Để doanh nghiệp khởi nghiệp "cất cánh"

Nhóm PV 24/04/2018 18:45

Để startup Việt Nam phát triển bền vững, doanh nghiệp cần nền tảng khuôn khổ pháp luật hoàn thiện, thuận lợi, đồng thời cần sự liên kết, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, Tập đoàn đi trước.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng mới chỉ có khoảng 3.000 startup đang hoạt động. Phần lớn các startup này đang ở giai đoạn khởi đầu, còn hạn chế về năng lực đội ngũ, mô hình kinh doanh và thiết kế sản phẩm.

Startup thiếu đổi mới sáng tạo

Ông Hoàng Xuân Hoà - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp- Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: “Hiện các startup chỉ tập trung ở một số ngành nghề. Đồng thời ít hướng tới các sản phẩm sáng tạo mang tính đột phát. Đây là một khó khăn để phát triển startup Việt Nam mang tính bền vững”.

Phiên thảo luận

Phiên thảo luận Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp-giải pháp từ thực tiễn.

Cụ thể, theo nhận định của các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp của Thụy Sĩ “Việt Nam hiện có ít startup đúng nghĩa. Tính công nghệ và khả năng bùng nổ đều chưa có”. Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Duy Hiếu- Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, ngay tại Hà Nội và TP HCM, có start up đã kêu gọi được vốn nước ngoài, có một số start up vẫn  mang tính sao chép nhiều hơn là mang tính sáng tạo mới.

Ông Hiếu cho biết có hiện tượng một số startup đi tìm tại các quốc gia khác các mô hình kinh doanh đã được chứng nhận là thành công và khi trở về Việt Nam thay đổi và chỉnh sửa cho phù hợp. "Mặc dù việc này có thể đem lại một số hiệu quả ban đầu, tuy nhiên, đây thật sự là hành động "copy cut" chứ không phải đổi mới sáng tạo", ông Hiếu nhận định.

Do đó, theo ông Hiếu, khởi nghiệp tại nước ta vẫn còn nằm trong giai đoạn mới bắt đầu. Do vậy, cần hiểu đúng về khởi nghiệp và có các chương trình để thúc đẩy, đổi mới trong tư duy là vô cùng cần thiết. Ông Hiếu nhấn mạnh, cần học tập mô hình của các nước khác trong cách kiến tạo môi trường để cho sự sáng tạo phát triển hơn là bắt chước mô hình khởi nghiệp.

Hoàn thiện khung pháp lý cho startup

Trong khi liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp còn khoảng trống, chất lượng của các startup cũng là một câu hỏi lớn, thì bệ đỡ cho khởi nghiệp khởi sự kinh doanh là vấn đề cốt lõi. Theo đó, doanh nghiệp khởi nghiệp cần nền tảng về tăng trưởng kinh tế và khuôn khổ pháp luật hoàn thiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nhận định về môi trường pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Luật sư Nguyễn Văn Lộc- Chủ tịch LP Group nhận định vẫn còn chưa rõ ràng và tồn tại nhiều rào cản đối với nhà đầu tư muốn đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp. 

Luật sư Nguyễn Văn Lộc- Chủ tịch LP Group

Luật sư Nguyễn Văn Lộc- Chủ tịch LP Group.

Theo đó, ông Lộc phân tích, mặc dù theo khoản 3 Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định về ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, NĐ 38/2018/NĐ/CP lại chưa có hướng dẫn cụ thể về những ưu đãi này cho nhà đầu tư sau khi đầu tư vào startup. 

Ngoài ra, tại Khoản 2 điều 5 của Nghị định 38 quy định nhà đầu tư không được dùng vốn vay để đầu tư vào startup. Ông Lộc đặt vấn đề mối quan hệ giữa nhà đầu tư và startup hay nguồn vốn từ đâu có nhất thiết phải cần Luật giới hạn và can thiệp hay không? Mối quan hệ giữa nhà đầu tư, ngân hàng hay startup như thế nào không nhất thiết phải có sự can thiệp sâu của Luật. Việc ràng buộc và can thiệp sâu vào mối quan hệ này, vô tình sẽ trở thành rào cản đối với các nhà đầu tư đầu tư vào vào startup.

Luật sư Lộc đề xuất, quy định liên quan đến mối quan hệ này và thông tư liên tịch sắp tới đây cần phải làm thế nào để khuyến khích các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư mạnh mẽ vào startup thay vì có những quy định mơ hồ như vậy.

Đồng quan điểm, ông Đàm Quang Thắng - Giám đốc Cty Agricare Việt Nam cho rằng, vấn đề đầu tư khởi nghiệp còn chập chững, mới mẻ.  "Khi đầu tư vào khởi nghiệp, các doanh nghiệp cần xác định rất nhiều yếu tố do tính rủi ro cao. Vì khi đầu tư mà bắt doanh nghiệp làm bằng được trong thời gian ngắn sẽ “giết” doanh nghiệp khởi nghiệp. Hoặc khi đầu tư mạo hiểm cần xác định sẽ cần rất nhiều vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bùng nổ về hoạt động và cần kỹ năng để phân bổ vốn hợp lý", ông Thắng nói.

ông Đàm Quang Thắng- Giám đốc Cty Agricare Việt Nam.

Ông Đàm Quang Thắng- Giám đốc Cty Agricare Việt Nam (Ngồi giữa).

Ông Thắng cho rằng, vai trò của doanh nghiệp đi trước rất lớn, cùng với đó nguồn lực trên thị trường còn rất nhiều, do đó, cần cố gắng khơi dậy những nguồn lực từ các doanh nghiệp, tập đoàn quay lại đầu tư vào khởi nghiệp.

Ngoài ra, các chuyên gia còn nhấn mạnh tính liên kết trên thị trường, theo đó, không chỉ là liên kết của doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau mà nó còn là sự liên kết từ các cơ quan Chính phủ, trường đại học, nhà đầu tư…

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Từ Minh Hiệu- Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học &Công nghệ cho biết triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) với ba nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, tăng cường đào tạo năng lực cho startup, cá nhân startup, chủ thể trong hệ sinh thái. Thứ hai, tăng cường liên kết hợp tác giữa các tổ chức cá nhân trong hệ sinh thái. Thứ ba, tạo lập hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi.

ông Từ Minh Hiệu-Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học &Công nghệ

Ông Từ Minh Hiệu-Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (Bên trái).

Ông Hiệu cho biết, năm 2018 và các năm tiếp theo giải pháp từ phía cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy ba nhóm giải pháp trên, bên cạnh đó tạo mội trường thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, tập trung phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đi vào chuyên sâu chứ không chỉ doanh nghiệp theo phong trào.

Ông Nguyễn Duy Hiếu –Tổng Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam

Có mặt tại Diễn đàn, ông Nguyễn Duy Hiếu –Tổng Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa hay startup đều có đóng góp khác nhau cho nền kinh tế. Ông chia sẻ bài học từ Thụy Sỹ, họ đánh giá một startup qua ba tiêu chí.

Thứ nhất, tiêu chí con người. Thất bại càng nhiều chấm điểm càng cao, điều này khác với Việt Nam cứ thất bại rồi người khác có thể tránh xa. Tại Thụy Sỹ, người sáng lập nào toàn tâm toàn ý, bỏ việc, bán nhà, tập trung toàn bộ để có số vốn ban đầu để khởi nghiệp đánh giá cao và được cộng điểm. Họ sẽ trừ điểm với người sáng lập nào chân trong, chân ngoài. Lập luận của họ: Đằng sau một doanh nghiệp thành công là một lãnh đạo trưởng thành.

Thứ hai, tiêu chí công nghệ. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao. Đây là tiêu chí rất cần có của startup Thụy Sỹ.

Thứ ba, mô hình kinh doanh. Người Thụy Sỹ cho rằng nếu như công nghệ là sức mạnh của một start up là sức sống của một các cây thì mô hình kinh doanh là cách trồng rừng, tạo nên nhiều cây hơn. Với họ, yếu tố mô hình kinh doanh không thể lẫn lộn với công nghệ được.

Ông Trần Trí Dũng – Cán bộ Giám sát và Đánh giá Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ 

Chia sẻ tại hội thảo ông Trần Trí Dũng – Cán bộ Giám sát và Đánh giá Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ khẳng định chất lượng các startup Việt Nam có sự cải thiện.

Theo quan điểm của ông Dũng, các doanh nghiệp startup đang có gắng tạo ra sự kiên kết. “Các doanh nghiệp đang cố gắng liên kết lại với nhau. Tuy nhiên, liên kết giữa các startup trên thị trường không chỉ là liên kết của doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau mà nó còn là sự liên kết từ các cơ quan tổ chức khác nhau từ Chính phủ, trường đại học, nhà đầu tư… đây gần như là chuỗi khép kín”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cũng chia sẻ thêm rằng sự chia sẻ chính là đặc tính nổi bật của thị trường starup.
“Thông thường đặc tính của thị trường startup là các doanh nghiệp thường cố gắng hợp tác với nhau, các ông cùng là nhà đầu tư cùng chia sẻ với nhau… Starup là thị trường đầy tiềm năng nhưng có đặc điểm là tính rủi ro quá cao, 10 doanh nghiệp khởi nghiệp may ra còn 1 doanh nghiệp. Vậy nên cần sự chia sẻ rủi ro là điều vô cùng cần thiết”, ông Dũng nói.

Nhóm PV