Phục vụ nhân viên, tại sao không?
Quản trị là… phục vụ. Khái niệm này có lẽ còn xa lạ với nhiều nhà quản trị và càng xa vời hơn đối với giới làm công ăn lương.
Bên cạnh việc giám sát, đánh giá, đốc thúc nhân viên làm việc, một chức năng khác của công việc quản trị là phục vụ cho công việc của nhân viên được trôi chảy và hỗ trợ cho sự thành công của nhân viên.
Khi nhân viên không hoàn thành tốt công việc, một nhà quản trị tầm thường sẽ cho rằng nguyên nhân là do năng lực của nhân viên đó không tốt. Trái lại, một nhà quản trị có tâm, có tầm sẽ chú trọng đến khó khăn mà nhân viên gặp phải trong công việc.
Đó có thể là những yếu tố thuộc cá nhân nhân viên, ví dụ năng lực bị hạn chế, cũng có thể là những yếu tố khác như đời sống tình cảm, hoàn cảnh gia đình… hay những yếu tố xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp và bản thân nhà quản trị (cơ chế điều hành không hiệu quả, cung cách cư xử của cấp trên chưa tốt, môi trường văn hóa doanh nghiệp không lành mạnh, điều kiện làm việc không thuận tiện, kế hoạch được phân bổ cũng có vấn đề…).
Phục vụ nhân viên
Nếu có cái nhìn đa chiều về nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả, nhà quản trị có thể sẽ chỉ phải tập trung giải quyết một nguyên nhân đơn giản thay vì tốn nhiều công sức cho việc thay thế nhân viên. Bên cạnh đó, nếu nhìn nhận khách quan hơn, giới chủ và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có thể tạo được hiệu quả sâu rộng hơn vì đem lại một môi trường làm việc tốt hơn cho cả hệ thống nhân sự.
Ví dụ, một mẫu biểu báo cáo chuyên nghiệp, chạy tự động nhờ ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp nhân viên có động lực làm việc tốt hơn, tự đánh giá và phấn đấu làm việc tốt hơn, tốn ít thời gian làm báo cáo hơn mà vẫn đảm bảo được hiệu quả theo dõi tiến độ công việc của nhà quản lý.
Ngược lại, yêu cầu nhân viên làm báo cáo quá chi tiết, rườm rà theo cách thủ công sẽ khiến nhân viên tốn nhiều thời gian cho việc báo cáo, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Tương tự, nếu nhà quản trị tổ chức công việc theo một quy trình được hợp lý hóa cụ thể thì sẽ giúp các nhân viên, nhất là nhân viên mới, dễ dàng nắm bắt các yêu cầu, nhiệm vụ trong toàn bộ guồng máy sản xuất để phối hợp với nhau tốt hơn.
Phục vụ nhân viên
Tâm thế phục vụ cấp dưới là điều khá đối lập với cái tôi vốn góp phần làm nên “máu” lãnh đạo của các nhà quản trị. Vì vậy, đòi hỏi nhà quản trị phải phục vụ nhân viên của mình là điều dễ không thực hiện. Một số nhà quản trị thường có khuynh hướng áp đặt người khác theo “luật chơi” của riêng mình, hay cụ thể hơn là theo những điều họ tin là hợp lý, đúng đắn mà dĩ nhiên người khác cần phải nghe theo. Trong khi đó, không mấy ai thấy dễ chịu khi bị áp đặt theo quy tắc của người khác, nhất là khi không hiểu được nguyên nhân, nên các nhân viên có thể phản ứng, không tuân theo điều mà nhà quản trị đã đề ra.
Bỏ công sức giải thích cặn kẽ về những quy tắc của mình, biến nó thành giá trị hữu ích đối với những người tham gia, nhà quản lý sẽ thu phục được nhân tâm dễ dàng hơn, gặt hái được kết quả tốt đẹp hơn. Đó cũng là một cách phục vụ của nhà quản lý. Góp phần đem lại những giá trị lợi ích cho các nhân viên của mình, chẳng hạn kiến thức, kinh nghiệm sống và làm việc, kỹ năng thao tác hoặc hỗ trợ, giúp đỡ đúng lúc cần thiết là cách để lãnh đạo tốt hơn.
Phục vụ nhân viên
Thế nhưng liệu các nhà quản trị có thời gian và tâm huyết để làm điều này không? Câu trả lời là phần lớn trách nhiệm lại nằm ở trên vai… giới chủ. Sợi dây đàn căng hay chùng trước hết phụ thuộc vào người lên dây đàn. Một môi trường làm việc có đủ “độ chùng” vừa phải để đàn phát ra được những âm thanh hay đòi hỏi nhiều ở kỹ năng tổ chức cũng như cái tâm, cái tầm người dẫn đầu.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một câu, đại ý là đi để mà đi, không phải đi để mà đến để ngụ ý rằng người ta phải ý tứ trong từng bước chân, quý trọng từng phút giây thực tại của chuyến đi, chứ không phải chỉ biết đeo đuổi mục đích xa xôi thì mỗi bước chân mới vững chãi, cuộc hành trình mới an toàn.