“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch trong thời gian tới.
Với tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nhất là từ khi có Nghị quyết 09-NQ/TW của Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu về phát triển du lịch chất lượng cao, nhận thức về vị trí, vai trò của ngành Du lịch đã được nâng lên một cách rõ rệt trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Theo đó, các địa phương trong tỉnh học tập, triển khai nghị quyết và chương trình hành động một cách đồng bộ nhằm phát triển sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và chất lượng nguồn nhân lực...
Tiềm năng lớn
Bờ biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kéo dài hơn 300 km, với bãi cát thoai thoải, nước biển trong xanh rất thuận lợi để làm bãi tắm và các resort cao cấp. Từ TP.Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc, hàng loạt dự án du lịch mọc khắp các bờ biển hoạt động rất hiệu quả, thu hút hàng triệu lượt khách. Tại huyện Xuyên Mộc, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, suối nước nóng Bình Châu thích hợp với nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh…
Đặc biệt, tại Côn Đảo có nhiều hòn đảo lớn nhỏ rất thuận lợi để phát triển các tiềm năng du lịch biển. Du khách đến biển Côn Đảo có thể lặn ngắm san hô, câu cá; tham quan các điểm di tích đã trải qua trên 100 năm nhưng vẫn còn lưu lại nguyên dấu tích cho đến ngày nay. Mỗi địa danh là một minh chứng cho một thời kỳ bi tráng của lịch sử như, Nhà Chúa Đảo, Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, Trại Phú Phong, Trại Phú Bình, Chuồng Cọp, Miếu Bà Phi Yến, Chùa Hòn Một, Chùa Công Quán, Nghĩa Trang Hàng Dương, Nghĩa Trang Hàng Keo…
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu 48 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo), 29 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh, gắn với các di tích hàng năm có rất nhiều lễ hội được tổ chức, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển thu hút đông đảo người dân địa phương khắp nơi quy tụ, như: Lễ hội Nghinh Ông, Lệ Cô, Vía Ông, Trùng Cửu…Đây là tiềm năng rất lớn về loại hình du lịch văn hóa- tâm linh của địa phương.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trong giai đoạn tiếp theo, ngành Du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ tập trung vào việc tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, đề án, kế hoạch chi tiết thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch tỉnh như: Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đề án nghiên cứu thị trường khách du lịch; Đề án du lịch thông minh; Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch; Kế hoạch quản lý điểm đến về du lịch…
Các chương trình này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành, đảm bảo tăng trưởng hoạt động của ngành theo Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 17/5/2018.
Từ cơ sở trên, ngành Du lịch Bà Rịa Vũng Tàu quyết tâm nâng tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch trong GRDP toàn tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể: Tổng lượt khách tới tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng trung bình 14%/năm; riêng khách có lưu trú tăng 11-13%/năm (trong đó khách quốc tế tăng trưởng trung bình 13-15%/năm); Tổng thu từ khách du lịch tăng trưởng trung bình 15-20%/năm; Tổng thu từ hoạt động lưu trú tăng trưởng trung bình 17-19%/năm; Tăng thời gian lưu trú của khách từ 1,8 ngày lên 2,2 ngày và tăng chi tiêu bình quân từ 1,9 triệu đồng/người lên 2,54 triệu đồng/người.
Nhằm thực hiện được mục tiêu trên, ngành Du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới khác biệt, có tính lan tỏa và có sức cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và du khách quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; Đa dạng hóa các loại hình du lịch…
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan và đội ngũ cán bộ công chức, người lao động ngành Du lịch, chắc chắn ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ hoàn thành tốt và đạt được kết quả vượt mức những chỉ tiêu đã đề ra, góp phần đưa ngành Du lịch tỉnh phát triển một cách đồng bộ, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.