Điều chỉnh giờ làm thêm, tăng sức cạnh tranh về lao động

Theo DNSG 10/08/2019 04:06

Quy định giờ làm thêm thấp ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác. Đó là ý kiến của một số Hiệp hội doanh nghiệp khi góp ý về Bộ luật Lao động sửa đổi.

Theo Bộ luật Lao động hiện hành, số giờ làm thêm tối đa của người lao động được quy định là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh).

Hiện nay, Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt, tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Nêu ý kiến xung quanh vấn đề làm thêm giờ của người lao động, trao đổi với PV Doanh Nhân Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Tri Thắng - Chủ tịch Hệ thống Luật Nam Hà cho biết, hiện nay so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Campuchia, Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa, Indonesia là 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng; Thái Lan 36 giờ/tuần...). Như vậy, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của người lao động ở Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Thắng, quy định này có thể được xem như cởi trói cho một số doanh nghiệp thường xuyên phải sản xuất các đơn hàng theo thời vụ, mùa vụ. Tuy nhiên, tùy vào đặc thù ngành nghề, loại hình doanh nghiệp, vị trí nhà máy mà nhu cầu tăng giờ làm thêm của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau. Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp ngành nghề không có nhu cầu tăng giờ làm thêm. Do đó, theo Luật sư Nguyễn Tri Thắng, việc quy định giờ làm thêm cần có lộ trình, lấy ý kiến đầy đủ các Hiệp hội doanh nghiệp, người lao động và nên có khảo sát từ nhiều tổ chức trước khi ban hành.

Trước đó, 7 Hiệp hội bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cùng có kiến nghị đối với nhiều vấn đề liên quan đến những quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.

Theo 7 Hiệp hội, tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam như các nước trong khối ASEAN.

“Quy định giờ làm thêm thấp ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác. Tình hình tuyển dụng hết sức khó khăn, thậm chí các doanh nghiệp còn phải thường xuyên đi đến các tỉnh xa để tuyển dụng mà vẫn không tuyển đủ lao động làm việc cho mình và tình trạng nghỉ việc tràn lan của người lao động như hiện nay buộc các doanh nghiệp phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất”, ý kiến của 7 Hiệp hội cho hay.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị tăng mức giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường). Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng... và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.

Theo DNSG