Nhật Bản chào đón tân Nhật hoàng: Mở ra kỷ nguyên mới
Nhật Bản đã chứng kiến một thời khắc lịch sử mới khi Tân Nhật hoàng Naruhito lên ngôi từ 0h ngày 1/5 và điều này được chính thức hóa bằng nghi lễ 10 phút tại Cung điện hoàng gia.
Lễ kế vị của tân Nhật hoàng Naruhito tại phòng "Matsu no Ma" của Cung điện Hoàng gia hôm nay, ngày đầu tiên của triều đại Lệnh Hòa (Reiwa). Tên gọi triều đại này sẽ kéo dài trong suốt thời gian Nhật hoàng Naruhito trị vì.
Trong nghi lễ, Nhật hoàng Naruhito, 59 tuổi, được trao ba báu vật thiêng liêng thường được gọi là "Tam chủng thần khí" gồm thanh gươm Kusanagi no Tsurugi, chiếc gương Yata no Kagami và viên ngọc Yasakani no Magatama, tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và lòng nhân từ. Nhật hoàng cũng được trao con dấu hoàng gia và con dấu riêng của hoàng đế.
Có thể bạn quan tâm
Nhật Bản muốn tạo làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam
00:00, 27/04/2019
Bamboo Airways đưa những vị khách đầu tiên đến Nhật Bản
16:45, 28/04/2019
Nghệ An lập “chiến lược” với nhà đầu tư Nhật Bản
19:13, 26/04/2019
Đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến đầu tư giữa Nghệ An – Nhật Bản
13:55, 26/04/2019
Trong bài phát biểu của mình, Tân Hoàng đế Naruhito đã gửi lời cảm ơn đến cha của ông, Thượng Hoàng Akihito, người mà ông ca ngợi là đã tận tâm với phận sự của mình trong hơn 30 năm qua, toàn tâm toàn ý cống hiến cho hòa bình thế giới và hạnh phúc của người dân, luôn luôn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhân dân Nhật Bản. Nhật hoàng Naruhito bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn trọng sâu sắc đến Thượng hoàng.
Ông cũng tuyên thệ sẽ trung thành với Hiến pháp và tiếp bước Thượng Hoàng, sẽ luôn nghĩ đến người dân Nhật Bản để làm việc và cải thiện bản thân. Đồng thời, hoàn thành sứ mệnh là một biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất của người Nhật Bản.
Ngay trước khi các sự kiện diễn ra, Naruhito đã hoàn thành nghĩa vụ đầu tiên của mình trong vai trò Hoàng đế bằng cách đóng dấu phê duyệt của mình vào một quyết định nội các để tổ chức hai nghi lễ. Hoàng đế cũng sẽ ký các tài liệu để bổ nhiệm phụ tá hàng đầu của ông và cha mẹ của ông và chứng kiến các quan chức Nhật Bản tuyên thệ.
Lễ lên ngôi của Nhật hoàng Naruhito diễn ra một ngày sau khi cha ông là nay là Thượng hoàng Akihito thoái vị, kết thúc triều đại Heisei. Người dân Nhật Bản từ khắp nơi trên thế giới cũng đã gửi những lời tri ân đến Thượng Hoàng Akihito cũng như lòng biết ơn với những đóng góp của ông với Nhật Bản.
Có rất nhiều điều để người dân Nhật Bản tự hào, núi Phú Sĩ, tinh thần võ sĩ đạo (Samurai)... và cả Thượng Hoàng Akihito. Ông Ikuo Saito và vợ, bà Kii đã đến thăm vườn quốc gia Kokyo Gaien vào ngày 29/4. "Con trai chúng tôi bằng tuổi với Tân hoàng đế. Chúng tôi kết hôn cùng năm với Thượng Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko kết hôn. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy họ rất gần gũi với chúng tôi."
Ông là Hoàng đế có nhiều điều đặc biệt với người dân Nhật Bản, cũng là vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản trị vì theo Hiến pháp thời hậu chiến, quy định nhà vua giữ vai trò biểu tượng chứ không nắm quyền lực chính trị. Ngoài ra, ông cũng là nhà vua đầu tiên của nước Nhật kết hôn với một người dân thường.
Bên cạnh đó, Nhật hoàng Akihito đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế. Ông tích cực thúc đẩy hòa bình, phản đối chủ nghĩa dân tộc, bày tỏ "hối hận sâu sắc" về quá khứ của Nhật Bản và kêu gọi ghi nhớ lịch sử thay vì sửa đổi sai sự thật.
Ngoài các nhiệm vụ chủ trì nghi lễ tôn giáo hay tiếp đón quan khách nước ngoài, Nhật hoàng Akihito còn trở thành người an ủi, chia sẻ nỗi buồn với những người sống sót sau các thảm họa thiên nhiên. Đa số người Nhật nói rằng họ có thiện cảm hoặc kính trọng ông.
Dưới triều đại Heisei, Nhật Bản đã có nhiều biến động khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, "bong bóng" kinh tế Nhật Bản vỡ với thị trường chứng khoán lao dốc và bất động sản "đóng băng". Nhật Bản cũng phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên, trong đó thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 dẫn đến khủng hoảng rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân và vụ động đất tàn phá cảng Kobe, cuộc tấn công bằng khí độc sarin vào hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo vào năm 1995.
Khi ấy, Thượng hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko luôn có mặt tại những nơi xảy ra thảm họa để động viên người dân. Ông khiến nhiều người bất ngờ khi xắn tay áo, cởi giày, ngồi xuống ngang tầm những người sống sót sau một vụ phun trào núi lửa để trò chuyện với họ.
Trong những chuyến công du ngoại giao, Thượng hoàng Akihito cũng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Với vai trò như một phái viên hòa giải với các nước châu Á, Nhật hoàng Akihito đã nỗ lực thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình một cách tinh tế mà hiến pháp Nhật Bản thời hậu chiến đại diện.
Trong chuyến công du tới Việt Nam, cũng là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của Thượng hoàng Akihito vào năm 2017, ông đã chọn thăm thủ đô Hà Nội và cố đô Huế, thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu, danh nhân đã khởi xướng "Phong trào Đông du" đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học đầu thế kỷ 20 và gặp thân nhân gia đình Việt Nam của những cựu binh Nhật Bản từng sinh sống tại Việt Nam sau chiến tranh.
Tình cảm của ông dành cho đất nước, văn hóa và con người Việt Nam là đáng trân trọng. Dù chuyến công du không dài do sức khỏe của Thượng hoàng Akihito, nhưng những tình cảm mà ông để lại luôn được người dân Việt Nam trân trọng, giữ gìn.
Có thể khẳng định rằng, trong trái tim những người dân Nhật Bản nói riêng và nhân dân yêu hòa bình trên thế giới nói chung, hình ảnh của Thượng hoàng Akihito mãi là biểu tượng ấm áp, truyền cảm hứng và sống mãi với thời gian.
Giờ đây, Nhật Bản đã bước sang một kỷ nguyên mới, một triều đại mới với những kỳ vọng mới, người dân Nhật Bản lại chờ mong Nhật hoàng Naruhito tiếp bước Thượng Hoàng Akihito thúc đẩy sự phát triển và mở rộng tầm ảnh hưởng của đất nước, mang lại cuộc sống mới với nhiều đổi thay tích cực.