Xung lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khi chương trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, toàn xã hội được thực hiện sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng startup.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, sau 1 năm tăng đột biến các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, đạt mức 800 triệu USD, thì năm 2020 lượng vốn chỉ khoảng hơn 200 triệu USD. Nhưng trong bức tranh chung, cộng đồng startup của Việt Nam có những điểm sáng đáng lưu ý.
Yêu cầu thích ứng linh hoạt
“Đó là việc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã nằm trong top đầu cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử, tạo các không gian làm việc chung…”, Phó Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng “mừng nhưng chúng ta cũng không nên quá hài lòng”. Đơn cử, nhiều dự đoán cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ làm cho thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử tăng đột biến nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.
Từ kinh nghiệm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, dù bên ngoài diễn biến rất phức tạp, bằng sự chủ động, sẵn sàng, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Cộng đồng startup đã thực sự sẵn sàng đón nhận nhận thách thức và cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay chưa? Ví dụ cụ thể, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người dân hạn chế ít tiếp xúc trực tiếp nhưng các nền tảng dịch vụ thương mại điện tử chưa vận hành suôn sẻ ngay và qua nhiều tháng điều chỉnh, thích ứng vẫn còn nhiều khó khăn.
“Việt Nam không có công nghệ tiên tiến nhất hay hệ thống y tế tốt như nhiều nước nhưng đã chống dịch hiệu quả bằng những giải pháp thiết thực, sát với điều kiện thực tiễn. Vậy cộng đồng startup đã như vậy chưa”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và dẫn chứng sự vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước ra bên ngoài của một số doanh nghiệp startup là do đã đi vào giải quyết những bài toán rất thiết thực. Công nghệ có thể không bằng nước ngoài nhưng các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh doanh, cách làm mới, từ kinh nghiệm trong nước để vươn ra thế giới.
“Các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã thiết thực hơn, sát với thực tiễn hơn, dựa vào thị tường lớn ở trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Cũng từ kinh nghiệm chống dịch thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng tính cộng đồng ngày càng quan trọng, nhất là trong một thế giới mới có nhiều biến chuyển khó lường. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với cộng đồng startup.
“Chúng ta huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để sau này cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình”, Phó Thủ tướng nói và nêu ví dụ cụ thể về việc xây dựng hệ thống địa chỉ số của tất cả các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan ở Việt Nam.
"Hệ thống này liên tục được cập nhật bởi cộng đồng, được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền, tạo nên hệ thống địa chỉ chính xác, có thể đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau, dễ thấy nhất là thương mại điện tử”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết, trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, khó dự báo dài hạn, sát thực tế thì từ những công ty rất lớn đến doanh nghiệp non trẻ phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt ngay lập tức mới có cơ hội phát triển. “Nền kinh tế mới trong tương lai có tới 70% sản phẩm, dịch vụ phương thức mới mà chưa hình dung được hoặc chưa chắc chắn. Quan trọng là cách thích ứng”, Phó Thủ tướng chia sẻ lại ý kiến của một người làm startup có nhiều kinh nghiệm.
Khẳng định Chính phủ luôn mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước cũng cần tự tin hơn từ bài học, kinh nghiệm, cách làm của mình để bước ra thế giới, Phó Thủ tướng cho rằng, tới đây, khi triển khai chương trình chuyển đổi số trong các có quan nhà nước, doanh nghiệp, toàn xã hội chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng startup, hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, bằng sự kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, giữa doanh nghiệp theo mô hình truyền thống hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì cộng đồng startup sẽ có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, cùng nhau đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào phát triển trong khu vực, giải quyết những vấn đề chung của nhân loại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch COVID-19 với những tác động gây khủng hoảng kinh tế cũng làm bộc lộ ra những hạn chế của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới.
“Doanh nghiệp khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn. Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến…Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Đồng thời cho rằng, tính linh hoạt, khả năng thích ứng và tồn tại trong nhiều điều kiện khác nhau chính là yếu tố then chốt, tận dụng cơ hội để phát triển đầu tư kinh doanh không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân.
Những đứt gãy tạo nên cơ hội
Trong khi đó, từ góc nhìn của nhà đầu tư ông, Joonpyo Lee, Giám đốc điều hành SoftBank Venture Asia cho biết, đại dịch tạo nên những đứt gãy tại nhiều lĩnh vực trên thị trường. Chính những đứt gãy này là cơ hội để đưa các công nghệ mới trở thành việc kinh doanh thực sự.
Khi bị cách ly, hạn chế đi lại, cách thức để tồn tại tốt nhất là mua sắm online, làm việc từ xa, chuyển tiền online… Những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tạo nên cơ hội tuyệt vời để những mô hình kinh doanh mới xuất hiện và được chấp nhận.
“Với tư cách nhà đầu tư khởi nghiệp, tôi thấy rất nhiều cơ hội để theo đuổi quá trình chuyển đổi này, tạo nên những di sản cho thế giới”, ông Joonpyo Lee chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hải Vân, đại diện Grab, doanh nghiệp kỳ lân đầu tiên tại Đông Nam Á cho biết, trong bối cảnh khó khăn, lời khuyên đưa ra cho những doanh nghiệp khởi nghiệp chính là có sự chuẩn bị thật sớm và bám sát chiến lược tăng trưởng. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ là yếu tố lõi.
Chia sẻ về những biến động của thị trường trong thế giới hậu đại dịch, ông Lukasz Roszczyc, Tổng giám đốc Publicis Groupe đánh giá, năm nay là một năm đặc biệt khi chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ sức khỏe của chính mình, nhưng vẫn nên suy nghĩ tích cực về các cơ hội mới.
Mọi người đang dành nhiều thời gian hơn cho các giao diện kỹ thuật số. Các thiết bị thông minh như Smart TV, Smart Home, điện thoại thông minh… đang dần phát triển rộng khắp, mang lại giá trị cho người tiêu dùng. Qua đó, các thương hiệu có thể đổi mới cách tiếp cận và sáng tạo ra những câu chuyện ý nghĩa để gửi gắm tới người tiêu dùng.
“Nhiều doanh nghiệp sở hữu dữ liệu về khách hàng đã mua sản phẩm, nhưng việc tương tác với khách hàng chưa hiệu quả. Với tư cách là đơn vị tư vấn nhiều năm kinh nghiệm, Publicis Groupe giúp nhiều doanh nghiệp nghiên cứu dữ liệu người dùng, từ đó đưa ra ý tưởng mới nhằm quảng bá, thu hút khách hàng tiềm năng”, ông Lukasz Roszczyc nói.
Có thể bạn quan tâm
3 lí do vì sao năm 2021 là thời điểm `vàng` để bắt đầu hành trình khởi nghiệp
08:18, 25/11/2020
'Chẳng ai cười nhạo khi tôi nói về ý tưởng khởi nghiệp lạ lùng'
04:23, 25/11/2020
TP. HCM: Lần đầu tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia về giáo dục nghề nghiệp
10:00, 24/11/2020
Ứng dụng nâng cao kỹ năng đàm phán giúp doanh nhân khởi nghiệp
08:18, 24/11/2020
Nâng cao năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh niên
04:05, 24/11/2020