Tạo hành lang pháp lý để start-up Việt trở thành kỳ lân

Theo baoautu 07/01/2019 07:35

Để phát triển và trở thành những kỳ lân, các start-up Việt cần vươn ra biển lớn. Song để làm được điều đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần được hỗ trợ bởi một hành lang pháp lý thiết thực.

“Không đóng cửa chơi một mình”

Trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á năm 2018 do Tạp chí Forbes bình chọn, Việt Nam có 5 đại diện. Đó là: Phạm Anh Đức - sáng lập và điều hành Công ty CP Vicare; Tống Nhật Dương - đồng sáng lập Homage; Lưu Thế Lợi và Trần Huy Vũ (Victor Trần) - đồng sáng lập Kyber Network; Nguyễn Văn Quang Huy - đồng sáng lập, Giám đốc kỹ thuật Holistics. Theo Forbes, những nhân vật được lựa chọn đều có tầm ảnh hưởng, tạo xu hướng và thành công ở lĩnh vực mà họ đại diện.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, có khá nhiều start-up có thành tích nổi bật, được kỳ vọng sẽ trở thành những start-up kỳ lân

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, có khá nhiều start-up có thành tích nổi bật, được kỳ vọng sẽ trở thành những start-up kỳ lân

Bên cạnh các gương mặt trên, trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có khá nhiều start-up có thành tích nổi bật, được kỳ vọng sẽ trở thành những start-up kỳ lân (unicorn) - các start-up được định giá trên 1 tỷ USD. Đơn cử, Lê Yên Thanh, người được mệnh danh là “chàng trai vàng” của tin học Việt Nam, với Dự án Talo ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực thi cử và tuyển dụng nhân sự.

Được biết, sau một thời gian triển khai ứng dụng, Lê Yên Thanh cùng các cộng sự đang tích cực thực hiện các bước đăng ký thành lập doanh nghiệp và triển khai kế hoạch gọi vốn. Tuy nhiên, quốc gia mà Lê Yên Thanh chọn để đăng ký doanh nghiệp không phải Việt Nam, mà là Singapore, để có thể dễ dàng nhận vốn đầu tư từ các quỹ ngoại.

Không riêng Talo, nhiều start-up Việt đã và đang chọn Singapore để đăng ký thành lập doanh nghiệp. “Ở Singapore, doanh nghiệp nước ngoài thành lập start-up chỉ mất 2 ngày, với vốn tối thiểu chỉ là… 1 USD”, đại diện Tập đoàn Internet Novaon - một trong những doanh nghiệp chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở công ty chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hoài Nam, CEO UP Coworking Space cho rằng, mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện cho các start-up hoạt động, song trên thực tế, vẫn còn một số vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Kỳ lân là thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 bởi Aileen Lee - một nhà đầu tư. Khi liệt kê danh sách các công ty khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian ngắn, được định giá trên 1 tỷ USD, Aileen Lee đã sử dụng thuật ngữ “unicorn” (kỳ lân) để mô tả sự hiếm có của các công ty này. Từ đó, thuật ngữ “kỳ lân” được sử dụng để chỉ các start-up có giá trị trên 1 tỷ USD.

“Vướng mắc chính nằm ở quy định: nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các start-up Việt Nam mà muốn rút vốn thì bị đánh thuế 20%, nhưng ở Singapore quy định này là 0%. Đây là lý do khiến nhiều start-up Việt lựa chọn đăng ký thành lập tại Singapore”, ông Nam phân tích.

Cũng theo vị CEO này, quy định “không cho phép các công ty khởi nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài” cũng là rào cản khiến các start-up Việt có thêm lý do để lựa chọn khởi nghiệp ở nước ngoài.

Việt Nam là thị trường gần 97 triệu dân, nhưng cũng chưa thể đủ lớn để đóng cửa chơi một mình! Các start-up muốn tồn tại, phát triển và trở thành kỳ lân thì phải vươn ra nước ngoài, nhưng cơ chế chưa cho phép đầu tư ra nước ngoài, khiến nhiều doanh nghiệp có đủ trình độ phát triển muốn mở rộng đều chuyển thành công ty nước ngoài”, ông Nam nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Hùng, sáng lập GotIt cho biết, tại Việt Nam hiện có nhiều start-up đang ẩn mình. “Các start-up tôi biết chủ yếu là khai thác thị trường Việt Nam nên rất khó có thể trở thành kỳ lân. Dân số Việt Nam đông, nhưng địa bàn hoạt động tốt chỉ tập trung vào một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM… nên doanh nghiệp rất khó để có được doanh thu lớn từ các sản phẩm/dịch vụ từ công nghệ”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cần sân chơi công bằng

Để các start-up trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có thể trở thành kỳ lân trong tương lai, ông Nam cho rằng, Việt Nam cần tạo hành lang pháp lý cho start-up. “Các start-up không cần nhiều hỗ trợ, nhưng họ cần sân chơi công bằng. Vì thế, trách nhiệm của cơ quan quản lý là xây dựng một hành lang pháp lý để mọi doanh nghiệp đều yên tâm đầu tư trên sân chơi ấy. Hành lang pháp lý này cũng cần có sự giao thoa, có tiếng nói chung với các nước trong khu vực”, ông Nam nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách là thành tố không thể thiếu trong quá trình phát triển hệ sinh thái. Các chính sách đúng đắn không chỉ hướng tới việc phát triển, nâng cao chất lượng và kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, mà còn phải hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, liên kết và mở rộng nhanh chóng ra thị trường khu vực và thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Việt Nam cần một khung pháp lý để có giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các chính sách cần phải thông thoáng, thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ quyết tâm tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh, hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới.

Theo baoautu