Start-up 3,2 tỷ USD lâm vào đường cùng vì huy động được quá nhiều tiền
Start-up đầy tiềm năng này đã thất bại bởi lý do "không tưởng": Huy động được quá nhiều vốn và theo sau đó là chiến lược phát triển sản phẩm gặp phải đối mặt với những đối thủ "sừng sỏ".
Khi nói về các công ty khởi nghiệp thất bại, không có gì có thể có quy mô lớn hơn công ty điện tử tiêu dùng Jawbone. Jawbone sản xuất các sản phẩm như tai nghe, loa Bluetooth và máy theo dõi khi tập thể dục. Công ty cũng nhận được hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhưng kết cục cuối cùng, Jawbone đã đóng cửa vào năm 2017 và tuyên bố thanh lý tài sản.
Jawbone: 2011 - 2017
Vốn đầu tư nhận được: hơn 1 tỷ đô la
Mức định giá cao nhất: 3,2 tỷ đô la
Có quá nhiều tiền quá chưa chắc đã tốt
Các chuyên gia nói rằng có nhiều tiền một cách thái quá đã giết chết start-up này. Công ty nghiên cứu CB Insights nhận định, tính đến thời điểm 2017, Jawbone bị xếp hạng là công ty thất bại lớn thứ hai trong số các công ty được hỗ trợ liên doanh, dựa trên tổng số tiền huy động được. Sản phẩm kinh doanh của họ cũng đã thất bại trong việc cạnh tranh với các ông lớn trong ngành công nghiệp về thiết bị công nghệ hiện đại theo dõi sức khỏe - Fitbit và Samsung.
Công ty bắt đầu hoạt động vào năm 1999 với tên AliphCom, bán nhiều sản phẩm khác nhau bao gồm cả tai nghe và loa Bluetooth, trước khi đổi tên thành Jawbone vào năm 2011 và tham gia vào thị trường đồ thể dục có thể đeo được. Jawbone có tất cả các yếu tố để trở thành huyền thoại Thung lũng Silicon. Giám đốc điều hành của nó là Hosain Rahman - bậc thầy trong kêu gọi vốn và Nhà thiết kế hàng đầu Yves Behar – nổi tiếng trong giới thiết kế tại Sillicon.
Jawbone cũng có các nhà đầu tư tuyệt vời như Sequoia, Andreessen Horowitz, Khosla Ventures và Kleiner Perkins Caufield & Byers, và sau đó là một quỹ tài sản thuộc sở hữu của chính phủ. Những nhà đầu tư này đã rót hàng trăm triệu đô la vào Jawbone, nâng mức định giá công ty này lên 3,2 tỷ USD vào năm 2014.
Theo Reuters, các nhà điều hành công nghệ và tài chính đánh giá sự sụp đổ của Jawbone sau khi huy động được 930 triệu USD là một ví dụ rõ ràng về việc dòng tiền đổ từ Thung lũng Silicon có thể có tác động xấu đến việc duy trì các công ty không có tương lai. Điều trớ trêu là Jawbone có thể là mục tiêu phù hợp để có thể được mua lại từ vài năm trước, nếu họ chỉ giữ mức định giá thấp hơn bằng cách tăng lượng ít tiền hơn từ đầu tư mạo hiểm và quỹ tài sản có sở hữu từ chính phủ (Quỹ SWF).
Những vòng gây quỹ lớn như vậy có thể tạo ra sự định giá đầy giả tạo này mà không tính toán được với doanh thu. Chúng cũng có thể là một tín hiệu sai cho các nhà đầu tư, những người thường xem công ty đã huy động được bao nhiêu tiền như là một tín hiệu cho sự thành công của nó, khi trên thực tế, điều ngược lại.
Trường hợp của Jawbone cũng là một minh chứng cho những rủi ro mà các nhà đầu tư khởi nghiệp phi truyền thống như các quỹ SWF phải đối mặt khi họ đẩy mạnh đầu tư vào Thung lũng Silicon. Quỹ đầu tư Kuwait đứng đầu với khoản đầu tư 165 triệu USD vào Jawbone vào năm 2016. Đây là thời điểm mà triển vọng của Jawbone chỉ còn hết sức mờ nhạt, không còn hấp dẫn các nhà đầu tư ban đầu nữa.
Thất bại trong khởi nghiệp không phải là hiếm, nhưng một công ty trị giá hàng tỷ USD đã huy động được những khối tiền khổng lồ gặp thất bại vẫn còn là một điều hiếm. Sự sụp đổ của Jawbone chỉ xếp sau công ty công nghệ năng lượng mặt trời Solyndra (đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2011) trong bảng xếp hạng các công ty nhận vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tụt hậu so với các đối thủ
"Trong khi các sản phẩm mới của Fitbit luôn được ghi nhận là hoàn hảo, thì hai năm liền (2014 và 2015) Jawbone không có một sản phẩm nào mới. Kết thúc năm 2015, theo số liệu của Công ty Dữ liệu IDC, trong khi Fitbit chiếm tới 34% thị phần, thì Jawbone chỉ đạt 4,4%. Và với một khoảng cách quá xa như thế, trong thế giới công nghệ với những gã khổng lồ lúc nào cũng muốn nuốt chửng thị trường như Apple, Nike…, thì Jawbone không có cơ hội để gượng lại" – Steve Kovach, nhà bình luận người Mỹ, chia sẻ trên trang Business Insider.
Các nhà phân tích cho rằng, Fitbit đã đi trước trong thị trường thiết bị đeo trong một thời gian. Trong năm 2016, Fitbit đã xuất xưởng 22,3 triệu thiết bị.
Chuyển ý tưởng thành hiện thực đã khó, quá trình sản xuất các thiết bị công nghệ còn khó hơn. Ở trường hợp của Jawbone đo lường những gì công chúng muốn và nắm bắt một phần thị trường có sẵn còn dường như là không thể. Công ty bước vào lĩnh vực kinh doanh sản phẩm công nghệ cao với tư cách là nhà sản xuất công nghệ không dây, bán tai nghe Bluetooth và loa không dây dưới sự điều hành của CEO Hosain Rahman.
Ngay trong năm 2011, khi Jawbone quyết định chuyển hướng sang dòng sản phẩm công nghệ theo dõi sức khỏe mà đại diện là dòng sản phẩm Jawbone UP. UP cho phép người dùng theo dõi giấc ngủ, thói quen ăn uống và hoạt động hàng ngày bao gồm các bước thực hiện và đốt cháy calo. Vòng đeo tay có khả năng chống nước, có pin sạc. Dây đeo cổ tay có một động cơ rung có thể được lập trình như một báo động để đánh thức người dùng hoặc hoạt động như một lời nhắc nhở khi người dùng đã ở yên quá lâu. Ứng dụng UP bao gồm phần mềm mạng xã hội để tăng hiệu quả đối với người dùng.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư của công ty vào UP tỏ ra là một đánh cược không hiệu quả; Sự nâng cấp và lặp đi lặp lại trong quá trình phát triển dòng sản phẩm đã gặp phải nhiều vấn đề khác nhau và người dùng thường phải chịu những hạn chế của thiết bị cũng như không hài lòng vì mức giá được coi là cao của sản phẩm. Nó cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Fitbit, công ty đối thủ sau đó đã đưa ra thị trường các sản phẩm tương tự với mức giá thấp hơn và Apple, đã đưa ra một số biện pháp theo dõi tương tự trong Apple Watch, sản phẩm công nghệ hàng đầu có đầy đủ tính năng giống UP và thuộc một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Thực tế về sự suy giảm của Jawbone bắt đầu xuất hiện vào năm 2016, khi công ty ngừng sản xuất và sau đó bán máy theo dõi thể dục của họ trước khi bán hết hàng tồn kho còn lại của họ cho một đại lý. Theo Business Insider, ngay sau đó, Jawbone đã ngừng mối quan hệ với các công ty dịch vụ khách hàng bên ngoài sau khi họ không thể thanh toán cho các dịch vụ của mình. Jawbone đã không thể thay thế bằng một dịch vụ khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào và gây khó chịu cho những khách hàng còn lại của mình. Theo một báo cáo bổ sung của Bussiness Insider, Jawbone còn tìm cách chuyển hướng sang thiết bị đeo để đo lường thông tin về sức khỏe, nhưng không thể đủ khả năng làm cho các thiết bị hoạt động bình thường.
…Và một cái kết buồn
Tháng 7/2017, Jawbone tuyên bố đóng cửa và bắt đầu bán thanh lý tài sản để trả các món nợ trong quá trình kinh doanh không suôn sẻ. Tuy nhiên, trước đó, CEO của công ty, Rahman đã rời bỏ và đưa theo một số nhân viên cũ đi cùng làm việc tại một công ty mới do ông thành lập – cũng kinh doanh các sản phẩm tương tự với Rewbone có cái tên Jawbone Health Hub.
Khởi nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều là một thách thức và các công ty khởi nghiệp công nghệ có những khó khăn riêng. Có vẻ như đặt cược lớn vào một sản phẩm không hoạt động như dự định, không thể sửa lỗi dễ dàng như phần mềm và đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ là một canh bạc quá lớn đối với một startup – kể cả khi startup này có số vốn khủng.