Tại sao nhiều startup tại châu Á mở thêm mảng fintech?
Trong thời gian gần đây, nhiều startup lớn ở châu Á như Grab tuyên bố mở rộng hoạt động của mình sang dịch vụ fintech. Theo một số chuyên gia, đây sẽ là xu hướng khi thị trường thanh toán tại châu Á mở rộng.
Trước khi các startup “ông lớn” tại châu Á kinh doanh dịch vụ công nghệ tài chính (fintech), rất nhiều dịch vụ thanh toán và tài chính đã đạt được thành công tại khu vực. Trong số này có thể kể đến WeChat Pay trên nền tảng tin nhắn WeChat, hay AirPay của Sea Group, một startup được Tencent đầu tư.
Tuần trước, dịch vụ Grab đã tuyên bố mở rộng hoạt động sang mảng đầu tư tài chính. Trong khi hãng hàng không AirAsia cũng tuyên bố ra mắt nền tảng thanh toán trực tuyến BigPay.
Vậy điều gì đã tạo ra sự chuyển dịch này?
Trả lời trên Techinasia, ông Lawrence Cheok, chuyên gia phân tích tại IDC cho rằng: “Trong ngắn hạn, đây là hệ quả của quá trình thu hút khách hàng mới và thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng. Một khi sản phẩm ban đầu đã ra mắt thị trường thành công, sản phẩm phải được mở rộng ra các đối tượng khách hàng hàng, đặc biệt ở khu vực châu Á là những người dùng không sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Để làm được điều này, một cách dễ nhất để làm điều đó là giúp người dùng chuyển từ tiền mặt sang các loại công cụ thanh toán như tài khoản điện thoại trả trước, ví điện tử”.
Nhưng để cách này đạt hiệu quả cao nhất, khách hàng cần một dịch vụ thanh toán duy nhất. Điều này giúp khách hàng không cần quá nhiều tài khoản hay ứng dụng khác nhau trên điện thoại.
Với các nhà cung cấp dịch vụ, việc bán hàng chéo qua các dịch vụ cũng được thực hiện tốt hơn. Chi phí bán hàng sẽ giảm, chăm sóc khách hàng cũng đơn giản hơn. Khách hàng sẽ trung thành với dịch vụ được cung cấp hơn.
Đối với trường hợp Grab, khách hàng sử dụng dịch vụ có thể tích điểm để đổi lấy khuyến mại từ các dịch vụ khác. Tương tự với hàng không hay bất kỳ dịch vụ nào được sử dụng thường xuyên khác.
Trong trung và dài hạn, những nền tảng này có thể phát triển thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Ví dụ thành công hiện nay là Alipay và Ant Financial. Ngoài chức năng thanh toán, những dịch vụ trên còn cung cấp cho người dùng các dịch vụ tài chính như cho vay mà không cần đến ngân hàng.
Trung Quốc là thị trường đã phát triển trong vài năm nay còn Đông Nam Á, mọi thứ đang trong giai đoạn bắt đầu.
Theo ông Jianggan Li, người sáng lập của Momentum Works: “Nhiều công ty công nghệ đang chuyển hướng sang các sản phẩm tài chính công nghệ. Thay vì làm nền tảng thanh toán, tạo ra nền tảng cho vay sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn”.
Nếu so sánh với ngân hàng, các công ty công nghệ có nhiều lợi thế hơn như dữ liệu nhiều hơn, nhiều công cụ để tiếp cận khách hàng hơn. Họ hiểu khách hàng của minh hơn nên sản phẩm tài chính cung cấp cho khách hàng cũng phù hợp hơn.
Các ngân hàng thường mất 1 năm để triển khai hệ thống công nghệ mới còn các công ty công nghệ thì không mất thời gian lâu như vậy. Tại các quốc gia đang phát triển, đây trở thành lợi thế tuyệt đối vì tỷ lệ phổ biến ngân hàng tại các nước này không cao.
Ví dụ về Ant Finance, ban đầu họ chỉ là một nền tảng thanh toán, lúc này dịch vụ đã cung cấp cả thẻ tín dụng ảo, cho vay tín chấp ngắn hạn, gửi tiền, bảo hiểm
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giống các công ty taxi truyền thống phản ứng khi Uber, Grab có mặt trên thị trường, các ngân hàng cũng có thể có phản ứng tương tự. Có thể phản ứng này sẽ là kêu gọi cơ quan chức năng đưa ra các quy định pháp lý. Còn chính phủ phải đưa ra các quy tắc để đảm bảo kiểm soát rủi ro và lãi suất, hạn mức trần.
Điều này sẽ giới hạn năng lực của các công ty công nghệ, nhưng lợi thế của chúng so với ngân hàng vẫn còn khá nhiều.