Kỳ vọng mới trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Thụy Sĩ
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dư địa để hai nước thúc đẩy hợp tác song phương vẫn còn rất lớn.
>> Thụy Sỹ hỗ trợ đào tạo quản lý khách sạn cho Việt Nam
Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Geneva, thành phố Geneva, bắt đầu thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ theo lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin. Chuyến đi được diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (10/1971 - 10/2021).
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận sâu rộng, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác và đạt được sự nhất trí chung về nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Chương trình Hợp tác phát triển (ODA) của Thụy Sĩ ở Việt Nam. Thay mặt Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp nguồn ODA quý báu cho Việt Nam, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm… Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ.
Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là một đối tác sử dụng ODA hiệu quả và chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu franc Thụy Sĩ (hơn 75,6 triệu USD) vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.
Mặt khác, Tổng thống Guy Pamerlin nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế ưu tiên quan trọng của Thụy Sĩ ở Đông Nam Á với hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỉ USD. Hiện Thụy Sĩ xếp thứ 20 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và dư địa hợp tác còn rất lớn.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như LHQ, cơ chế hợp tác Á - Âu... Việt Nam nhất trí ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Thụy Sĩ tăng cường quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Về vấn đề Biển Đông, Thụy Sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên đối thoại minh bạch và xây dựng lòng tin.
>> Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư APEC và quốc tế
Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu châu Âu đối với Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong giai đoạn 2016-2020 duy trì ở mức gần 1 tỷ USD. Đáng lưu ý, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các nước ASEAN.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Thụy Sĩ gồm hàng thuỷ sản, giày dép các loại, máy vi tính – sản phẩm điện tử, linh kiện và hàng dệt may. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Thuỵ Sĩ gồm sữa, sản phẩm từ sữa, chế phẩm thực phẩm, hóa chất và sản phẩm hóa chất, thuốc trừ sâu nguyên liệu, vải các loại, đá quý và kim loại quý, máy vi tính, linh kiện...
Hiện nay, doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm đến Việt Nam và đánh giá cao chính sách cởi mở, hội nhập quốc tế, vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đang mong sớm được đến thăm, khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Đây là cơ hội hết sức đặc biệt để hai nước cùng nỗ lực tìm giải pháp thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EFTA (Khối thương mại tự do châu Âu bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein), mở ra những cơ hội hợp tác mới, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ giữa hai nước đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber cho biết Thuỵ Sĩ đã ban hành chiến lược hỗ trợ Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt và đưa vào thực hiện trong năm 2021. Chiến lược nhằm 2 mục tiêu chính: hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường với các khung kinh tế hiệu quả; khu vực tư nhân có thể tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Dự kiến, trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế, Thuỵ Sĩ sẽ dành cho Việt Nam 75 triệu USD theo diện viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong vòng 4 năm tới. Khoản hỗ trợ này chủ yếu liên quan đến thương mại, khả năng đàm phán tham gia các hiệp định thương mại, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào xuất khẩu", Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Thụy Sĩ cũng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác hai nước nói chung, doanh nghiệp hai nước nói riêng về vaccine, thuốc điều trị COVID-19; các biện pháp thúc đẩy hợp tác hai nước để nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Có thể bạn quan tâm
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam cải thiện chính sách thương mại và nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu
10:00, 22/10/2021
Thụy Sĩ đã làm gì để vượt Mỹ thành 'bá chủ' thế giới đồng hồ xa xỉ?
11:00, 07/09/2021
Úc, Nhật, New Zealand và Thụy Sĩ “đáng sống nhất” năm 2021
04:28, 10/06/2021
Tham gia Bảo hiểm nhân thọ, con em khách hàng được ưu tiên du học tại Thụy Sĩ
09:26, 07/11/2020
Tỷ phú Thuỵ Sĩ: Startup Việt phải làm được thứ khiến thế giới ồ lên
05:23, 08/03/2019