Liêm chính trong kinh doanh
Liêm chính của người sáng lập không chỉ là hạt mầm cho văn hóa trung thực và minh bạch được xây dựng cùng các đồng sáng lập và cộng sự.
Chuyên gia Trần Trí Dũng - cán bộ đánh giá kết quả và hỗ trợ hoạt động cố vấn khởi nghiệp/chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program) - Phó Chủ tịch Thường trực hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Khóa đào tạo giảng viên nguồn về kinh doanh liêm chính do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Quỹ Thịnh vượng Anh và UNDP Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối tháng 6/2020 giới thiệu cách tiếp cận và những công cụ mới cho một khái niệm không mới: liêm chính trong kinh doanh. Hướng tới đối tượng là những người mới khởi đầu hành trình kinh doanh, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trình bày khái niệm về liêm chính trong kinh doanh đặc biệt ý nghĩa: liêm chính là làm điều đúng đắn ngay cả khi không ai ở xung quanh.
Liêm chính với chính mình
Công việc của người sáng lập và điều hành kinh doanh là liên tiếp ra quyết định và hành động. Tự xác định các cam kết giá trị, tiêu chuẩn chất lượng, và chuẩn mực đạo đức cho hệ thống kinh doanh của mình không khó. Thỏa hiệp và nhân nhượng với những cam kết, tiêu chuẩn và chuẩn mực do chính mình đặt ra cũng thật dễ dàng. Thực vậy, hiếm ai từ chối công nhận lợi ích tích cực cả về thể chất lẫn tinh thần của việc tập thể dục buổi sáng. Cũng rất nhiều người tự đặt mục tiêu, và cả tuyên bố với bạn bè hay người thân, rằng mình sẽ tập luyện thể dục buổi sáng đều đặn. Hãy thẳng thắn trả lời câu hỏi: trong tháng qua, có bao nhiêu ngày bạn trì hoãn, thậm chí bỏ qua, bài tập thể dục buổi sáng vì “lí do chính đáng”? Điều tương tự liệu có đang diễn ra với công việc kinh doanh?
Thực hành liêm chính với chính mình, trước tiên, giúp các nhà sáng lập và nhà quản lý kinh doanh tránh các kỳ vọng và nhận định sai lầm về mức độ chấp nhận cũng như tiềm năng mở rộng của thị trường dành cho sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp. “Thị trường không có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ” đứng đầu trong bảng xếp hạng 20 nguyên nhân thất bại phổ biến với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) được CBInsights công bố. Để bán được hàng rất cần có sự tự tin về sản phẩm, dịch vụ. Tuy vậy, tình yêu với sản phẩm không thể là lý do để che mắt và bịt tai trước những phản hồi từ thị trường, trước những góp ý về hoàn thiện sản phẩm, và đặc biệt là với những gợi ý về điều chỉnh, kể cả loại bỏ, mô hình kinh doanh đang vận hành.
Phần đông các nhà sáng lập rất phấn khích và tin tưởng vào thành công khi giới thiệu với thị trường và công chúng tiêu dùng một sản phẩm hay dịch vụ hoàn toàn khác biệt, hoặc chí ít thì cũng được cải tiến đáng kể so với những gì đang hiện hữu. Để thuyết phục người tiêu dùng trải nghiệm những sự cải tiến và mới mẻ này, nhà sáng lập chấp nhận bỏ nhiều sức lực và tài lực vào công việc “giáo dục thị trường.”
Một sự thật là, “giáo dục thị trường” tốn kém và các khoản chi trên thực tế thường vượt xa dự kiến. Nhà sáng lập thể hiện sự liêm chính với bản thân khi nghiêm túc phân tích các tín hiệu thị trường và ghi nhận phản ứng của người tiêu dùng cũng như đối tác kinh doanh với sản phẩm con cưng đúng như thực tế.
Chẳng hạn, nếu sản phẩm mới không bán được nhiều như dự kiến bởi người tiêu dùng nói rằng họ không cần những tính năng độc đáo của sản phẩm thì nhà sáng lập không nên và không thể thuyết phục đội ngũ và cả chính họ, rằng người tiêu dùng nói vậy vì họ chưa kịp trải nghiệm đầy đủ những tính năng đó. Khi lập luận theo cách này, nhiều khả năng nhà sáng lập sẽ quyết định “ứng trước tiền” để “trao trải nghiệm” cho người dùng – một hành động thực sự rất đắt đỏ. Nếu giải quyết trực diện với phản hồi của người tiêu dùng, nhà sáng lập sẽ có thêm lựa chọn như thay đổi cách thức truyền thông, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, hoặc loại bỏ đặc tính mà khách hàng không có nhu cầu.
Sự đơn giản của sản phẩm cũng có khi là một lợi thế cạnh tranh. Doanh nhân Nguyễn Tấn Đời, người được mệnh danh “vua ngân hàng” vào những năm 1970 tại miền Nam Việt Nam, đúc kết “nỗ lực kinh doanh là để mang tới cho khách hàng đúng sản phẩm hay dịch vụ mà họ cần sử dụng”. Xin lưu ý rằng, người quyết định là khách hàng.
“Xây” văn hóa liêm chính trong doanh nghiệp
Giáo sư Nancy Napier, Đại học Boise State - Hoa Kỳ, ở trang bìa cuốn sách đúc kết thành công của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong tạo lập môi trường văn hóa kinh doanh thúc đẩy sáng tạo đã viết: “Nhiều nhà lãnh đạo đánh giá thấp sức mạnh của văn hóa như một lợi thế cạnh tranh. Đừng mắc phải sai lầm này”. Câu hỏi dành cho các nhà sáng lập và điều hành kinh doanh là: Chúng ta có mong muốn văn hóa liêm chính trong doanh nghiệp của mình? Hẳn nhiên câu trả lời sẽ là: Có, chắc chắn như vậy.
Thật khó để hình dung có nhà lãnh đạo kinh doanh nào chấp nhận những hành vi gian lận, biển thủ, tham nhũng từ chính những cộng sự và đội ngũ của mình. Không thiếu công cụ quản lý có thể áp dụng:
cơ chế giám sát nội bộ, chính sách thưởng phạt công minh, chương trình huấn luyện và trao đổi nội bộ về trung thực và tuân thủ. Nhưng mọi công cụ quản lý chỉ phát huy tác dụng khi chính nhà lãnh đạo là tấm gương về tuân thủ các quy tắc kinh doanh chính trực và kỷ luật đạo đức. Thật khó tránh việc nhân viên thu mua kê tăng giá đầu vào và chia phần với nhà cung cấp khi chính doanh nghiệp cũng làm vậy lúc cung ứng cho khách hàng.
Liêm chính của người sáng lập không chỉ là hạt mầm cho văn hóa trung thực và minh bạch được xây dựng cùng các đồng sáng lập và cộng sự. Đây còn là tiêu chí mà các đối tác – nhất là các tập đoàn lớn và nhà đầu tư quan tâm trước tiên khi thiết lập quan hệ kinh doanh hay thương vụ đầu tư.
Chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều lần gọi vốn thành công, nhà sáng lập kiêm CEO Nguyễn Hoàng Trung của Lozi nhấn mạnh “Thật thà nên là điều kiện tiên quyết khi các founder kêu gọi đầu tư. Bạn không nên tìm cách lừa dối nhà đầu tư hoặc tô vẽ những thứ mà doanh nghiệp bạn không có, bởi về sau cùng, mọi sự thật đều sáng tỏ và bạn sẽ đánh mất uy tín của mình trong giới khởi nghiệp. Chỉ cần gian dối một lần, bạn có thể mất đi cơ hội gọi vốn mãi mãi”. Điều này không mới, nhưng rất cần nhắc lại nhiều lần. Nhà đầu tư danh tiếng Warren Buffett tiết lộ ông chú ý tới ba đặc tính của nhà sáng lập: trí tuệ, năng lượng, và sự liêm chính – và nếu thiếu sự liêm chính thì chẳng cần bận tậm tới hai đặc tính còn lại.
Sự thiếu vắng niềm tin sẽ khiến quá trình thẩm định đối tác, thẩm định đầu tư kéo dài và tốn kém, gia tăng chi phí kinh doanh, và đôi khi cả đánh mất cơ hội thành công. Bộ tiêu chí liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp đã được phát triển và giới thiệu ngày 31/7/2020 được ra đời với mong muốn hỗ trợ các startup mau chóng thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ và văn hóa kinh doanh liêm chính ngay từ khi mới thành lập. Đồng thời giúp các nhà đầu tư nhận diện sớm các startup đang nỗ lực xây dựng sức mạnh cạnh tranh bằng năng lực đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Ra mắt Bộ tiêu chí Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp
14:19, 30/07/2020
TRỰC TIẾP: Lễ ra mắt Bộ tiêu chí "Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp"
13:50, 30/07/2020
30/7: Lễ ra mắt Bộ tiêu chí "Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp"
09:34, 30/07/2020