Hỏi ý kiến các ứng viên tài năng của "Cơ hội cho ai": Giới trẻ nên khởi nghiệp hay làm thuê?

Theo Trí Thức Trẻ 14/12/2019 05:18

Dù từng khởi nghiệp thành công hay thất bại thì các ứng viên trẻ tại show truyền hình thực tế về việc làm “Cơ Hội Cho Ai - Whose Chance” vẫn có những màn trình diễn khá ấn tượng.

Đây không chỉ là sân chơi dành cho các ứng viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng/Đại học hoặc nhân sự muốn thay đổi môi trường làm việc, mà còn có cả những ứng viên đã trải qua giai đoạn khởi nghiệp rất thành công hoặc đã từng thất bại nhưng vẫn quyết tâm phát triển bản thân. Họ thắp sáng ngọn lửa đam mê, truyền cảm hứng cho giới trẻ bằng chính sự trải nghiệm, những giá trị họ tích lũy qua quá trình làm việc và khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Làm thuê tích lũy giá trị và có người “đỡ đạn” lúc sơ sẩy

Chia sẻ về những kỹ năng người lao động có được qua hành trình làm thuê, cô gái thế hệ milennial Thủy Tiên đã trúng tuyển vị trí Giám đốc truyền thông nội bộ tại Tập đoàn CenGroup chia sẻ: “Những gì mình không biết nếu có người hướng dẫn để mình trau dồi kiến thức hoặc kĩ năng đó thì mình sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Đi làm thuê cũng giống thời đi học. Phải thuộc bài, phải làm bài đầy đủ, phải tuân thủ kỉ cương lớp học. Thầy tư duy sao, mình tư duy vậy. Vậy là từng bước mình trở thành người thầy.

Có thể có những thứ mình thích và không thích ở tính cách thầy, nhưng thầy là người vực mình dậy, giúp mình bước ra khỏi những tư duy cũ kĩ của mình. Còn nếu sau không học thầy nữa, dùng các "chiêu" của thầy hay không là việc của mình".

“Tương tự, đi làm thuê doanh nghiệp nào thì mình sẽ học được tư duy và tính cách của doanh nghiệp đó, để mình trưởng thành hơn, có nhiều "vũ khí" hơn để chống chọi bão tố khi tự khởi nghiệp. Đi làm thuê cũng có cái sướng, được các anh chị cấp trên "đỡ đạn" cho mình những lúc sơ sẩy, được giao lưu kết nối với nhiều anh chị đồng nghiệp, và đây cũng là đối tượng giúp mình giải khuây khi bị “bí" ý tưởng”, Tiên giãi bày.

Nguyễn Kiến Trúc làm việc tại vị trí Giám đốc đào tạo Elise với mức lương 40 triệu đồng/tháng. Ứng viên này từng khởi nghiệp 2 doanh nghiệp hơn 2 năm, hiện giao lại 2 “đứa con tinh thần” của mình cho bà xã và một số co-founder quản lý và tiếp tục đi làm thuê.

Trải nghiệm nhiều hơn Thủy Tiên, đã từng khởi nghiệp thành công 2 doanh nghiệp và làm thuê trong hơn 5 năm, nam ứng viên Nguyễn Kiến Trúc (trúng tuyển vị trí Giám đốc Đào tạo của Elise ở tập 9 với mức lương 40 triệu đồng/tháng) khá tự tin khi tham gia chương trình với vị trí Giám Đốc.

Kiến Trúc cho rằng khi làm thuê sẽ học được 3 điều: Thực tế khác với lý thuyết; nghiệp vụ chuyên môn, cách tương tác với Sếp và đồng nghiệp; kỹ năng làm việc với người khác. Từ đó, người lao động hiểu được cách tạo nên giá trị bản thân trong môi trường công sở.

Đối với ứng viên giỏi võ Muay Thái với thần thái mạnh mẽ Phạm Thị Nhung thì hành trình làm thuê giúp cô nhận biết được nhiều loại người, và có kinh nghiệm sống, từ đó, hiểu được con người mình cần gì và muốn gì.

Đã từng khởi nghiệp và tiếp tục ứng tuyển “làm thuê” tại chương trình “Cơ Hội Cho Ai- Whose Chance”, ứng viên Lê Văn Duẩn khuyên các bạn trẻ nên làm thuê trước khi khởi nghiệp. “Khi làm cho người khác, bạn sẽ hình dung được mô hình hoạt động và quản lý của một doanh nghiệp; hiểu được giá trị, khả năng thực nhất của bản thân để không bị ảo tưởng, mơ mộng; từ đó, các bạn có thể hình dung và cảm nhận được khó khăn sẽ đối mặt khi khởi nghiệp, để có kế hoạch và sự chuẩn bị tốt nhất. Qua đó, bạn có thể xây dựng được những mối quan hệ có giá trị cho chính việc khởi nghiệp của mình sau quá trình làm thuê”.

Ứng viên Phạm Thị Nhung đã từng trải qua nhiều lần khởi nghiệp thất bại. Ứng viên này được Phó Chủ tịch Cengroup tuyển dụng với mức lương “khủng” 45.678.900 đồng ở vị trí Giám đốc kinh doanh ở tập 12 của chương trình "Cơ hội cho ai"

Về vấn đề giới trẻ nên làm thuê hay khởi nghiệp, Sếp Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ - CenGroup cho lời khuyên: “Các bạn trẻ cứ làm thuê đi, học kinh nghiệm quản lý từ chủ doanh nghiệp trước đã!”. Cụ thể là “Hành trình làm thuê rất quan trọng. Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp ngay khi tốt nghiệp rủi ro rất cao, 5-7 năm là thời gian đủ để các bạn trưởng thành chín chắn và tích lũy đủ tiền bạc và kiến thức cho bản thân mình trong hành trình làm thuê. Đó là công tác điều hành, trong nhóm mình có thể chưa phải là người điều hành nhưng nhìn người khác điều hành, cách quản trị tài chính, lập kế hoạch như thế nào sẽ hiểu và học hỏi được từ họ”.

Đồng quan điểm, Sếp Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Chủ tịch Đầu Tư và Phát Triển Doanh Nghiệp, Thành Viên Thường Trực HĐQT Tập Đoàn TiKi cho rằng: “Trước khi muốn làm người lãnh đạo, bạn nên học từ một người lãnh đạo giỏi trước. Họ sẽ tạo cơ hội để bạn được khai phá và phát triển bản thân. Bạn được đi học nhưng thay vì phải trả học phí để học, bạn lại được nhận lương. Mà quan trọng hơn, đó là sự chỉ dẫn và góp ý giúp việc học của bạn được đẩy nhanh nhất có thể. Nhỡ không may có phạm sai lầm, bạn vẫn có cơ hội sửa sai và học hỏi từ những vấp ngã đó, biến nó thành những bài học quý giá cho bản thân”.

Cứ khởi nghiệp khi chấp nhận được cái “giá” phải trả

Đã từng khởi nghiệp thất bại hay thành công nhưng vẫn tiếp tục hành trình làm thuê là câu chuyện trải nghiệm đầy gian truân của các ứng viên Phạm Thị Nhung, Lê Văn Duẩn và Nguyễn Kiến Trúc.

Một quản lý kinh doanh từng đạt 2 tỷ đồng/tháng, ứng viên có mức lương khủng nhất sau 13 tập phát sóng chương trình Cơ Hội Cho Ai- Whose Chance Phạm Thị Nhung cho biết “rủi ro khi khởi nghiệp không có kinh nghiệm sẽ thất bại rất cao”. Năm 2013, Nhung kinh doanh hệ thống cafe có tên gọi COFFE TREE, có 2 chi nhánh vì thiếu kinh nghiệm nên đã không thể cầm cự được 2 năm, lỗ vốn trầm trọng, mọi vấn đề kéo theo về nhân viên, quản lý, tính toán lợi nhuận cần giải quyết.

“Sau 3 năm, em lại mở Công ty phân phối KOVI, lúc này thì lại nguồn vốn thiếu nên cũng không đi đến đâu. Từ đó, em lấy sự thất bại khởi nghiệp của bản thân để đưa ra kinh nghiệm làm việc cho công ty đang làm thuê”, Nhung chia sẻ.

Nhung chia sẻ, sau 2 lần khởi nghiệp thất bại, mình lấy sự thất bại khởi nghiệp của bản thân để đưa ra kinh nghiệm làm việc cho công ty đang làm thuê

Đối thủ của Phạm Thị Nhung trong chương trình là một chàng trai khá chững chạc trong suy nghĩ, có hơn 11 năm kinh nghiệm làm quản lý, đã từng khởi nghiệp thất bại, Lê Văn Duẩn chia sẻ: “Theo tôi, khởi nghiệp thất bại thì chúng ta nên dành thời gian để tìm ra nguyên nhân thất bại, để sau này không lặp lại. Sau đó đặt mục tiêu mới, tiếp tục làm thuê trong 5-10 năm tích lũy kiến thức và lựa chọn cơ hội khởi nghiệp ở doanh nghiệp phù hợp với năng lực của mình. Bản thân các doanh nghiệp bây giờ cơ chế cũng rất mở, hình thức là chúng ta đi làm thuê nhưng trên thực tế nếu chúng ta làm tốt, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ được chia sẻ cổ phần, vậy là mình đã khởi nghiệp rồi”.

Tích lũy nhiều kinh nghiệm và khởi nghiệp 2 doanh nghiệp hơn 2 năm, ứng viên Nguyễn Kiến Trúc tự tin giao lại 2 “đứa con tinh thần” của mình cho bà xã và một số co-founder quản lý và tiếp tục đi làm thuê, khẳng định vị thế làm chủ của mình trong lòng các ông/bà chủ doanh nghiệp. Anh quan niệm thời điểm khởi nghiệp tốt nhất của giới trẻ là khi người đó sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả khi khởi nghiệp thất bại.

Để khởi nghiệp thành công phải hội đủ 5 yếu tố:

Thiên (thời thế, chính sách Nhà nước, thị trường thuận lợi);

Địa (lợi thế của khu vực, ngành nghề mình có đủ kiến thức; tìm thấy điểm khác biệt hơn các doanh nghiêp khác đang kinh doanh);

Tướng (người đứng đầu của mình tốt, sẵn sàng lăn xả, chiến đấu cùng mình);

Nhân (có người chung chí hướng, ủng hộ mình, sẵn sàng ở bên mình khi người khác có thể rời bỏ mình);

Pháp (đường lối kinh doanh: Chiến lược bán hàng, quản lý dòng tiền, chiến lược nhân sự).

Để một doanh nghiệp thành công thì “Trời trong, đất lành, nhân hòa hợp, tướng phải quyết liệt và pháp phải linh hoạt, khôn ngoan”, Kiến Trúc nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Sếp Khánh, nếu tham gia tuyển dụng khi đã từng khởi nghiệp, ứng viên sẽ có những lợi thế nhất định. Thứ nhất, các bạn sở hữu tư duy của một người làm chủ. Tiếp theo, từ tư duy làm chủ, các ứng viên này sẽ có góc nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh của cả doanh nghiệp.

Cụ thể, họ hiểu được rằng, công việc của họ không chỉ phục vụ cho riêng bộ phận họ đang công tác, mà còn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của các phòng ban khác, cũng như của toàn công ty. Điều này rất quan trọng giúp các ứng viên này sẵn sàng làm nhiều hơn những công việc được ghi trong bảng mô tả công việc nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất cho công ty.

Cuối cùng, các ứng viên này có khả năng thực hiện các dự án mới với nhiều sự chắc chắn và tự tin hơn, cùng khả năng định hướng công việc. Những dự án này nếu thành công sẽ tạo ra những bước đột phá cực kỳ lớn cho doanh nghiệp.

Theo Trí Thức Trẻ