Xây dựng phát triển thương hiệu: Đừng chỉ gắn “mác” bên ngoài
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội và thách thức đối với việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp.
Qua hơn ba thập kỷ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi tầm vóc và diện mạo của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thương hiệu từng vang bóng một thời lại biến mất do những thăng trầm của biến đổi kinh tế.
“Xây nhà từ móng”
Thực tế, công nghệ 4.0 phát triển chính là sự hỗ trợ cho kết nối doanh nghiệp và khách hàng. Muốn có thương hiệu mạnh thì phải gắn sự sáng tạo và công nghệ với kết nối, tương tác cùng khách hàng. Công nghệ là chất xúc tác hết sức mạnh mẽ cho khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo dựng và lan tỏa thương hiệu.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, muốn có thương hiệu mạnh thì phải xây nhà từ móng, gắn vào sự sáng tạo và công nghệ, doanh nghiệp cần phải có sự kết nối, tương tác với khách hàng. Vấn đề ở đây là câu chuyện chính sách. Đằng sau những thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện của doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường hội nhập, khu vực đầu tư nước ngoài, nhất là FDI có thể đóng vài trò rất quan trọng, song nhìn về dài hạn, sự phát triển không thể bền vững. Sẽ không có một khu vực kinh tế tư nhân năng động cũng như các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nếu thiếu sự phát triển lành mạnh của SMEs và startups.
Chính SMEs là khu vực đóng góp lớn nhất cho cạnh tranh trên thị trường, nếu không có sự cạnh tranh thì sẽ không còn thị trường. Họ là khơi nguồn của hoạt động kinh doanh.
"Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo dựng một khuôn khổ pháp lý thích hợp cùng sự quyết liệt của thực thi. Đặc biệt là liên quan đến sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh công nghệ, là trọng tâm cần ưu tiên. Công nghệ là chất xúc tác hết sức mạnh mẽ cho khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo", ông Võ Trí Thành nhận định.
Là một trong những thương hiệu nước giải khát hàng đầu Việt Nam, bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, "từ những ngày đầu, Tân Hiệp Phát xác định phải đi theo thị trường ngách, bởi rất khó cạnh tranh sản phẩm đồ uống có ga với các tập đoàn nước ngoài. Chúng tôi thay vào đó, đi theo sản phẩm nước giải khát tốt cho sức khoẻ. Trước đây 10 năm, khi Tân Hiệp Phát tuyên bố đầu tư 300 triệu USD dây chuyền vào công nghệ hiện đại nhất thế giới thì nhiều người tỏ ý không tin".
Tuy nhiên, theo bà, Tân Hiệp Phát đã chứng minh bằng hành động và thành công của Tân Hiệp Phát ngày hôm nay cho thấy bước đi đúng đắn của Tân Hiệp Phát một thập kỷ trước. Chất lượng chính là nền tảng và giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát, khi sản phẩm của chúng tôi không có chất bảo quản song vẫn có thể giữ được 12 tháng, giúp tạo ra sự vượt trội, bên cạnh sự đa dạng trong cơ cấu sản phẩm.
Dù đóng vai trò rất lớn, song theo bà, nếu chỉ phụ thuộc vào máy móc, công nghệ thì chưa đủ, mà phải là quản trị, là kiểm soát được quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, mà để làm chủ được cần phải có yếu tố con người mang tư duy sáng tạo, đột phá.
"Hiện nay, Tân Hiệp Phát đang áp dụng các quy chuẩn đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến hàng đầu, và chúng tôi khao khát với đội ngũ nhân sự chất lượng cao, Tân Hiệp Phát có thể là thương hiệu và doanh nghiệp Việt vững mạnh suốt hàng trăm năm" - bà Trần Uyên Phương nói.
Đề cao trải nghiệm của khách hàng
Theo ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông LeBros, thế giới đang hướng tới thế hệ Marketing 4.0, khi các thương hiệu hướng tới tính nhân bản, biến thương hiệu thành một con người, hướng tới mối quan hệ, ứng xử nhân văn với từng khách hàng.
Theo ông Vinh, ngày nay làm thương hiệu được định nghĩa là thổi hồn cho một thương hiệu, biến nó thành một con người thực thể, có tích cách, có nhân cách, và có khả năng giao tiếp, kiến tạo những mối quan hệ với khách hàng, đối tượng liên quan, để trở thành một con người được yêu thương, tôn trọng và có ảnh hưởng đến nhóm đối tượng mục tiêu.
Là một trong những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trong nhiều lĩnh vực từ dịch vụ đến bất động sản, ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cho biết, thương hiệu là những gì mà khách hàng nghĩ về doanh nghiệp, đó không chỉ là những logo. Thương hiệu phát triển qua sản phẩm, qua sự tiếp xúc với nhân viên của doanh nghiệp.
Đơn cử như Vingroup xây lên những căn nhà, thực ra cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác thực hiện. “Nhưng tại Vinhomes, chúng tôi tập trung vào việc thương hiệu được tạo dựng từ trải nghiệm của khách hàng. Khi khách hàng cảm thấy được đây là một nơi ở tốt, tốt từ những tiện nghi, từ những người phục vụ, lao công cho đến bảo vệ, trông xe. Dịch vụ tốt, trải nghiệm tốt giúp thương hiệu của doanh nghiệp được khách hàng đánh giá cao” – ông Hiệp chia sẻ.
Các chuyên gia khẳng định thương hiệu mạnh khác rất nhiều so với thương hiệu to vì thông qua các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, đơn giản vì thứ để chinh phục được khách hàng là trải nghiệm sản phẩm chứ không chỉ riêng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sinh ra là để cung cấp sản phẩm dịch vụ nào đó, để tồn tại phải được khách hàng công nhận. Doanh nghiệp cần chăm lo đến chất lượng sản phẩm và hệ thống quản trị thay vì chỉ gắn “mác” bên ngoài, từ chất lượng và quản trị chất lượng tốt sẽ xây dựng nên thương hiệu.