“Bế tắc” thương mại Mỹ- Ấn Độ
Dù đã có nhiều nỗ lực trong nhiều năm qua, nhưng đến nay Mỹ và Ấn Độ chưa đạt được thỏa thuận thương mại song phương.
Nhìn từ giác độ chính trị và truyền thông thì chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất thành công. Nhưng nếu nhìn vào phương diện hợp tác kinh tế, thì kết quả chuyến đi này của ông Trump gây thất vọng lớn.
Xung đột kéo dài
Trong chuyến thăm nói trên của ông Trump, Mỹ và Ấn Độ chỉ đạt được mỗi thoả thuận về việc Ấn Độ mua vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ trị giá 3 tỷ USD. Hai bên không những không thống nhất được thoả thuận thương mại, mà ông Trump còn tỏ ra không thực sự lạc quan về triển vọng thoả thuận này sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Do đó, bất đồng thương mại giữa hai bên vẫn bế tắc giải pháp và sẽ còn kéo dài.
Giống như Trung Quốc, EU hay một số đối tác khác, Ấn Độ bị ông Trump gây xung đột thương mại do Ấn Độ đang thặng dư thương mại với Mỹ. Ông Trump còn cho rằng mức thuế quan của Ấn Độ áp dụng cho hàng hoá của Mỹ khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ thuộc diện "cao nhất". Ngoài ra, ông Trump phàn nàn phía Ấn Độ phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ.
Số liệu thống kê đã được công bố chính thức ở Mỹ và Ấn Độ cho thấy năm 2019, Ấn Độ xuất siêu sang Mỹ 23 tỷ USD. Con số này về bản chất là xuất siêu, nhưng về con số tuyệt đối không phải là lớn và còn kém xa mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ với nhiều đối tác khác. Vì thế, thâm hụt trong cán cân thương mại chỉ là một trong những nguyên nhân khiến ông Trump phát động cuộc xung đột thương mại với Ấn Độ. Nguyên nhân chính dẫn đến xung đột thương mại với Ấn Độ chỉ có thể là vấn đề chính trị đối nội và đối ngoại.
Tác động đến các đối tác
Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ tiến triển rất chậm chạp và khó khăn bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, cả Mỹ và Ấn Độ đều trong tình trạng xử lý được xung đột thương mại thì tốt, nhưng nếu chưa xử lý được thì cũng không quá tệ hại đối với cả hai bên. Việc đạt được hay không đạt được thoả thuận thương mại với Ấn Độ không đóng vai trò quan trọng đối với cuộc vận động tranh cử Tổng thống của ông Trump. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang cần được phía Mỹ coi trọng để tạo thế và uy cho việc ứng phó với những thách thức nội bộ và xử lý quan hệ với Pakistan.
Có thể bạn quan tâm
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung và bước ngoặt tại Chile
06:10, 16/10/2019
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Lại tay không trở về?
06:00, 08/10/2019
Giá vàng tuần từ 7- 11/10: Rủi ro từ đàm phán thương mại Mỹ- Trung
07:00, 06/10/2019
Mỹ - Trung đàm phán thương mại lần thứ 13: Rồi tất cả ngã về không?
06:00, 06/09/2019
Thứ hai, ông Trump đang nhằm tới khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương với 4 trụ cột là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Mọi thoả thuận thương mại với 3 đối tác này đều được Mỹ đặt vào cấu trúc liên kết rộng lớn.
Chừng nào cái gọi là Bộ tứ kim cương này chưa định hình ra cụ thể cấu trúc liên đại dương và châu lục này thì chừng đó rất ít khả năng các nước này đạt được thoả thuận thương mại song phương với nhau. Đó là còn chưa kể đến việc Mỹ đang muốn chia rẽ Ấn Độ với Nga, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, trong khi Ấn Độ không thể bỏ qua những cái lợi từ việc sử dụng Mỹ làm đối trọng trong quan hệ của mình với Trung Quốc, Nga, EU và Nhật Bản.
Đối với các đối tác khác, thoả thuận thương mại Mỹ-Ấn Độ chưa đi đến hồi kết, mà được hình thành trong cả một quá trình dài, lại vừa liên quan đến thoả thuận thương mại của cả hai đối tác này với các đối tác khác, khiến việc đàm phán thương mại giữa họ với Mỹ và Ấn Độ cũng không thể dễ dàng thành công.