Khởi nghiệp thành công từ một giống lúa cổ truyền
Từ một giống lúa cổ truyền của địa phương, anh Nguyễn Văn Nam (Hải Dương) đã đưa nếp quýt Kim Thành trở thành nông sản hàng hóa có thương hiệu trong và ngoài nước.
>>>Hải Dương: Xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc
>>>Hải Dương: Cháy lớn tại công ty chuyên thu gom rác thải công nghiệp
Nhiều năm thành công với sản xuất, kinh doanh phân bón, chăn nuôi lợn, ít ai biết anh Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt Kim Thành, một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 cũng chính là người cùng chính quyền địa phương xây dựng, phát triển thương hiệu nếp quýt Kim Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Khởi nghiệp từ nghề tay trái
Nhớ lại chặng đường gắn bó với sản phẩm nếp quýt của quê hương, anh Nam chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì đầu quân cho một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội. Vật lộn trên thương trường, năm 2005, khi có chút vốn liếng, anh đã về quê lập nghiệp, mở xưởng sản xuất phân bón.
Cũng chính trong thời điểm đó, thấy những cánh đồng nếp quýt đến vụ thu hoạch nhưng giá cả bấp bênh, anh Nam không cam lòng.
Một ý tưởng táo bạo đã nảy ra trong đầu đó chính là xây dựng một vùng sản xuất nếp quýt tập trung, thu hút người dân cùng tham gia sau đó sẽ bao tiêu, thu mua, chế biến các sản phẩm từ nếp quýt.
Nghĩ là làm, anh bắt tay vào khởi nghiệp. Năm 2016, anh Nam đầu tư vào sản xuất lúa nếp thương phẩm và chăn nuôi lợn. Anh thuê gần 10ha đất nông nghiệp của bà con trong xã quy vùng vừa trồng cây dược liệu, vừa sản xuất nếp quýt, rồi thành lập HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền.
Nhưng khởi đầu không bao giờ là thuận lợi. Lúc đầu quyết định thuê đất mở vùng sản xuất, tìm thị trường đầu ra, xây dựng thương hiệu cho gạo nếp quýt, anh Nam nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ gia đình bạn bè. Bởi thời điểm đó công ty sản xuất phân bón của anh hoạt động rất hiệu quả, bản thân anh cũng vừa mở rộng sang lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Không chỉ vậy, dù có chất lượng tương đương Nếp Cái hoa vàng, lại có đặc trưng riêng về mùi thơm, độ dẻo và giá trị dinh dưỡng cao, nhưng giống nếp quýt được anh Nam và bà con một số xã trong huyện sản xuất khi đó là giống bản địa đã bị thoái hóa, năng suất giảm.
Trong lúc đang loay hoay tìm cách nâng cao năng suất, chất lượng cho giống nếp quýt thì năm 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai đề tài “Nghiên cứu, phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu nếp quýt huyện Kim Thành” và HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền được chọn tham gia.
Đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của huyện Kim Thành, Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp quýt Kim Thành đã bắt tay xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Sau những cố gắng, đến nay thương hiệu gạo nếp quýt Kim Thành được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
"Đây là ước muốn của tôi và của người dân trồng nếp quýt. Chỉ khi nào có thương hiệu, có tên gọi, gạo nếp quýt mới có thể vươn xa được. Không chỉ tích cực đưa sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành vươn xa, HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền còn tham gia phục tráng, sản xuất thành công 500 kg giống siêu nguyên chủng phục vụ sản xuất nếp quýt thương phẩm trong huyện và một số địa phương khác", anh Nam bộc bạch.
Đến việc đưa sản phẩm “nết quýt” bay xa
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đến nay, sản xuất bằng giống nếp quýt qua phục tráng cho thấy năng suất đạt 48-50 tạ/ha, cao hơn giống nếp quýt chưa qua phục tráng từ 8-10 tạ/ha. Giá bán nếp quýt cũng cao hơn các giống lúa nếp thông thường từ 25-30% (20.000-25.000/kg). Thóc nếp quýt tươi, thóc nếp quýt đã phơi khô đều rất dễ tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, giống lúa nếp quýt qua phục tráng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, bông to đều, tỷ lệ hạt lép thấp, thân cây cứng.
Ông Nguyễn Văn Tri, hội viên của hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt Kim Thành cho biết, từ khi được cấp nhãn hiệu tập thể, gạo nếp quýt Kim Thành được nhiều người biết đến. Việc bán thóc nếp thương phẩm và sản phẩm gạo của hội viên thuận lợi hơn nhiều. Hầu hết thóc thương phẩm đều được các cơ sở đăng ký thu mua từ đầu vụ với giá ổn định nên bà con rất phấn khởi. Diện tích gieo cấy cũng tăng theo từng năm.
Từ một giống lúa cổ truyền của địa phương, giờ đây, gạo nếp quýt Kim Thành được biết đến là một nông sản hàng hóa có thương hiệu. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở nhãn hiệu tập thể thì sản phẩm có tính cạnh tranh chưa cao.
Để sản phẩm có thương hiệu, vươn tầm thế giới, anh Nam đã mạnh dạn đầu tư máy móc sơ chế, sấy khô và chế biến gạo, nhà kho bảo quản; đăng ký sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời, đưa sản phẩm tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội giới thiệu và quảng bá đặc sản tới nhiều khách hàng hơn nữa.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Nguyễn Văn Nam cho biết: Từ một giống lúa cổ truyền đến nay mỗi năm HXT doanh thu hàng chục tỷ đồng. Hiện HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền có khoảng 18 ha chuyên phục tráng, sản xuất nếp quýt. Quá trình canh tác đều được HTX áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình khép kín, từ khâu ủ phân, gieo mạ, cày cấy đến điều tiết nước, thu hoạch. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua từ 150 - 170 tấn thóc nếp quýt của nông dân địa phương để chế biến, cung cấp cho thị trường. Thương hiệu gạo nếp quýt Kim Thành hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cho biết việc duy trì, phục tráng thành công giống nếp quýt giúp diện tích sản xuất nếp quýt trong huyện tăng dần hàng năm.
Ông Nghiệp, cho biết thêm thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng sản xuất nói chung, mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nói riêng. Huyện cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ người dân tham gia quảng bá sản phẩm, mở các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm nếp quýt Kim Thành...
Có thể bạn quan tâm