Bà Rịa – Vũng Tàu: Đẩy mạnh chuyển đổi số
Với mục tiêu vào Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, phát triển đô thị thông minh, tỉnh BR-VT huy động sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và DN, người dân trong triển khai CĐS.
Với mục tiêu đưa BR-VT trở thành đô thị thông minh, tự tin gia nhập Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ CĐS, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, tỉnh định hướng đến năm 2025 kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 10%; năng suất lao động hàng năm tăng trên 7%.
Tự tin - sẵn sàng - đột phá
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT khẳng định, tỉnh có niềm tin để cam kết thực hiện CĐS thành công và cũng đã đặt ra các bước đột phá. Tỉnh sẽ đồng lòng để tạo dựng mục tiêu mà Trung ương, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra, đó là xây chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm của CĐS. Trong đó, cốt lõi là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh và thực thi công vụ một cách công khai minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và tương tác chính quyền dễ dàng hơn.
Đứng trước thời cơ, thách thức trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ thực tế quá trình triển khai thực hiện, BR-VT luôn trăn trở làm sao để chuyển động thật nhanh, có những bước đi vững chắc, đồng bộ, sẵn sàng thích ứng.
Với mục tiêu top 10 về mức độ CĐS, tỉnh BR-VT đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS tỉnh. Tỉnh có kế hoạch đề ra 17 chỉ tiêu ở nhóm chính quyền số, 8 chỉ tiêu ở nhóm kinh tế số, 14 chỉ tiêu ở nhóm xã hội số và 7 chỉ tiêu nhóm an toàn, an ninh mạng. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở TTTT khẩn trương phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu thành lập 03 Tổ dữ liệu do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để theo dõi, phân tích, đánh giá, chọn lọc dữ liệu tại IOC tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phát triển KT-XH của tỉnh.
Kết quả nổi bật
Ông Đỗ Hữu Hiền - Giám đốc Sở TTTT khẳng định công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đạt được những thành tựu nổi bật, qua 02 năm quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh.
Về chính quyền số, BR-VT là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số trên nền tảng di động vào cổng dịch vụ công của tỉnh. Một số kết quả cụ thể như: đã liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa 4 cấp hành chính, 100% cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; các cuộc họp của UBND tỉnh với bộ ngành TW và với các địa phương thuộc tỉnh đều tổ chức trực tuyến; 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 97% hồ sơ TTHC nộp trực tuyến được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 tỉnh BR-VT xếp thứ 6 cả nước với 87,47%, tăng 10 bậc so với năm 2021 và dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ.
Ở các cấp địa phương, thời gian qua, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về CĐS trên cả 3 lĩnh vực. Đến nay, các phường, xã, thị trấn đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo CĐS và ban hành kế hoạch thực hiện, triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước và viễn thông đạt 50%. Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại tất cả các khu phố, ấp để đưa công nghệ số, kỹ năng số đến gần người dân hơn.
Kinh tế số đã từng bước được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình, bước đầu triển khai tiêu thụ sản phẩm lên không gian số, sàn thương mại điện tử, từ giới hạn trong toàn tỉnh ra quy mô quốc gia và thậm chí quốc tế.
Tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2023, tỷ trọng kinh tế số chiếm 17% GRDP; 80% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản gian hàng trên sàn thương mại điện tử; 100% sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và Postmart; duy trì tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; DNNVV sử dụng hợp đồng lao động điện tử đạt trên 50%; tỷ lệ DNNVV tiếp cận, thử nghiệm, sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; DNNVV sử dụng tên miền.vn đạt tỷ lệ 50%.
Tỉnh khuyến khích phát triển hạ tầng xã hội số, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 10 trạm mạng 5G; 98,3% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 97,7% người dân có điện thoại thông minh; 82,52% người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch ngân hàng; 21,32% người dân có định danh điện tử; ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm IOC cùng với Trợ lý ảo, ứng dụng phản ánh hiện trường;…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, thành phố thông minh, qua đó tạo nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm đầu tư vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
17:20, 08/07/2022
Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy hoạch hơn 2.040ha tại Long Hải thành đô thị du lịch vào năm 2030
14:25, 09/12/2021
VCCI hợp tác Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ doanh nghiệp
16:00, 15/09/2021
.