Hà Nội cần chuyên đề riêng giải quyết điểm nghẽn giải phóng mặt bằng
Theo các Đại biểu HĐND TP Hà Nội, cần có những chuyên đề sâu hơn để góp phần đưa công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh hơn, giảm bức xúc, khiếu nại.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm nhận định, năm 2019, công tác giải phóng mặt bằng của thành phố nói chung và nhiều quận huyện nói riêng gặp nhiều khó khăn nên không thu được nhiều tiền từ đất, từ đấu giá đất….
“Do đó, thành phố cần có những chuyên đề sâu hơn để góp phần đưa công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh hơn, giảm bức xúc, khiếu nại, được người dân ngày càng đồng thuận, giúp nguồn thu của thành phố tăng lên và cũng sẽ chi được nhiều hơn”, Đại biểu Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Đại biểu Lê Văn Thư, Tổ trưởng Tổ Bắc Từ Liêm đề nghị năm 2020, HĐND, UBND TP cần quan tâm có chuyên đề riêng khảo sát, giám sát về vấn đề này để tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của những khó khăn, trong đó có những vấn đề có tính chất lịch sử về đất đai.
Liên quan vấn đề này, báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho biết, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có cả dự án khởi công mới có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục giai đoạn 1; Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 419 trên địa bàn huyện Chương Mỹ... hay dự án chuyển tiếp như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn văn Điển – Ngọc Hồi (Km185 – 189); xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây; Xây dựng đường Liễu Giai- Núi Trúc (đoạn Vạn Bảo đến nút Núi Trúc giai đoạn 2...
"Hiện có khoảng 30 dự án vướng và chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm hoặc không giải ngân được số kế hoạch vốn được giao khoảng 2.500 tỉ đồng như dự án đường vành đai 1 khoảng 1.300 tỉ đồng, khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn khoảng 182 tỉ đồng,...", Ban Kinh tế - Ngân sách chỉ rõ.
Có thể bạn quan tâm
Hạn chế xe máy nội đô: Hà Nội "chốt" phương án nào?
16:49, 03/12/2019
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử nghiêm đầu cơ đất tại dự án sân bay Long Thành
00:10, 02/11/2019
Cụm Công nghiệp Thái Thắng (Thanh Hóa): Vướng giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư “lỡ nhịp”
11:13, 31/10/2019
Quảng Ninh: Yêu cầu xử lý cán bộ vi phạm công tác giải phóng mặt bằng tại Cẩm Phả
04:50, 30/10/2019
Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn: Đau đầu bài toán giải phóng mặt bằng
11:33, 02/10/2019
Trên thực tế, giải phóng mặt bằng chậm là điểm nghẽn đã được đưa ra tại nhiều kỳ họp, mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV cách đây 4 tháng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thẳng thắn, công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Cụ thể, về tiến độ thực hiện các dự án, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Lê Văn Bính thừa nhận, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của các dự án là việc giải phóng mặt bằng còn chậm.
Hiện, Hà Nội đang thực hiện 18 dự án, trong đó có 12 dự án chuyển tiếp, sẽ hoàn thành trong năm 2019 và 6 dự án mới, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020. Một số dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, như dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở phải giải phóng mặt bằng 655 hộ và tổ chức; dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục phải giải phóng mặt bằng 1.937 hộ... Ngoài ra, còn một bộ phận người dân chưa đồng thuận với việc triển khai dự án.