Cuộc đối đầu không khoan nhượng
Sau thế chiến thứ hai, hình thành một khối nước có cùng chung một hệ tư tưởng Mác - Lê Nin thiết lập nên một khối cộng sản chủ yếu ở châu Âu.
TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, cuộc đối đầu chiến lược Mỹ- Trung sẽ còn kéo dài và gia tăng căng thẳng trong thời gian tới. Vậy đối sách của chúng ta là gì?
- Thưa ông, Mỹ và Trung Quốc đã và đang cạnh tranh nhau rất gay gắt về địa chiến lược. Điều này tác động như thế nào đến cục diện thế giới?
Theo tôi, thế giới khó có khả năng bị chia cắt thành 2 cực như thời chiến tranh lạnh trước đây. Bởi tình thế thời chiến tranh lạnh trước đây khác hẳn hiện nay, sau thế chiến thứ hai, hình thành một khối nước có cùng chung một hệ tư tưởng chính trị Mác - Lê Nin thiết lập nên một khối cộng sản chủ yếu ở Châu Âu.
Sau này, Trung Quốc cũng đi theo châu Á. Hai khối này hình thành nên có một hệ tư tưởng khá khác biệt nhau, sau đó họ xây dựng lên một khối kinh tế gần như độc lập với nhau và cạnh tranh với nhau. Gần như các quan hệ về chính trị rất yếu ớt, chỉ đủ mức để có kênh đối thoại, còn các giao dịch gần như tách rời, các quan hệ chính trị đối lập nhau trong các vấn đề giải quyết trên toàn cầu.
Tình trạng đó khó xảy ra ở thời điểm này. Bởi, Trung Quốc bây giờ mới đưa ra ý tưởng xây dựng một vùng ảnh hưởng cho mình. Vùng ảnh hưởng đó nếu tách vấn đề chính trị thì khó có thể dựng lên được một hệ thống gồm những nước có cùng chung một mô hình quan điểm về chính trị và tư tưởng.
Chiến tranh thương chiến Mỹ- Trung sẽ chững lại trong năm 2020, vì Tổng thống Trump muốn có thêm thành tích về kinh tế để có thêm phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Đặc biệt, về mặt kinh tế thì lại khó có khả năng tạo ra được một vùng kinh tế hoàn toàn độc lập, tách rời khỏi thế giới như trước đây. Bởi, toàn bộ hệ thống điều hành kinh tế toàn cầu cho đến bây giờ, ngay cả Trung Quốc cũng đang phải dựa vào, đấy là hệ thống do Mỹ và phương Tây lập lên sau thế chiến thứ hai.
Có thể bạn quan tâm
Phố Wall - mặt trận mới trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
07:00, 29/07/2019
Siêu máy tính - "mặt trận" nóng giữa Mỹ và Trung Quốc
06:30, 04/07/2019
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị G20?
07:54, 02/12/2018
Mỹ và Trung Quốc chạy đua với nhau trong lĩnh vực AI
05:00, 30/09/2018
Thỏa thuận thương mại: "Endgame" của Mỹ và Trung Quốc?
12:15, 02/05/2019
Hệ thống này dựa trên nền tảng, ví dụ như kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu và Nhật Bản; hệ thống IMF quản trị cân bằng vĩ mô của các quốc gia cũng như toàn cầu; Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách về các chương trình hỗ trợ cho các quốc gia về cấu trúc lại nền kinh tế và tái thiết cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế…
Tất cả những hệ thống này được Mỹ và phương Tây thiết lập, còn hệ thống CNXH trước đây đã sụp đổ. Hiện nay, tất cả các nước gần như phải quay trở lại “nương nhờ” vào hệ thống Mỹ và phương Tây lập ra đó.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang muốn phát triển ra một hệ thống của riêng mình, nhưng để làm được điều đó cũng phải mất một vài chục năm nữa. Do đó, để hình thành hai thái cực mà nếu chọn bên này đối đầu với bên kia là khó, người ta sẽ tận dụng cái nào có lợi cho quốc gia của mình thì thực hiện.
Nhưng theo tôi, các nước vẫn muốn hướng về hệ thống của phương Tây đang tồn tại. Bởi vì chính Trung Quốc đang phải dựa vào đó.
- Vậy việc đối đầu theo hình thức chiến tranh lạnh sẽ kéo dài bao lâu, tình hình có trở nên căng thẳng hơn trong năm 2020, thưa ông?
Điều này tùy thuộc vào cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc, bởi cuộc chiến này về mặt bản chất là cuộc đối đầu mang tính chất địa chính trị nhiều hơn về kinh tế.
Trên thực tế, Mỹ và phương Tây tìm cách đối đầu với Trung Quốc không phải vì Trung Quốc, mà là vì cách thức Trung Quốc gia nhập cộng đồng thế giới không đúng như cam kết, thậm chí dùng tiểu xảo mà không đúng với các đạo luật.
Khi Trung Quốc tham gia vào sân chơi, đã dùng các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cùng với hỗ trợ tài chính, đất đai, thậm chí dùng cả cơ quan tình báo Nhà nước để ăn cắp bí mật để cạnh tranh. Ví dụ như Huawei, Chính phủ thông qua các ngân hàng thuộc sở hữu của Nhà nước cho các nước nghèo vay tiền một cách dễ dãi để các quốc gia này nhập các thiết bị Huawei, đây là một lối chơi mà phương Tây không chấp nhận được.
Câu hỏi đặt ra, liệu Trung Quốc có xuống thang thay đổi lối chơi ấy không? ở thời điểm hiện tại câu trả lời là không. Bởi đó là vấn đề cốt lõi của Trung Quốc, mô hình của Trung Quốc đang muốn theo đuổi là phải có DNNN, nếu bỏ ưu đãi mô hình này sẽ trở nên vô nghĩa.
Còn đối với Mỹ thì lại thêm một vấn đề bản quyền, vấn đề đặt ra thế nào là ăn cắp bản quyền? khi ăn cắp bản quyền rồi thì xác định nó thế nào? sửa đâu xử theo luật nào? chứ không thể thảo luận trong cuộc chiến này. Do đó, cuộc đối đầu Mỹ- Trung sẽ còn kéo dài, trước hết là kinh tế và sau đó là giành giật địa chính trị.
Điều này sẽ gây khó khăn cho các nước khi phải lựa chọn cách thức nào thích hợp với quốc gia của mình, để có thể né tránh những tổn hại.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, cuộc chiến Mỹ- Trung có dấu hiệu chững lại trong năm 2020, vì dù sao cũng phải chờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Đương kim Tổng thống Donald Trump cũng muốn có thêm ít thành tích về kinh tế để có thể thêm phiếu bầu.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, hiện chỉ còn khoảng 6%, thậm chí năm 2020 chỉ ở mức 5,8%. Quốc gia này đang đối mặt với tình trạng nợ trái phiếu hoặc nợ công ty trong nền kinh tế rất cao. Điều này đòi hỏi phải tăng trưởng GDP trên 7% mới đảm bảo đủ để trả nợ, còn tăng trưởng GDP dưới 6% thì có nguy cơ vỡ nợ.
- Theo ông, trong cuộc đối đầu Mỹ- Trung nói trên, Việt Nam phải ứng phó như thế nào?
Rõ ràng, Việt Nam đang mắc kẹt trong cuộc đối đầu địa chiến lược Mỹ- Trung. Để ứng phó với cuộc đối đầu này, về mặt chính trị, tốt nhất là nên quốc tế hóa các vấn đề chính trị, ví dụ đưa các vấn đề quan hệ chính trị với các nước ra các diễn đàn quốc tế, và tham vấn quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam nên tránh đứng về bên này, đối đầu với bên kia, phải làm sao giữ được quan hệ thương mại, quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Về mặt kinh tế, chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác với gian lận xuất xứ, tránh bị lợi dụng; đảm bảo tuân theo các hiệp định thương mại đã ký kết.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải xem xét lựa chọn dòng vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng giám sát các cơ sở sản xuất chỉ “tráng men” những nguyên liệu nhập khẩu và có sản lượng xuất khẩu tăng đột biến, đặc biệt vào thị trường Mỹ.
Hay những mặt hàng chúng ta chưa có công nghệ sản xuất nhưng xuất khẩu lại gia tăng vào thị trường Mỹ, như pin mặt trời, xe máy điện,…Đồng thời, cần phối hợp với phía Mỹ thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động thương mại.
- Xin cảm ơn ông!