Các giải pháp khôi phục doanh nghiệp hậu COVID-19

Theo Viện Lãnh đạo Chiến lược 08/05/2020 13:19

Dịch Covid-19 như một siêu bão tràn qua, để lại những hậu quả nặng nề và vẫn còn tiếp tục tàn phá sức chịu đựng của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội thì cũng là lúc các doanh nghiệp bắt tay vào chuẩn bị khôi phục lại hoạt động. Sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào? Đó là câu hỏi đặt ra với nhiều doanh nghiệp trước bối cảnh chưa thể đánh giá hết được những tác động của đại dịch này và cũng không thể đoán định được thế giới sẽ thay đổi ra sao sau đại dịch.  Một số biện pháp sau đây để các doanh nghiệp chuẩn bị khởi động lại khi cơn đại dịch đi qua:

Khi Chính phủ vẫn yêu cầu giãn cách hoặc nới lỏng giãn cách xã hội

Tìm hiểu và đăng ký các chương trình tài trợ của Chính phủ

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đã xem xét và đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ để giúp đỡ các doanh nghiệp. Cụ thể, các gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay rút ngắn thời gian xét duyệt vay vốn,… có thể trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Mặc dù chỉ mang tính ngắn hạn, các giải pháp này là rất thiết thực và cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và chuẩn bị cho việc đối phó với những thách thức còn khốc liệt hơn ở phía trước khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái.

Xây dựng lại kế hoạch đầu tư và chi tiêu dựa trên tình hình mới

Sau dịch bệnh, mọi yếu tố của môi trường kinh doanh đều ít nhiều bị tác động và thay đổi; do vậy, xây dựng kế hoạch mới thực sự là việc nên làm. Doanh nghiệp cần xem xét lại ngân sách và cắt giảm những khoản chi không cần thiết, sau đó lên phương án chi tiêu cụ thể trong một khoảng thời gian xác đinh (ít nhất trong 3 tháng). Đồng thời, việc triển khai cần được đánh giá định kỳ để đảm bảo rằng doanh nghiệp đang đi đúng hướng. Một kế hoạch phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp quản lý chi tiêu và hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh khó khăn do tác động của bệnh dịch

Chủ động liên lạc và trao đổi với các đối tác, khách hàng để giữ liên hệ và hỗ trợ nhau nếu có thể

Mặc dù hoạt động kinh doanh có thể đang bị gián đoạn, doanh nghiệp vẫn nên giữ liên lạc và dành sự quan tâm đối với các đối tác cũng như khách hàng của mình. Sự giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp và do đó mang lại lợi thế cho doanh nghiệp khi dịch bệnh qua đi.

Tiến hành các hoạt động marketing online để xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp và củng cố gắn kết với khách hàng

Dưới tác động của dịch bệnh, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, tuy nhiên đây lại là khoảng thời gian thích hợp để tăng cường tiếp cận với khách hàng trên nền tảng trực tuyến. Xây dựng các kênh quảng cáo, cải thiện nội dung trang website hay fanpage,… là một số giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp củng cố hình ảnh đồng thời mở rộng tập khách hàng của mình.

Khi Chính phủ đã cho phép xã hội hoạt động trở lại bình thường

Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để khởi động lại

Phân tích về điều kiện: Doanh nghiệp cần xác định những thay đổi của môi trường kinh doanh và năng lực của mình để có thể đánh giá chính xác điểm mạnh, điểm yếu cũng như những thời cơ - thách thức từ bên ngoài. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng các kịnh bản và kế hoạch hành động tương ứng.

Sự chuẩn bị về nguồn lực: Doanh nghiệp cần đảm bảo sẵn sàng về chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực và đặc biệt là chuẩn bị cho các hoạt động tiếp thị, bán hàng. Cần lưu ý là Đại dịch đã làm thay đổi xã hội và do đó nhu cầu của thị trường cũng không còn giống trước đây nữa. Thay vì cho rằng khách hàng sẽ tự động quay trở lại, doanh nghiệp nên tìm hiểu về nhu cầu của họ và xây dựng kế hoạch tiếp thị mới phù hợp hơn.

Xác định thời điểm: Doanh nghiệp chỉ có thể bắt tay vào khôi phục lại kinh doanh khi đã có định hướng rõ ràng và hợp lý bởi một kế hoạch không phù hợp có thể gây phản tác dụng. Thêm vào đó, sau mỗi bước triển khai, doanh nghiệp nên đánh giá lại hiệu quả rồi mới tiếp tục bước tiếp theo. Thông thường, mỗi doanh nghiệp sẽ có một kế hoạch riêng, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù.

Hãy triển khai các hoạt động trực tuyến trước

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động của mình dựa trên nền tảng trực tuyến. Ví dụ doanh nghiệp có thể xây dựng và phổ biến qua internet để toàn bộ nhân viên hiểu về chiến lược, định hướng, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới đảm bảo rằng mỗi nhân viên đều nhận thức và hiểu rõ nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể nhân thời điểm dịch bệnh, đào tạo và huấn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn và tính kỷ luật của đội ngũ nhân viên.

Vẫn phải đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh

Mặc dù Covid 19 đã dần được kiểm soát, doanh nghiệp vẫn nên hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Cần có các giải pháp để đảm bảo an toàn về môi trường làm việc, yêu cầu nhân viên, đối tác khi đến làm việc tuân thủ những quy định để phòng dịch như: đeo khẩu trang, khoảng cách an toàn khi giao tiếp, chia làm việc theo ca, hạn chế hội họp trực tiếp …

Tăng cường vai trò của người lãnh đạo

Khôi phục lại kinh doanh sau đại dịch là đối diện với những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự vững vàng và sáng suốt của người lãnh đạo. Toàn thể công ty sẽ trông đợi vào sự lèo lái của người lãnh đạo: công ty sẽ là một tập thể hoang mang hay đoàn kết là phụ thuộc ở người lãnh đạo. Người lãnh đạo bằng sự lý trí và khách quan chỉ ra cho nhân viên thấy được những khó khăn nhưng biết khuyến khích nhân viên vượt qua những khó khăn ấy. Người lãnh đạo cần truyền cảm hứng cho nhân viên để họ sẵn lòng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo Viện Lãnh đạo Chiến lược