Thu hơn nửa tỷ/năm từ trồng nhãn ghép theo quy trình VietGAP
Trồng nhãn ghép theo quy trình VietGAP, quả to, da sáng, chất lượng tốt, mỗi năm anh Trần Như Kiên, bản Pha Cúng tỉnh Sơn La thu hơn nửa tỷ đồng từ bán quả nhãn tươi cho thương lái.
Sau 8 năm bươn chải, làm thuê, làm mướn, tích cóp, dành dụm được ít tiền, anh Kiên mua hơn 1ha vườn đồi của người dân trong bản để trồng nhãn. Đó là năm 2001, anh Kiên về quê ở Hà Nam, mua 200 cây nhãn mang lên trồng trên mảnh đồi cách nhà chừng 200m. Phần vì hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, phần vì được anh chăm bón cẩn thận, vườn nhãn sinh trưởng, phát triển tốt.
Nhận thấy giống nhãn thực sinh (nhãn cỏ ) năng suất thấp, chất lượng không cao, năm 2003, anh Kiên bắt đầu ghép mắt cải tạo vườn nhãn của mình bằng giống nhãn lồng Miền Thiết từ tỉnh Hưng Yên. Mỗi năm ghép một ít, đến năm 2005 anh Kiên ghép xong 200 cây.
“Năm 2006, tôi đã có thu nhập từ vườn nhãn ghép. Thời điểm đó, giá nhãn tuy không cao song so với nhiều loại cây trồng khác thì giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Cứ có tiền là tôi lại mua thêm đất đồi liền kề của bà con dân bản, sau đó cải tạo mở rộng diện tích trồng nhãn. Đến nay, tôi đã có cả đồi nhãn ngút tầm mắt, rộng 5ha. Đó là chưa kể 1ha nhãn trồng trên mảnh vườn cạnh nhà” – anh Kiên chia sẻ.
Trang trại trồng nhãn của anh Kiên nằm trên triền đồi, cách nhà ở chừng 200m, được bao bọc bởi những bức tường xây và lưới B40. Hơn 1.000 cây nhãn đang độ thu hoạch, cây nào, cây nấy cũng chùm nhiều hơn lá, quả sai trĩu, to đều, da sáng, nhìn phát hờn.
Chỉ vào cây nhãn, quả sai chi chít, anh Kiên cho biết: Nhãn là loại cây dễ tính nhưng cũng rất khó tính, nếu không chăm sóc tốt thì khó có cái ăn. Trồng nhãn mất mấy năm đầu “không có ăn” trong khi lại phải đầu tư cây giống, công trồng, chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Sang năm thứ 4, cây nhãn mới bắt đầu cho thu hoạch.
Để không phải chịu cảnh “Một năm ăn quả, một năm bỏ vườn” thì phải làm tốt ngay khâu chăm sóc vườn nhãn sau khi thu hoạch. Khi thu quả xong, anh Kiên thường cắt tỉa cành già, tạo tán rồi cho “ăn phân”.
“Tôi cuốc xung quanh gốc nhãn rồi bỏ phân chuồng xuống, sau đó lấp đất. Khi cây nhãn tách hoa, ra quả non, tôi lại bón tiếp một đợt phân chuồng nữa. Thường thì một năm, tôi bón 5 lần phân cho vườn nhãn, tùy theo thời kì sinh trưởng của cây mà sử dụng loại phân phù hợp. Khi cây nhãn ra quả non cần phải cắt tỉa bớt lượng quả, chứ không nên giữ toàn bộ, để cây nuôi quả đẹp hơn và có sức cho quả vào năm sau” – anh Kiên vui vẻ nói.
Để phát triển bền vững đồng thời đáp ứng nhu cầu về chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng, năm 2016, anh Kiên đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Phương Nam, chuyên về trồng trọt và chăn nuôi.
Hợp tác xã do anh làm giám đốc có 9 thành viên. Anh Kiên bắt đầu áp dụng quy trình kĩ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào chăm sóc vườn nhãn của gia đình và vận động các thành viên Hợp tác xã làm theo. Đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Phương Nam đã có hơn 30 ha nhãn được công nhận VietGAP, trong đó, anh Kiên có 6ha.
Tất cả các khâu, từ chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu đều được anh và các thành viên trong Hợp tác xã ghi chép tỉ mỉ.
Trong phòng trừ sâu bệnh, anh Kiên chỉ sử dụng thuốc trừ sâu trong danh mục cho phép và tuyệt đối không phun thuốc sâu khi chuẩn bị thu hoạch quả.
Được nhà nước hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới ẩm tự động trên diện tích 1h nhãn, thấy hiệu quả, anh Kiên mạnh dạn đầu tư lắp đặt thêm, đảm bảo tưới cho toàn bộ diện tích nhãn của mình.
Chăm sóc theo quy trình VietGAP, vườn nhãn của anh Kiên và của các thành viên trong Hợp tác xã sinh trưởng, phát triển tốt, năm nào cũng trĩu quả, da sáng, chất lượng tốt, được các thương lái săn lùng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Vì đảm bảo chất lượng nên giá bán nhãn tươi của anh Kiên luôn cao hơn nhãn trồng ở nhiều nơi khác trong tỉnh Sơn La.
Trong tổng số 6ha nhãn của anh Kiên, đã có 4ha cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, năm nào anh Kiên cũng thu trên dưới 500 triệu đồng từ bán quả nhãn tươi ra thị trường.
“Dự kiến năm nay tôi thu được khoảng 50 tấn nhãn tươi. Nếu bán với giá bình quân 13.000 đồng/kg như hiện nay, tôi cũng thu được hơn 600 triệu đồng” – anh Kiên vui vẻ nói.