Phú Yên: Đánh giá DDCI để nghiên cứu các giải pháp nâng cao chỉ số PCI!
Chiều nay 20/2, UBND tỉnh Phú Yên chính thức công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) của tỉnh năm 2019.
Tìm giải pháp từ DDCI…
Hội nghị công bố kết quả đánh giá DDCI, với sự tham gia của ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ công tác về chính phủ điện tử; ông Phạm Đại Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, các Phó Chủ tịch và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã…
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đại Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhấn mạnh: “Cải cách hành chính để tiến tới xây dựng chính quyền minh bạch, hiện đại và hiệu quả là định hướng lớn và là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của UBND tỉnh. Và việc cải cách hành chính của tỉnh chính là sự tổng hợp của cải cách hành chính các sở, ngành và địa phương trong tỉnh”.
Theo ông Dương, với mục tiêu tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các sở, ngành và địa phương trong cải cách hành chính, cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư và doanh nghiệp; tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành; có ý nghĩa làm sáng tỏ các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh; đánh giá chất lượng thực tế điều hành cấp tỉnh, cấp huyện thông qua “tiếng nói” của người dân và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; năm 2018, UBND tỉnh đã triển khai thí điểm việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) và đã tạo ra những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, tiếp nối sự thành công này, năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện đánh gía DDCI với 09 địa phương và 23 sở, ban, ngành trên cơ sở thực hiện khảo sát khoảng 3.200 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Đơn vị tư vấn đã hoàn thiện Báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh Phú Yên năm 2019. Và hôm nay, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) của tỉnh năm 2019.
Về phương hướng và kết quả cuối cùng để đánh giá, ông Dương cho rằng: “Kết quả đánh giá này là cơ sở để các cơ quan, đơn vị tự nhìn nhận, rút kinh nghiệm, chủ động đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời cũng là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh xác định các điểm nghẽn trong công tác chỉ đạo điều hành, qua đó tập trung giải quyết các nút thắt về thể chế, tổ chức cũng như công tác cán bộ kịp thời và hiệu quả; góp phần tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế và tạo động lực đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh Phú Yên trong thời gian tới”.
Đồng thời, trong Hội nghị hôm nay chúng ta cũng sẽ trao đổi về việc xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề mới, còn nhiều lúng trong triển khai thực hiện. Hội nghị hôm nay có sự tham gia của ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ công tác về chính phủ điện tử, sẽ tư vấn, giúp chúng ta làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong nội dung này.
Vì vậy, tại Hội nghị này UBND tỉnh đề nghị các đại biểu dự họp; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thẳng thắn trao đổi, thảo luận về những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập triển khai thực hiện trong thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình để cùng với các chuyên gia, đơn vị tư vấn làm sáng tỏ những vấn đề, cùng quan tâm và có những định hướng, giải pháp tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới – ông Dương đề nghị.
… để đầy lùi những hạn chế…
Theo báo cáo và đánh giá kết quả DDCI tỉnh Phú Yên năm 2019, cho thấy: tổng thể tỉnh có những hạn chế trong cả hai khối tham mưu, quản lý cấp sở ngành và địa phương. Trong khi khối địa phương lộ rõ những hạn chế về cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, thiết chế pháp lý, chi phí thời gian và tiếp cận thông tin, khối Sở, Ban, Ngành có những điểm yếu về “thiết chế pháp lý, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, vai trò người đứng đầu và chi phí thời gian”. Như vậy điểm yếu chung trong cả hai khối là thiết chế pháp lý và chi phí thời gian.
Về mức độ hài lòng khối Sở, Ban, Ngành được đánh giá cao hơn khối địa phương. Trong khối Sở, Ban, Ngành các đơn vị có ít tương tác nhiều với doanh nghiệp được sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, trong khi khối sở ngành tham mưu, phụ trách các nguồn lực tài chính, đất đai, cơ sở hạ tầng được đánh giá ở nhóm xếp cuối. Cụ thể, BQL Khu KT và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) chưa được doanh nghiệp đánh giá cao.
Với khối địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tại 03 địa phương Sơn Hòa, Phú Hòa và Đông Hòa, trong khi Sông Hinh và Tuy An bị đánh giá và xếp ở nhóm cuối.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên: Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư từ những ngày đầu xuân!
11:48, 11/02/2020
“Báo động đỏ” cho môi trường đầu tư tại Phú Yên: UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2020
04:20, 17/02/2020
Các dự án “khủng” vào Việt Nam năm 2019 (Bài 9): 216,7 triệu USD "đổ" vào điện mặt trời tại Phú Yên
09:31, 30/01/2020
“Báo động đỏ” cho môi trường đầu tư tại Phú Yên: "Trên trải thảm, dưới rải đinh"
11:05, 13/01/2020
Chi tiết hơn, DDCI Phú Yên chỉ rõ vai trò và vị trí của từng đơn vị trong mỗi chỉ số thành phần tạo nên sức cạnh tranh chung của tỉnh Phú Yên. Với cách tiếp cận so sánh với điểm trung vị của chỉ số thành phần PCI toàn quốc, các đơn vị và người đọc đều thấy rõ còn rất nhiều đơn vị có điểm tuyệt đối kém hơn mặt bằng chung cả nước. Tình trạng cải thiện chậm chạp của tỉnh Phú Yên những năm qua.
… và góp phần cải thiện PCI
Do đó, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh có 06 khuyến nghị với UBND tỉnh Phú Yên, cụ thể:
Thứ nhất, cần tiếp tục duy trì công bố công khai chỉ sổ DDCI trong những năm tới đây nhằm mục đích tạo sức ép cạnh tranh liên tục và tạo cơ sở dữ liệu đo lường và giám sát chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh và các đơn vị cơ sở theo thời gian.
Thứ hai, đặt mục tiêu toàn tỉnh ngay trong năm 2020 hướng đến đạt và vượt mức trung vị của tất cả các chỉ số thành phần tùy theo điểm xuất phát năm 2019.
Thứ ba, trên cơ sở dữ liệu DDCI Phú Yên 2019 chi tiết, các đơn vị chủ động đặt mục tiêu, xác định hoạt động và lộ trình triển khai cụ thể các hoạt động nhằm cải thiện các lĩnh vực mình phụ trách và tương tác với doanh nghiệp.
Thứ tư, UBND tỉnh Phú Yên đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin truyền thông đến cộng đồng doanh nghiệp về tính hiệu lực, hiệu quả của bộ chỉ số DDCI để doanh nghiệp nắm bắt và đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề để thu hút dầu tư.
Thứ năm, tỉnh Phú Yên yêu cầu có cam kết bằng văn bản của các vị trí đứng đầu các đơn vị trong trách nhiệm cải thiện PCI/DDCI đối với từng lãnh đạo khối Sở ban ngành và địa phương theo từng chỉ số thành phần chưa đạt.
Thứ sáu, những năm tiếp theo, không tiến hành đánh giá DDCI các sở, ban, ngành có ít tương tác với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động như: Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ. Đồng thời chia làm 3 khối để tính điểm gồm: Khối Sở, Ban, Ngành; khối các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh (Cục thuế, Kho bạc, NHNN, Bảo hiểm xã hội, Công an và Chi cục Hải quan) và khối địa phương.