dường như đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mặc dù hệ quả cuộc chiến này để lại rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến hàng chục nền kinh tế khác. Trên thực tế, WTO gần như bất lực trước cuộc chiến tranh chấp bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Các nền kinh tế nhỏ cần WTO
Trong bối cảnh tự do thương mại bị đe dọa bởi chính sách các nước lớn, thì các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đang rất cần những tổ chức như WTO để bắt nhịp với sân chơi toàn cầu, đó là nơi lý tưởng để tìm kiếm nguồn đầu tư, đối tác thương mại, chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm hội nhập và phát triển.
Sau 10 năm tham gia WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI. Đặc biệt, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” như: Samsung, LG, Toyota, Honda,… Tỷ trọng thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm của Việt Nam giữ vững ở mức 40- 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm.
Không những thế, đến nay cũng đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết. Trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết sâu rộng hơn như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
WTO rất khó có khả năng sụp đổ, kể cả khi không có Mỹ, vì toàn cầu hóa, đa phương hóa là xu thế không thể cưỡng lại. Nhưng, với tính cách khó lường của Trump, khả năng Mỹ rời WTO hoàn toàn có thể.
Bởi vậy, sức ép cải tổ đối với WTO là rất lớn để ứng phó tốt hơn với chính sách bảo hộ thương mại - khi kinh tế Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn cầu. Đặc biệt khi hàng hóa Việt Nam có xu hướng tăng tỷ trọng và chất lượng tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với nhiều hiểm nguy khi doanh nghiệp Mỹ chơi theo luật riêng, không tuân thủ nguyên tắc chung toàn cầu.
Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế “vô tội vạ” và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại để tồn tại. Hệ quả là hàng loạt cuộc chiến thương mại lớn nhỏ, chồng chéo, bất kể nước lớn hay nhỏ, buộc diễn ra.
Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị đủ tiềm lực, sức cạnh tranh, các xu hướng kinh doanh mới trước một viễn cảnh trật tự thương mại toàn cầu có dấu hiệu biến động mạnh. Trong cuộc chiến thương mại bất chấp luật chơi chung, phần thắng sẽ thuộc về bên có nhiều kinh nghiệm, tiềm lực.