Thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ trồng mắc ca

Theo thanhnien 14/03/2018 07:18

Ở xã vùng sâu Đliê Ya (H.Krông Năng, Đắk Lắk), một nông dân trồng mắc ca theo hướng bền vững đã đem lại thu nhập nhiều tỉ đồng mỗi năm.

Ông Định với vườn mắc ca cho thu nhập tiền tỉ; Ảnh Trung Chuyên

Ông Định với vườn mắc ca cho thu nhập tiền tỉ; Ảnh Trung Chuyên

Cách nay 30 năm, ông Đinh Công Định (năm nay 47 tuổi) rời quê hương Ninh Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Thời gian đầu, ông làm thuê đủ việc, sau đó làm công nhân ở một nông trường cà phê. Đầu những năm 1990, dành dụm được ít tiền, ông Định mua vài héc ta đất ở xã Đliê Ya để trồng mì, bắp, đậu… Lợi nhuận thu từ hoa màu được ông sử dụng tậu thêm đất, đầu tư làm cà phê, trồng xen cây lát Mexico lấy gỗ… Tuy nhiên, do mua phải giống cây trôi nổi, vườn lát của ông bị sâu bệnh, phải chặt bỏ nhiều lần. Trong khi đi tìm giống cây lát cao sản, ông được các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp giới thiệu về mắc ca, một loại cây có nguồn gốc ngoại nhập, được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”. Rút kinh nghiệm từ trồng lát, ông bỏ công lặn lội đến vùng Con Cuông (Nghệ An), nơi trồng thí điểm hàng ngàn cây mắc ca; rồi sang cả Trung Quốc, Thái Lan, đến các viện nghiên cứu nông nghiệp khảo sát các giống mắc ca cho năng suất cao. “Thế giới có đến 60 giống mắc ca nhưng tôi chỉ quan tâm đến những giống có năng suất, chất lượng cao nhất. Những nơi đến tìm hiểu tôi đều mua một ít hạt giống hoặc cành mắc ca để về ươm ghép, tạo ra giống thích hợp với thổ nhưỡng Đắk Lắk”, ông Định thổ lộ.

Từ năm 2010 - 2011, ông được Sở KH-CN Đắk Lắk và Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (Hà Nội) chuyển giao trồng khảo nghiệm hơn 400 cây mắc ca trên đất vườn nhà. Với nhiều giống mắc ca khác nhau, ông Định có thêm nhiều cơ hội theo dõi, đánh giá những cây giống vừa ý. Từ đó, ông ươm ghép, tuyển chọn 3 bộ giống tốt nhất, đặt tên là D1, D2, D3; trồng trên 20 ha. Đây cũng là diện tích mắc ca của một nông hộ trồng tập trung lớn nhất ở Đắk Lắk. Những cây mắc ca trong vườn ông Định mới 6 - 7 năm tuổi đã ra dáng cổ thụ, thân chắc khỏe, cao lớn, quả nhiều, bình quân cho thu 20 - 30 kg hạt/cây.

Sau thời gian dài đau đáu với công việc tuyển chọn, lai tạo giống, vườn mắc ca cao sản của ông Định bắt đầu cho “quả ngọt”. Hiện đã có 3 ha mắc ca kinh doanh ổn định, 10 ha bước vào thu bói, diện tích còn lại cây khoảng 2 tuổi. Năm ngoái, ông Định thu hơn 7 tấn hạt mắc ca khô, bán với giá 160.000 đồng/kg. Đặc biệt, vườn ươm giống mắc ca đem lại nguồn thu không nhỏ, cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn cây giống mỗi năm, với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/cây. Tiếng tốt đồn xa, cây giống mắc ca của ông Định được nông dân và doanh nghiệp nhiều tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Trị, Đắk Nông tìm đến mua…

Không dừng ở đó, ông Định còn tự chế biến một số sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh như hạt mắc ca rang tách nứt, rượu mắc ca, tinh dầu mắc ca… Năm ngoái, tất cả sản phẩm mắc ca đã đem lại doanh thu cho gia đình ông gần 4 tỉ đồng. Năm nay, nguồn thu dự kiến còn tăng lên nhờ sản lượng vườn mắc ca tăng cao hơn.

Từ cuối năm 2016, Hợp tác xã nông nghiệp mắc ca Tân Định được thành lập do ông Định làm chủ tịch HĐQT, đến nay thu hút gần 60 xã viên là nông dân trên địa bàn 4 xã của H.Krông Năng, tham gia trồng hơn 300 ha mắc ca. Nhiều xã viên được ông Định hỗ trợ giống, kỹ thuật để phát triển vườn mắc ca. Ông Định bộc bạch: “Điều tâm đắc nhất của tôi là chọn hướng đi bền vững, chậm mà chắc, là tự chọn được giống mắc ca cho năng suất, sản lượng cao. Từ đó giúp nhiều người khác có giống tốt, tránh tình trạng nhiều vườn mắc ca ồ ạt trồng nhưng mua phải giống trôi nổi, không có trái hoặc năng suất kém, phải chặt bỏ rất tốn kém”.

Theo thanhnien