Hồ tiêu - thời vàng son bao giờ trở lại? (Kỳ 3): Đi tìm lời giải
Nằm trong vòng xoáy đi xuống của cây tiêu, những sự lựa chọn sản xuất bền vững của nhiều nông dân đã giúp họ trụ lại trong cơn đại họa.
Ông Lê Hồng Nam ở xã Gào thành phố Pleiku được biết đến là một nông dân sản xuất giỏi của thành phố. Trú tại thôn 6 xã Gào, ông Lê Hồng Nam trồng gần 10 héc ta cà phê xen canh với tiêu. Mỗi lần chăm sóc cà phê cũng là đợt chăm sóc cây tiêu. Đồng thời được cà phê che nắng gốc nên số đợt tưới cho tiêu thường luôn trùng với cây cà phê. Nhờ đó mà gia đình anh tiết giảm được một số chi phí phát sinh cho việc trồng cây tiêu đơn canh. Mỗi năm ước nguồn thu từ hai loại cây trên lên đến vài tỷ đồng.
Khác với mô hình của ông Hùng, mô hình của ông Phạm Phụng ở xã Biển Hồ thành phố Pleiku là hơn 1 ngàn trụ tiêu xen canh với 300 cây sầu riêng hữu cơ. Với mô hình này, ông Phạm Phụng cũng tiết giảm được nhiều chi phí đầu tư đơn canh như cây tiêu trước đây. Đến với cây tiêu từ những năm 2000, ông Phụng luôn chú trọng đến hiệu quả của cây tiêu. Rất nhiều lần, ông Phụng đã tự mình thử nghiệm các cách trồng tiêu khác nhau để rồi ông đi đến mô hình trồng tiêu xen canh sầu riêng hữu cơ.
Mặc dù từ giai đoạn 2016 đến 2020 là gia đoạn tiêu mất giá thê thảm. Nhưng gia đình ông Phụng lại vẫn cứ có tiêu thu để bán mà vẫn có lời. Chia sẻ về thành quả của mình, ông Phạm Phụng trú tại xã Biển Hồ thành phố Pleiku cho biết “làm tiêu hữu cơ thạnh sự rất nhàn, ít tốn công, tiền đầu tư mà hiệu quả lại cao. Sản phẩm của mình làm hữu cơ, còn được rất nhiều đại lý, đến đặt mua trước. Giá thì cũng nhích hơn so với tiêu truyền thống vài ngàn một ký. Vừa nhàn, mà giá lại hơn tại sao mình không làm.”
Chuyện trồng cây nông nghiệp hữu cơ cũng đang được Hội nông dân tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trước làn sóng mới của người dân quay lại với cây tiêu, ông Nguyễn Minh Trưởng - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh đưa ra lời khuyên đối với Nông dân: Không sản xuất ngoài quy hoạch, không trồng những vùng đất không phù hợp theo khuyến cáo của các ngành. Chọn giống đảm bảo và áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tích cực tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết như: Tổ hợp tác, HTX, Nông Hội, các Chi hội nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp của nông dân. Tận dụng những diện tích tiêu chết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp như cây ăn quả, rau, hoa, cây dược liệu (theo tinh thần NQ 09, NQ 10 của Đảng bộ tỉnh, khoá XV).
“Xu thế hiện nay việc liên kết sản xuất là tất yếu. Sản xuất theo hướng an toàn, theo hướng hữu cơ là hướng đi đúng. Đồng thời nên đa dạng hoá các sản phẩm đầu ra của Tiêu như: Tiêu ngũ sắc, Tiêu đỏ, Tiêu sọ, tiêu chín tiêu xanh hiện nay cũng là một giải pháp đảm bảo đầu ra vì cầu lớn hơn cung.” ông Nguyễn Minh Trưởng nhận xét thêm.
Chứng minh sớm cho lối đi nông nghiệp hữu cơ, một số hợp tác xã đã và đang là minh chứng sống động cho điều này như: HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang ( Đăk Đoa); HTX Hoài Trương ( Chư Sê).... Là người gắn bó với cây tiêu lâu năm, kinh nghiệm chăm sóc 3500 trụ tiêu hữu cơ đã cho ông Nguyễn Tấn Công cơ hội thoát khỏi vòng xoáy trượt giá của tiêu. Nhẩm tính khi trao đổi với phóng viên, ông Công giá đầu tư chăm sóc cho 1 trụ tiêu hữu cơ chưa đến 10 ngàn đồng. Chi phí ít, nên năm nào gia đình ông cũng thu lời số tiền hàng trăm triệu.
Chia sẻ bí quyết của mình, ông Nguyễn Tấn Công – Chủ tịch HĐQT HTX NN & DV Nam Yang, đơn vị sở hữu bộ ba sản phẩm OCOP thương hiệu Tiêu Lệ Chí đạt 4 sao đưa ra lời khuyên cho người nông dân lúc này là “Chuyển hướng sản xuất hồ tiêu sang đa canh, xen canh, tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích, hạn chế sâu bệnh, chi phí sản xuất thấp, đồng thời định hướng sản xuất an toàn định hướng hữu cơ, nông sản sạch”.
Có thể bạn quan tâm