Nam Định: Phấn đấu là “điểm đến” của các nhà đầu tư nước ngoài
Theo kết quả thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2017, Nam Định là địa phương đứng thứ 7/59 tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh. Và đại đa số các công ty trong đó là về ngành dệt, may. Đây thực sự là bước đột phá của Nam Định.
Hầu hết phủ kín các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Nam Định là các Công ty về ngành dệt, may. Từ trong nước và nước ngoài cũng tìm đến Nam Định để mở xưởng và xây dựng. Lý do để Nam Định tạo được uy tín và thu hút các đối tác nước ngoài tin tưởng và tìm đến vì: điều kiện địa lý, nguồn nhân lực dồi dào và các cơ chế chính sách thuận lợi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Năm 2017, các KCN trên địa bàn tiếp tục nhận được tác động thuận lợi từ tăng trưởng kinh tế - xã hội khá cao, từ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triền doanh nghiệp của tỉnh, triển khai thực hiện các chương trình hành động của tỉnh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ V, lần thứ VI, của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) đã mang đến không khí đổi mới, niềm tin mới trong đầu tư, sản xuất kinh doanh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 4 Khu công nghiệp đi vào hoạt động gồm: Khu CN Hòa Xá, Khu CN Bảo Minh, Khu CN Mỹ Trung và KCN dệt may Rạng Đông (đang hoàn thiện hạ tầng).
Tổng vốn đầu tư hạ tầng đã đăng ký của 4 KCN trên là 6.290 tỷ đồng. Các hạng mục hạ tầng hiện có của các KCN cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và ngày càng hiện đại, tiện ích hơn.
Đa phần các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là các nhà đầu tư nước ngoài. Số lao động thường xuyên làm việc trong khu công nghiệp trên 37.000 người; thu nhập bình quân đạt 4,8 triệu đồng/người/tháng.
Cụ thể, lao động tại KCN Hòa Xá khoảng 20.665 người, KCN Bảo Minh thu hút hơn 12.000 người, KCN Mỹ Trung 5.019 người và KCN Dệt may Rạng Đông 105 người. Các doanh nghiệp nộp thuế đạt trên 280 tỷ đồng.
KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản là 1 trong 3 KCN đầu tiên của tỉnh Nam Định thành lập năm 2007, đến nay đã đi vào hoạt động. KCN do Công ty CP đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư với quy mô diện tích 155,4 ha, đến nay đã nấp đầy 100%. KCN được đánh giá là có công trình hạ tầng, cơ sở dịch vụ khá hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Được mệnh danh là KCN kiểu mẫu của toàn miền Bắc, KCN Bảo Minh nằm ngay cạnh tuyến đường sắt quốc gia Bắc Nam và QL 10- là tuyến đường trục kinh tế huyết mạch với 4 làn xe, chạy dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ qua 6 tỉnh.
Ông Vũ Công Trụ - Giám đốc Marketing và Phát triển dự án cho biết “Hiện tại,KCN có 13 nhà đầu tư thứ cấp với 14 dự án, trong đó có 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 1.800 tỷ đồng và 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Singapore, Đức, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc) với tổng vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 435 triệu USD, đã thu hút 12.000 lao động địa phương với thu nhập 5,3 triệu đồng/người/tháng và đóng góp ngân sách tỉnh bình quân đạt 50 tỷ đồng/năm”.
Thành công của dự án đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh đã và đang góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm và nâng cao mức sống của người dân địa phương.
KCN Bảo Minh được đánh giá là điển hình thành công của các dự án các KCN đã đi vào hoạt động của tỉnh Nam Định xét trên mọi tiêu chí. Hiện nay, có một số nhà đầu tư có uy tín từ các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc đang có nhu cầu và cam kết đầu tư ngay trong giai đoạn 2018 – 20120 vào KCN Bảo Minh với quy mô vốn lớn, công nghệ tiến tiến hiện đại, thân thiện với môi trường.
Từ thành công của các KCN, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý về chủ trương cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công KCN Mỹ Thuận đưa vào sử dụng
Theo BQL các KCN tỉnh Nam Định, hiện số doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp là 137 đơn vị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Kết quả rà soát, phân loại tình hình hoạt động các doanh nghiệp đến tháng 12/2017 có 58% doanh nghiệp hoạt động Tết, 33% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 9% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Kết quả này thể hiện bằng các con số như: giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 ước đạt 16.500 tỷ đồng, giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 600 triệu USD (trong đó phần lớn là hàng dệt may).
Ông Nguyễn Mai Thuận - Phó trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết “ kế hoạch chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 là thu hút vốn đầu tư vào các KCN đạt 200 triệu USD; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.5000 tỷ đồng trở lên; tạo thêm việc làm cho khoảng 4.000 lao động v..v.. với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng và phát triển KCN xứng đáng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo số liệu thống kê, cả năm 2017 vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 2.154,23 triệu USD. Do vậy, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh Nam Định xác định tập trung nâng cao tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng lớn; đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách tỉnh là bước đi đúng đắn.
Trước những kết quả đạt được cùng sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành hy vọng trong năm 2018, tỉnh Nam Định sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc đến của các nhà đầu tư nươc ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may.