Tencent và chiến lược cạnh tranh với Amazon, Microsoft

Lê Trang 27/07/2019 07:00

Mới đây, Tencent đã công bố chiến lược hướng đến thị trường Nhật Bản trong chiến lược cạnh tranh với Amazon và Microsoft trong thị trường điện toán "đám mây".

Từ lâu, Tencent Holdings - một trong những tập đoàn công nghệ thống trị của Trung Quốc đã khiến giới quan sát tò mò về chiến lược của hãng, khi ông lớn này đầu tư vào hàng trăm công ty, đặc biệt là các ngành không mấy liên quan tới mảng kinh doanh chính như trò chơi điện tử hay mạng xã hội.

Tencent đã công bố chiến lược hướng đến thị trường Nhật Bản trong chiến lược cạnh tranh với Amazon và Microsoft trong lĩnh vực điện toán đám mây. Điều này vốn không lạ khi Tencent đang chuyển trọng tâm sang thị trường nước ngoài trong nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao khi nền kinh tế của Trung Quốc đang trên đà sụt giảm.

Điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong chiến lược kinh doanh của hãng khi Bắc Kinh đang có xu hướng thắt chặt các quy định về ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Chủ tịch của Tencent, Martin Lau đã khẳng định: "Rất nhiều người hỏi rằng liệu chúng tôi có giảm quy mô đầu tư vào năm nay hay không. Tôi sẽ nói luôn, là chúng tôi sẽ không làm như thế."

Trung tâm dữ liệu của Tencent tại Thiên Tân, Trung Quốc

Trung tâm dữ liệu của Tencent tại Thiên Tân, Trung Quốc

Các nhà phân tích và những nguồn tin thân cận với công ty này cho biết, động lực đầu tư của Tencent được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, từ việc xây dựng các nền tảng truyền thông xã hội và thanh toán của công ty, cho tới tham vọng mở rộng ra toàn cầu.

Việc kinh doanh trên nền tảng đám mây mang lại 3% trong tổng doanh thu của Tencent năm 2018, tương đương 9,1 tỷ nhân dân tệ (1,32 tỷ USD), gấp đôi so với năm trước.  Và dường như việc chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản là một nước cờ đúng đắn của ông trùm Pony Ma.

Có thể bạn quan tâm

  • Tencent, Alibaba và trận chiến

    Tencent, Alibaba và trận chiến "Điện toán đám mây"

    06:00, 15/07/2019

  • Cuộc

    Cuộc "so găng" giữa Alibaba và Tencent

    04:30, 14/09/2018

  • Tencent tham vọng phổ biến WeChat Pay tại Mỹ

    Tencent tham vọng phổ biến WeChat Pay tại Mỹ

    00:55, 20/07/2018

Theo IDC Nhật Bản, thị trường dịch vụ "đám mây" của đất nước mặt trời mọc dự kiến sẽ tăng từ 668,8 tỷ yên vào năm 2018 lên tới 1,69 nghìn tỷ Yên (tương đương 15,64 tỷ USD) vào năm 2023. Để cạnh tranh với Amazon và Microsoft, Tencent sẽ tập trung cung cấp dịch vụ điện toán "đám mây" của mình vào lưu trữ dữ liệu từ các nhà cung cấp trò chơi và ứng dụng chia sẻ video tại Nhật Bản. 

Ông Jiannan Zhao, tổng giám đốc khu vực Đông Bắc Á của Tencent Cloud International nhận định, ở phía bên kia, các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng rất cần dịch vụ điện toán "đám mây" ổn định với giá thành hợp lý để lưu trữ dữ liệu từ các nhà cung cấp truyền thông xã hội.

Tencent hy vọng với việc cung cấp dịch vụ của mình, họ có thể kiếm được 100 khách hàng là các công ty chỉ trong vòng một năm kể từ khi công ty đi vào hoạt động, và quy mô của Tencent Cloud International sẽ tăng gấp từ bốn đến năm lần trong năm nay.

Hiện tại, Tencent Cloud International đã bắt đầu cung cấp dịch vụ "đám mây" cho một số công ty cung cấp trò chơi điện tử lớn tại Nhật Bản. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác với một nhà phát triển hệ thống địa phương do một người quốc tịch Trung Quốc đứng đầu, cũng như bắt đầu đàm phán hợp tác với một công ty công nghệ lớn khác của Nhật Bản.

Do các dịch vụ trò chơi và video xử lý thông tin cá nhân của người dùng, Tencent đã liên kết với Dịch vụ Trung tâm Dữ liệu Colt có trụ sở tại Mỹ để thiết lập một trung tâm tại Nhật Bản nhằm đảm bảo các yếu tố bảo mật cho người dùng. Thông báo từ Tencent cho biết công ty sẽ tôn trọng luật pháp và quy định của từng quốc gia và không bao giờ can thiệp vào dữ liệu cá nhân của khách hàng mà không được phép.

Tecent được đánh giá là một trong hai công ty cung cấp dịch vụ "đám mây" lớn nhất tại Trung Quốc, chỉ sau Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Tencent lần đầu tiên ra mắt dịch vụ này ở nước ngoài vào năm 2016 và kể từ đó đã nhanh chóng mở rộng thị trường.

Hiện tại, công ty đã cung cấp dịch vụ tại Mỹ, Canada, Đức, Nga, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc. Tecent khẳng định, họ có thị phần lớn thứ tư trên thị trường châu Á-Thái Bình Dương và thị phần lớn thứ sáu trên toàn cầu.

Lê Trang