Việt - Pháp ký kết nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng

CẨM ANH 07/11/2021 16:33

Một trong những kết quả ấn tượng trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp là các thỏa thuận về xúc tiến thương mại, đầu tư có giá trị cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Emmanuelle Macron

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Emmanuelle Macron

Cụ thể, nhiều thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên nhằm tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là trong những lĩnh vực có giá trị cao như năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch bệnh. 

Các thỏa thuận về tài trợ giữa AFD và Bộ Tài chính Việt Nam cho một khoản vay có bảo lãnh chính phủ và một khoản trợ giúp do Liên minh Châu Âu ủy quyền dành cho tỉnh Điện Biên nhằm tăng cường khả năng chống chịu đô thị và phòng chống thiên tai trị giá 26,15 triệu Euro.

Theo đó, ông Bertrand WALCKENAER, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đã ký kết các thỏa thuận tài trợ cho dự án tăng cường quản lý rủi ro ngập lụt tại thành phố Điện Biên Phủ để giúp thành phố đối phó với tình trạng lũ lụt từ sông Nậm Rốm.

Pháp, thông qua AFD và Liên minh Châu Âu, tài trợ cho một dự án mới: một khoản vay 24,65 triệu euro từ AFD sẽ giúp phát triển các công trình thủy lợi trên sông Nậm Rốm, và một khoản trợ giúp 1,5 triệu euro sẽ tài trợ cho hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt dựa trên kỹ thuật thiết kế sinh thái tôn trọng môi trường.

Dự án này sẽ được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026, không những sẽ cho phép giảm thiểu xói mòn bờ sông và nguy cơ ngập lụt đô thị có thể ảnh hưởng đến các khu tưởng niệm trận Điện Biên Phủ, mà còn giúp cải thiện điều kiện sống của cư dân ven bờ sông Nậm Rốm.

Về lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways và Safran đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng giá trị 2 tỷ Euro về việc lựa chọn động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321NEO và 30 máy bay Boeing 787-9 của hãng.

Hiện công ty Việt Nam đang vận hành 7 chiếc Airbus A320neo và 5 chiếc Airbus A321 trang bị động cơ của CFM International LEAP-1A, đánh dấu những hoạt động đầu tiên của loại động cơ này tại thị trường Việt Nam. Bamboo cũng quan tâm đến ghế ngồi thế hệ mới của Safran, có thể được lắp đặt trên các máy bay trong đội bay và các thiết bị cabin khác nhau.

Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết ký kết với đối tác Safran dưới sự chứng kiến của lãnh đạo chính phủ Việt Nam, Pháp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết ký kết với đối tác Safran dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo chính phủ Việt Nam và Pháp. Ảnh: TTXVN

Một trong những biên bản đáng chú ý trong chuyến công du lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp là ý định thư giữa Airbus, Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (CNES) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), về chương trình hợp tác Pháp-Việt trong lĩnh vực vũ trụ bao gồm vệ tinh quan sát trái đất.

Ông Jean-Marc NASR, Chủ tịch Airbus Defense and Space, ông Philippe BAPTISTE, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (CNES) và Giáo sư Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã ký một ý định thư nhằm tăng cường hợp tác Pháp-Việt trong lĩnh vực vũ trụ và hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp vệ tinh trong nước. Chương trình này, nằm trong khuôn khổ tiếp nối chương trình VNREDSat-1 do Airbus phát triển và được triển khai vào năm 2013, sẽ giúp Việt Nam có thể ứng phó với những thách thức về quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát tác động của biến đổi khí hậu.

Chương trình này đi kèm với các hoạt động nâng cao năng lực về học thuật với các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), một dự án tiêu biểu của hợp tác đại học và khoa học Pháp-Việt.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, biên bản ghi nhớ giữa tập đoàn THALES và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT sẽ phát triển hợp tác trong các lĩnh vực vệ tinh truyền thông, thành phố thông minh, sinh trắc học và nhận dạng kỹ thuật số, 5G, Internet vạn vật (IoT) và an ninh mạng. Hợp tác này nằm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.

Được biết, 2023 sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Thủ tướng hai nước đã nhất trí cùng xây dựng kế hoạch tổng thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ để làm cơ sở đưa quan hệ Việt - Pháp phát triển lên tầm cao mới, theo đó tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại; mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương; tăng tần suất các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp nhằm tạo cơ hội mở rộng giao lưu nhân dân hai nước cũng như tăng cường hợp tác giữa các địa phương. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tuyên bố chung Việt Nam và Pháp nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp

    Tuyên bố chung Việt Nam và Pháp nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp

    20:09, 05/11/2021

  • Dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác Việt - Pháp

    Dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác Việt - Pháp

    15:34, 04/11/2021

  • Nước Pháp và sứ mệnh quốc gia khởi nghiệp

    Nước Pháp và sứ mệnh quốc gia khởi nghiệp

    04:23, 05/10/2020

  • Chiến dịch “Health Pass” của nước Pháp!

    Chiến dịch “Health Pass” của nước Pháp!

    07:00, 27/07/2021

CẨM ANH