Tiền Giang: Tạo đà cho du lịch cất cánh

Phan Nam 26/06/2020 13:15

Tiền Giang hướng đến mục thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại...

 Hạ tầng du lịch của Tiền Giang đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Hạ tầng du lịch của Tiền Giang đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Tại buổi gặp gỡ cuối tháng 5/2020 giữa lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, các ngành chức năng và hơn 70 đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch, những khó khăn, bất lợi đã được đưa ra để từ đó nhằm tìm giải pháp "tháo gỡ” cho ngành du lịch thời kỳ hậu COVID- 19.

Chủ động vượt khó

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh hiện có 1.266 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, câu lạc bộ du lịch phải tạm dừng hoạt động, lượt khách và doanh thu của ngành du lịch tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, trong quý I-2020, toàn tỉnh chỉ đón hơn 375 ngàn lượt khách, giảm 43% so cùng kỳ; doanh thu đạt 160 tỷ đồng, giảm 50% so cùng kỳ.

Ngay lập tức, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo chính quyền và các ngành chức năng địa phương tham mưu đề xuất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh du lịch sớm ổn định hoạt động ngành nghề này. Cụ thể, trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Công ty Điện lực Tiền Giang hỗ trợ giảm giá điện cho hơn 100 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá du lịch hậu Covid-19; tăng cường liên kết vùng, liên kết với Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội... trong hoạt động du lịch; giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch…

Cùng với sự đồng hành của chính quyền, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở và hộ kinh doanh du lịch ở tỉnh Tiền Giang đã và đang chủ động tự “cứu mình" bằng việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời có chính sách khuyến mãi, giảm giá, phí du lịch xuống từ 30-40%.

Hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch là mục tiêu mà tỉnh Tiền Giang cũng như các công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch đang hướng đến.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ du lịch Sông Tiền, là doanh nghiệp lữ hành, công ty đã có kế hoạch để kích cầu du lịch sau đại dịch. Hiện công ty đã giảm giá các tour du lịch 20% nhưng lượng khách vẫn rất ít. Dù hoạt động du lịch nội địa đã mở cửa trở lại nhưng người dân vẫn còn ngại đi du lịch. Chính vì vậy, công ty mong muốn được tỉnh hỗ trợ về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, để khôi phục hoạt động du lịch, tỉnh cần tăng cường công tác xúc tiến, đặc biệt là thị trường nội địa. Các doanh nghiệp cần cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Ngay sau khi dịch COVID- 19 được khống chế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Phát triển Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang) tổ chức Chương trình Khảo sát kích cầu du lịch tại tỉnh Tiền Giang. Động thái này đã và đang thu hút du khách trong nước đến với Tiền Giang nhiều hơn trong thời gian gần đây.

Đề cập về định hướng thu hút khách quốc tế, Giám đốc Sở Ngoại vụ Tiền Giang Lưu Văn Phi cho rằng, thời gian tới, khi Chính phủ cho mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Sở Ngoại vụ sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện xúc tiến du lịch ở thị trường nước ngoài và mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.

Phát triển bền vững

Mục tiêu Tiền Giang đề ra đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Chúng tôi sẽ rà soát lại các cơ sở di tích văn hóa lịch sử nhằm đánh giá giá trị sử dụng còn lại và mức độ khai thác gắn với du lịch để khai thác và đầu tư định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025. Khi đầu tư các di tích văn hóa lịch sử hoàn thiện sẽ bàn giao về cho cấp huyện (hoặc tỉnh quản lý), nhưng phải kết nối được với các doanh nghiệp du lịch để khai thác du lịch có hiệu quả. Đối với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về chương trình quảng bá, xúc tiến với nội dung cụ thể, tránh trùng lặp…

Phan Nam