Mường Nhé tạo đột phá từ mắc ca

KHẮC LÃNG 03/12/2020 09:00

“Nút thắt” về thủ tục đất đai dự án mắc ca, việc đề xuất trồng rừng mắc ca trên đất trồng chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất sẽ tạo bước đột phá giúp Mường nhé thoát nghèo.

Tại cuộc họp về đề xuất trồng rừng mắc ca trên đất trồng chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất do Sở NN&PTNT chủ trì cùng các sở ngành, đơn  vị liên quan diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện uỷ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, dự án trồng mắc ca tại Mường Nhé, được UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty CP Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc có tổng diện tích 11.156,35 ha, trong đó diện tích dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao là 10.000 ha được triển khai tại 6 xã là Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé, Nậm Vì, Sen Thượng và Sín Thầu.Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên cùng các sở ngành, đơn vi vị tỉnh Điện Biên đi thực địa việc triển khi dự án trồng cây mắc ca tại Mường Nhé việc

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên (đứng thứ hai từ trái sang phải) cùng các sở ngành, cơ quan, đơn vi tỉnh Điện Biên đi thực địa việc triển khai dự án trồng cây mắc ca tại Mường Nhé.

“Nút thắt” thủ tục đất đai

Theo Tờ trình số 1441/TTr-UBND ngày 17/11/2020 của UBND huyện Mường Nhé về đề xuất trổng rừng mắc ca trên đất trồng chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất, từ năm 2018 đến nay Công ty CP Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đã triển khai trồng cây mắc ca được 600 ha trên địa bàn huyện. Việc trồng cây mắc ca đã góp phần thay đổi cơ cấu, phương thức sản xuất nương rẫy truyền thống, người dân được đào tạo ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, tạo nên sản phẩm có giá trị tăng cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng dự án.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Định, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc, vùng dự án được UBND tỉnh phê duyệt có 3.078,99 ha đã có rừng và hơn 8.000 ha là nương đang canh tác thường xuyên của nhân dân trên địa bàn huyện, vì vậy rất khó khăn cho việc góp đất để thực hiện dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao trên địa bàn huyện.

“Trong khi Công ty hiện có 12 cơ sở giống cây mắc ca. Dự kiến tháng 6/2021 công ty có khoảng 1,1 triệu cây giống và số cây giống này chưa có đất trồng…”, ông Định nói.

Công nhân Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Ðiện Biên vận chuyển cây giống phục vụ các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Trung

Công nhân Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Ðiện Biên vận chuyển cây giống phục vụ các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Trung

Phân tích về “nút thắt” việc triển khai dự án mắc ca tại huyện Mường Nhé, ông Hưng cho rằng, hiện nay Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đã triển khai trên 4 xã vùng đồng bào Hà Nhì thuận lợi, bởi người dân Hà Nhì sống định cư, đã có tư liệu sản xuất, có tài sản… 

“Huyện đặc biệt quan tâm đến đồng bào di cư, làm sao để đưa đồng bào di cư ổn định sản xuất là vấn đề đặt ra. Vì thế chúng ta cần rà soát lại toàn bộ diện tích đất của huyện. Sau rà soát, chỗ nào thuận lợi sẽ triển khai trồng mắc ca, chỗ nào còn vướng mắc chúng ta sẽ vận động, tuyên truyền chủ trương…để trồng sau”, ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, thực tế dự án trồng mắc ca tại huyện Mường Nhé được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư với phạm vi nghiên cứu là 11.156,35 ha trước đây chưa có rừng, nhưng khi Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc triển khai thì 3.000 ha/11.156,35 ha đã có rừng, vì vậy công ty chỉ triển khai được trong phạm vi 8.000 ha.

Cơ hội giúp Mường Nhé thoát nghèo

Đánh giá thực trạng đất đai tại Mường Nhé, ông Hưng nói, hiện nay diện tích đất đã trồng chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé là rất lớn (rừng phòng hộ khoảng 14.000 ha, rừng sản xuất 18.000 ha). Phần lớn diện tích này đang được canh tác nương rẫy năng suất thấp, do đất trồng bạc màu không còn khả năng canh tác nương rẫy.

“Diện tích trên nếu không trồng rừng, đất đai sẽ dần bị thoái hoá, bạc màu, mất khả năng phòng hộ. Kinh phí nhà nước hỗ trợ trồng rừng phòng hộ theo Điều 6, Nghị định 75/NĐ-CP là khá cao (Nhà nước cấp kinh phí theo thiết kế - dự toán). Dự toán trồng rừng phòng hộ thay thế hiện nay là 97,5 triệu đồng/ha, đây là lượng vốn đầu tư lớn nên ngân sách khó đảm bảo”, ông Hưng nhấn mạnh.

ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện uỷ huyện Mường Nhé

Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện uỷ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên phát biểu tại cuộc họp

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc cam kết sử dụng toàn bộ kinh phí của Công ty để trồng rừng mắc ca trên diện tích đất trồng chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Đồng thời sử dụng nguồn lao động tại địa phương để triển khai thực hiện dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Ông Hưng dẫn chứng thêm, hiện hộ nghèo Mường Nhé chiếm 62%, nếu khoảng 7.500 hộ, trong phần diện tích 14 nghìn ha này và phần triển khai được khoảng 2 ha/1 lao động/hộ khoảng tức khoảng 5- 6 triệu/tháng… cơ bản giải quyết được tình trạng thoát nghèo. Chưa kể đến việc sau này cây trồng có sản phẩm, giá trị lợi nhuận mắc ca thu được đóng góp lại cho tỉnh… Nếu tính khoảng 14 ha trồng mắc ca sau 6 -7 năm có thu hoạch sẽ tạo nguồn thu cho huyện khá lớn so với hiện nay 1 năm huyện thu khoảng 10 tỷ VNĐ.

ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên chủ trì buổi họp tháo gỡ khó khăn liên quan thủ tục đất đai triển khai dự án mắc ca tại Mường Nhé.

Trước đề xuất của UBND huyện Mường Nhé nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục liên quan đến đất đai của Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho hay, văn bản số 749/TCLN-PTR ngày 21/5/2019 của Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về việc trồng cây mắc ca trên đất quy hoạch rừng phòng hộ đã nêu rõ: Cây mắc ca là cây trồng đa mục đích trong nông nghiệp và thuộc nhóm các loài cây lâm sản ngoài gỗ trong Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Bên cạnh đó, cây mắc ca có đặc điểm sinh thái phù hợp với các tiêu chí chọn loại cây trồng rừng phòng hộ theo Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT.

Ông Hải cũng lưy ý, văn bản của Bộ NN&PTNT mở ra cơ hội để trồng cây mắc ca trên diện tích lớn không riêng gì Mường Nhé mà tất cả các huyện xã nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất chưa có rừng. Tuy nhiên, Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc cần thực hiện đúng Thông tư 29 của Bộ NN&PTNT quy định đối với rừng phòng hộ phải có 400 cây lâm sinh/ha.

Để thực hiện việc trồng mắc ca trên đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất chưa có rừng, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Điện Biên chia sẻ, Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc cần điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở rà soát lại đất trong và ngoài quy hoạch. Đối với diện tích nằm ngoài quy hoạch rừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình để hộ gia đình góp vốn, hoặc đất UBND xã giao cho công ty thuê. Còn trong quy hoạch rừng phòng hộ, hay rừng sản xuất… chưa có rừng chỉ điều chỉnh dự án trồng rừng loại cây theo quy định…

Với những quan điểm trên, các sở ngành, đơn vị liên quan đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép huyện Mường Nhé trồng rừng mắc ca trên đất rừng phòng hộ chưa có rừng, rừng sản xuất chưa có rừng và đất khác chưa có rừng. Đồng thời, giao Công ty CP Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc chủ trì xây dựng kế hoạch cùng Sở NN&PTNT, TN&MT cùng UBND huyện Mường Nhé rà soát lại quỹ đất nêu trên để điều chỉnh dự án. Kết quả rà soát gửi các ngành trước ngày 30/12/2020. Bên cạnh đó, giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, TN&MT, UBND huyện Mường Nhé tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 1038/QĐ-UBND trước ngày 15/01/2021.

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển cây mắc ca, tỉnh Điện Biên đã cho chủ trương đầu tư 5 dự án trồng mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tổng quy mô trồng tập trung trên 17.200 ha. Đến nay, 8/10 địa phương đã trồng mắc ca, tổng diện tích hơn 3.200 ha theo 2 hình thức trồng thuần và trồng xen. Hiện đã có khoảng 8 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng giai đoạn 2015 - 2019 đạt gần 35 tấn. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án và đảm bảo quyền lợi của người dân góp đất trồng mắc ca, tỉnh Điện Biên đã quyết định cơ chế sử dụng đất, chia sẻ lợi ích giữa 2 bên cụ thể, chi tiết và có sự ràng buộc.

Có thể bạn quan tâm

  • Vướng mắc cấp "sổ đỏ" tại Đà Nẵng: Do các cấp có thẩm quyền "không chịu" chỉ đạo?

    14:06, 20/10/2020

  • CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 28/9-3/10: Việt Nam có thể trở thành vương quốc mắc ca?

    05:00, 03/10/2020

  • Việt Nam có thể trở thành vương quốc mắc ca?

    05:00, 30/09/2020

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mắc ca Việt Nam có thể "đi sau, về trước" để đứng đầu

    16:20, 29/09/2020

KHẮC LÃNG