5 câu hỏi trong một buổi hội thảo kinh doanh mà ít nhà quản lý chú ý tới
Việc chuẩn bị để gây ấn tượng với khách hàng sẽ tốt hơn là khiến khách hàng thất vọng, nhưng đôi khi vì quá mải mê với những điều quan trọng, những người quản lý doanh ngiệp lại bỏ quên mất một số vấn đề quan trọng.
Một công ty chuẩn bị cho một buổi hội thảo kinh doanh như thể chuẩn bị lực lượng cho một cuộc tổng tiến công. Vị lãnh đạo công ty yêu cầu một đội ngũ nhân viên hùng hậu thực hiện nghiên cứu, tổng hợp báo cáo, chuẩn bị biểu đồ và file trình chiếu ấn tượng. Nhân viên hối hả, tất bật, thậm chí hục hặc với nhau vì không hiểu công việc của nhau, trong lòng khấp khởi hy vọng với công sức miệt mài ngày đêm như thế, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công mỹ mãn.
Tất nhiên việc chuẩn bị để gây ấn tượng với khách hàng sẽ tốt hơn là khiến khách hàng thất vọng, nhưng đôi khi vì quá mải mê với những điều quan trọng, những người quản lý doanh ngiệp lại bỏ quên mất một số vấn đề sau:
1. Vì sao chúng ta thực hiện thương vụ này?
Đôi khi, chúng ta thực hiện một thương vụ chưa chắc đã là vì mục tiêu lợi nhuận. Đó có thể là vì:
(a) Thương vụ đó có tầm quan trọng như một biện pháp phòng thủ, ngăn chặn sự cạnh tranh trong giao dịch với khách hàng.
(b) Trong chiến lược hoạch định cho tương lai, vì mục tiêu phát triển lâu dài, nhiều khi chúng ta phải biết chấp nhận thua lỗ.
(c) Thương vụ đó có thể xem như bước tạo dựng niềm tin để chúng ta bước vào một lĩnh vực mới.
2. Đề xuất của chúng ta có đủ súc tích không?
Có câu chuyện khá nổi tiếng về một vị quản lý, khi cộng sự đưa cho ông một quyển sách dày 8 cm với những con số và biểu đồ, ông ném ngay vào thùng rác và nói: "Cậu hãy quay trở lại khi cậu hiểu mình đang nói gì". Nếu có những ý tưởng hay, bạn không cần phải dùng đến biểu đồ hay bất kỳ dụng cụ hỗ trợ hình ảnh nào để tiếp thị. Nếu chỉ mang đến ý tưởng tồi thì dù cố gắng thế nào, bạn cũng khó có thể cải thiện được tình hình.
3. Những câu hỏi mong đợi
Khách hàng luôn có những câu hỏi khiến doanh nhân mất cảnh giác. Ví dụ: khi tiếp thị bản quyền phát sóng một sự kiện thể thao, chúng ta không nên quá bất ngờ khi nhà tài trợ muốn biết múi giờ phát sóng trực tiếp của chương trình đó ở Australia. Lúng túng hoặc đưa ra câu trả lời sai vô tình làm bạn mất điểm. Sau nhiều năm làm trong ngành tiếp thị sự kiện thể thao, tất nhiên bạn sẽ rút ra kinh nghiệm rồi sẽ gây được ấn tượng tốt hơn khi chuẩn bị danh sách múi giờ của tất cả các quốc gia trên thế giới.
4. Thời hạn thanh toán?
Việc kinh doanh của chúng ta có thể thua lỗ nếu không tính toán chính xác thời hạn thanh toán.
Nếu chúng tôi đồng ý tổ chức một cuộc thi tennis trong vòng 12 tháng với khoản tiền 100.000 đô-la cộng thêm chi phí 75.000 đô-la, chúng tôi không muốn phải chịu thêm chi phí cho việc dàn cảnh tổ chức sự kiện đó trong 12 tháng. Vì vậy, chúng tôi sẽ ưu tiên cho phương án thanh toán theo quý và giải quyết các chi phí theo phương thức cuốn chiếu.
Bạn không thể coi nhẹ tầm quan trọng của tiền mặt. Thời điểm bạn nhận thanh toán thật sự quan trọng đối với quá trình kinh doanh.
5. Bạn đã thiết lập một kênh giao tiếp và phân quyền rõ ràng chưa?
Sau khi bạn đàm phán giao dịch với một khách hàng, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là một người nào đó từ công ty bạn gọi điện cho cấp quản lý của khách hàng đề cập đến vấn đề triển khai giao dịch.
Đối phương sẽ vô cùng bối rối khi không hiểu nổi người gọi cho mình là ai và có quyền hạn gì. Chính vì thế, bạn đừng ngạc nhiên hay bất ngờ khi ngay sau đó vị khách hàng kia gọi đến cho bạn và yêu cầu lời giải thích cho tình huống này.
Đôi khi, các mối quan hệ kinh doanh thất bại chỉ vì những hiểu lầm như thế. Vấn đề ở đây không đơn thuần là người ngang hàng nhau sẽ làm việc với nhau, mà đó là vấn đề nguyên tắc xã giao và sự tôn trọng đối với hệ thống phân quyền. Để một giao dịch kinh doanh thành công tốt đẹp, các bên phải thiết lập mạng lưới báo cáo trong đó thể hiện rõ ai sẽ là người báo cáo cho ai. Sự xác lập rõ ràng này sẽ tránh được những quyết định sai lầm hay ảnh hưởng đến lòng tự trọng.
Theo Trí Thức Trẻ