Nợ công tăng kinh hoàng biến Mỹ thành "chúa Chổm" thế giới
Vượt xa mọi dự báo ảm đạm nhất, nợ quốc gia của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục, lên tới 26 nghìn tỷ USD.
Nợ công Mỹ đạt mức kỷ lục
Hôm 11/6, Kênh truyền hình CBS News đưa tin, dẫn nguồn Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nợ quốc gia của Mỹ đã lập kỷ lục mới, vượt xa mọi dự báo u ám nhất, đạt tới con số kinh hoàng là 26 nghìn tỷ USD, đẩy kinh tế Mỹ tới tình trạng tồi tệ nhất kể từ năm 1945.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, nợ công đã tăng thêm 6000 tỷ dollars, tức là bình quân một năm dưới sự lãnh đạo của ông, nợ công của Mỹ lại tăng hơn 1,5 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ liên kết sự tăng trưởng của chỉ số này với hành động của chính quyền nhằm chống lại sự lây lan của coronavirus (COVID-19), chứ không hẳn là do khả năng lãnh đạo yếu kém của chính quyền Donald Trump đối với nền kinh tế.
Trước đó, cựu giám đốc Bộ Tài chính, ông Henry Paulson cảnh báo rằng, sự tăng trưởng không kiểm soát được của nợ công và thâm hụt ngân sách có thể tước đi vị trí đặc quyền của đồng dollars Mỹ với tư cách là tiền tệ dự trữ chính và công cụ thanh toán chủ yếu của thế giới.
Gới phân tích cho rằng, nợ công của Mỹ đang tăng tới mức không thể kiểm soát được. Mới chỉ chưa đầy 2 tháng trước đây, các chuyên gia còn dự báo rằng, hết năm nay, nợ công của Mỹ mới đạt mức 25 nghìn tỷ USD.
Theo đó, tờ Washington Post hồi tháng 4 dẫn dự báo của các chuyên gia rằng, nợ công của Hoa Kỳ và các khoản nợ của các tập đoàn Mỹ vào năm 2020 sẽ tiếp tục đạt mức kỷ lục do đại dịch Coronavirus (COVID-19), hết năm nay, nợ công của Mỹ có thể lên tới con số 25 nghìn tỷ USD, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng lên bốn nghìn tỷ dollars.
"Chúng ta nên bắt đầu lo lắng. Chúng ta đang nói về một mức nợ chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Chúng ta chắc chắn đang tiến đến điểm không thể quay lại" - ông Atif Mian, giáo sư kinh tế tại Đại học Prison nhận xét đầy bi quan về tình trạng nợ công của Mỹ.
Theo ông, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã thực thi các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như hạ lãi suất cơ bản xuống 0 và thêm hai nghìn tỷ dollars vào danh mục đầu tư của mình. Khoản tiền này tương đương ngân sách đã được bỏ thêm vào trong vòng bốn năm sau cuộc Đại khủng hoảng (1929-1933).
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tới cuối năm nay, GDP của Mỹ sẽ giảm 5,9%, sắp tới sẽ là sự sụt giảm mạnh ở mức quý (theo ước tính của JP Morgan lên tới 40%).
Nợ công của Mỹ liên tục gia tăng
Được biết, nợ công của Mỹ đã gia tăng phi mã trong những năm qua và liên tục tự phá kỷ lục của chính mình, khiến quốc hội Mỹ phải cắn răng nâng trần nợ công để chính phủ tiếp tục hoạt động.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, tính đến tháng 10 năm ngoái, nợ chính phủ Hoa Kỳ đã phá vỡ kỷ lục các năm trước, vượt quá mức 23 nghìn tỷ dollars; nhưng đến tháng 3 năm nay, tức là chỉ chưa đầy 6 tháng sau, con số này đã lên tới gần 24 nghìn tỷ USD.
Khoản nợ vay của chính phủ đã khiến tổng nợ của Mỹ gia tăng đến mức vô cùng nguy hiểm là 77 nghìn tỷ dollars, tương đương với 327% GDP của Mỹ và 30% tổng nợ toàn cầu. Giới chuyên gia nhận định rằng, đến năm 2028, người Mỹ sẽ phải dành 1/5 ngân sách nhà nước chỉ để trả lãi.
Theo dự báo của Bloomberg, cơn khó ở của nền kinh tế Mỹ sẽ còn tiếp diễn khi các biện pháp chống lại coronavirus sẽ tiếp tục làm thâm hụt thêm 3,5 nghìn tỷ USD, tương đương với 16% GDP. Một dự báo tương tự cũng được cơ quan xếp hạng quốc tế Moody’s đưa ra là 15% GDP.
Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã hai năm tăng liên tiếp đạt tới con số hơn 1000 nghìn tỷ dollars (chiếm 4,6% GDP), nhưng tốc độ vay nợ vẫn không giảm và đã tiến gần đến mức trong thời kỳ chiến tranh thế giới và đại suy thoái.
Có thể bạn quan tâm