“Rộng cửa” hợp tác với Anh

Đại sứ trần Đức Mậu, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại- Bộ Ngoại giao 11/02/2020 11:39

Cuối cùng, nước Anh cũng đã chính thức chấm dứt 47 năm là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Sau thời kỳ quá độ, những quốc gia có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nước Anh sẽ có nhiều cơ hội đối tác với nước này, thậm chí là ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Anh.

p/Cờ của Anh đã được gỡ khỏi dãy cờ thành viên trong tòa nhà Hội đồng châu Âu tại Brussels vào ngày Brexit 31/1/2020. Ảnh: AFP

Cờ của Anh đã được gỡ khỏi dãy cờ thành viên trong tòa nhà Hội đồng châu Âu tại Brussels vào ngày Brexit 31/1/2020. Ảnh: AFP

Thời kỳ quá độ đầy bất định
Sau khi đạt thỏa thuận Brexit, cả EU và Anh đều ở trong tâm trạng pha trộn vui buồn như nhau. Nhẹ nhõm vì câu chuyện Brexit cuối cùng cũng đi đến hồi kết, chứ không tiếp tục tồn tại dai dẳng. Phe ủng hộ Brexit ở Anh phấn khích, trong khi phe không muốn Brexit và EU lại buồn và tiếc nuối. EU thật lòng không muốn nước Anh chia tay với mình, nhưng buộc phải chấp nhận sự lựa chọn của nước này.

Có thể bạn quan tâm

  • "Tương lai" nước Anh tiếp tục bị trì hoãn

    07:00, 20/10/2019

  • Tiếp tục lùi Brexit: Mớ bòng bong bao trùm nước Anh!

    Tiếp tục lùi Brexit: Mớ bòng bong bao trùm nước Anh!

    07:00, 29/10/2019

  • Ba

    Ba "điểm thắt" trong chuyến công du nước Anh của Tổng thống Mỹ

    06:50, 04/06/2019

  • Câu chuyện Brexit: Khi

    Câu chuyện Brexit: Khi "đoàn tàu" nước Anh trượt bánh

    11:18, 24/03/2019

Như vậy, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thực hiện được cam kết đưa nước Anh ra khỏi EU chậm nhất vào ngày 31/1/2020 bằng mọi giá. Từ ngày 1/2 vừa qua, cả EU lẫn nước Anh đều bước vào thời kỳ mới, thời kỳ nước Anh tách biệt khỏi tiến trình nhất thể hoá châu lục mà EU là đầu tàu.

Trong thời kỳ quá độ, nước Anh không được ký kết thoả thuận thương mại với bất kỳ đối tác thứ ba nào. Sau thời kỳ quá độ đó, nếu EU và Anh không đạt được thoả thuận thương mại thì mối quan hệ giữa 2 bên sẽ tương tự như giữa các thành viên của WTO với nhau.

Theo thoả thuận giữa EU và Anh, hai bên có thời gian đến cuối năm nay, tức là 11 tháng nữa, để tiến hành đàm phán về nền tảng và khuôn khổ cho mối quan hệ giữa hai bên.

Đó là thời kỳ quá độ mà nước Anh vẫn hoàn toàn như trước, trừ khi không còn có quyền tham gia biểu quyết trong EU. Thời kỳ quá độ này có thể được gia hạn thêm một năm, nhưng ông Johnson đã kiên quyết bác bỏ khả năng gia hạn để tăng thế cho phía Anh trong đàm phán sắp tới với EU và để nhanh chóng có được sự tự do tiến hành đàm phán về thoả thuận thương mại với các đối tác khác trên thế giới. Do đó, thời kỳ quá độ là thời kỳ đầy bất định đối với cả hai bên.

EU và Anh đã trao cho nhau đề nghị nội dung đàm phán, tức là bên này đã cho bên kia biết về quan điểm của mình. Cứ theo đó, thì sự bất đồng quan điểm không chỉ rất lớn mà còn mang tính nguyên tắc. Ông Johnson tuyên bố phía Anh sẽ không chấp nhận những nguyên tắc được EU đưa ra trong các nội dung đàm phán mà muốn có thoả thuận thương mại với EU như thoả thuận mà EU đã ký kết với Canada. Trên thực tế, EU khó có thể bác bỏ yêu cầu này của ông Johnson. Chỉ có điều EU và Canada phải sau 7 năm đàm phán mới đạt được thoả thuận thương mại này.
Cơ hội cho các đối tác
Không còn nước Anh trong đội ngũ thành viên, EU sẽ bị ảnh hưởng về chính trị, bị tổn hại về thể diện và uy danh, nhưng vẫn hoạt động bình thường trên mọi phương diện. Trong khi đó, nước Anh ra khỏi EU hoàn toàn sẽ phải tìm kiếm thêm đối tác để bù đắp cho những lợi ích bị mất từ EU.

Tuy nhiên, nước Anh sẽ khó có được một đối tác thương mại nào, kể cả với tầm vóc lớn như Mỹ hay Trung Quốc và Nhật Bản vốn là 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại, có thể thay thế được EU. Vì thế, nước Anh không thể không làm, mà còn phải làm càng sớm càng tốt, đồng thời việc có được thoả thuận thương mại, đầu tư, tài chính… với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trước mắt thì chưa, nhưng về lâu dài, chắc chắn nước Anh cũng không thể không tính đến khả năng tham gia vào các khu vực mậu dịch tự do với nhiều đối tác trên thế giới. Nhưng thoả thuận mậu dịch tự do song phương hay đa phương sẽ không buộc nước này phải chấp nhận chuyển giao một phần chủ quyền quốc gia và cũng không bị áp đặt tiêu chí, tiêu chuẩn hay nguyên tắc như khi nước Anh là thành viên EU.

Trong thời kỳ quá độ tới đây giữa Anh và EU, việc đàm phán và ký kết những thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại giữa Anh và các đối tác này chưa thể được tiến hành. Nhưng sau thời kỳ này, nước Anh sẽ phải linh hoạt hơn trong việc chọn lựa và thoả hiệp với các đối tác mới để có được thoả thuận mới về hợp tác kinh tế và thương mại.

Đối với các nước trên thế giới, nhất là những nước có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Anh, sẽ có cơ hội thuận lợi mới để thúc đẩy hơn nữa và thể chế hoá hơn nữa các mối quan hệ hợp tác với nước Anh. n

Đại sứ trần Đức Mậu, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại- Bộ Ngoại giao