Đổ tiền 'chạy ad', doanh nghiệp thời trang vẫn ế ẩm
Mức độ trung thành của khách hàng bây giờ rất thấp, thấy phù hợp là họ mua chứ không phải yêu thích thương hiệu
Sức mua suy giảm mạnh vì dịch Covid, các doanh nghiệp thời trang phải liên tục khuyến mãi, đua nhau chạy "ad" (quảng cáo) trên các mạng xã hội để mong khách hàng “móc hầu bao” giữa thời khốn khó. Nhưng, mọi thứ vẫn rất khó khăn.
Giá quảng cáo tăng cao
“Mức độ trung thành của khách hàng bây giờ rất thấp, thấy phù hợp là họ mua chứ không phải yêu thích thương hiệu. Nếu mình không xuất hiện trước mắt họ, không nhắc họ thì sẽ mất họ. Thực tế này buộc các doanh nghiệp phải quảng cáo trường kỳ”, bà Cổ Huệ Anh, người đại diện Công ty cổ phần Hnoss, sở hữu thương hiệu thời trang văn phòng cùng tên, cho biết. Và lẽ đương nhiên, quảng cáo trên các mạng xã hội, trong đó Facebook là kênh được các doanh nghiệp đổ tiền nhiều nhất hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, theo ông Lê Viết Thanh, Tổng giám đốc chuỗi hàng thời trang văn phòng K&K, khi cả thị trường không bán được hàng dưới tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang phải đổ dồn vào quảng cáo trên Facebook, mong người tiêu dùng nhìn thấy mình, thấy chương trình giảm giá của mình để “móc hầu bao”. Nhu cầu tăng khiến giá quảng cáo bị đẩy lên khá mạnh.
“So với cùng kỳ năm ngoái, giá quảng cáo trên Facebook đã tăng 20 - 30%. Có những đợt như cao điểm khuyến mãi như dịp nghỉ lễ, giá còn tăng mạnh nữa”, ông Thanh cho biết.
Ông Thanh tính toán, ở thời điểm nhà nhà quảng cáo như hiện nay, để có thể tiếp cận một khách hàng mới và có được đơn hàng đầu tiên trị giá từ 700.000 đến 800.000 đồng thì doanh nghiệp phải chi đâu đó 200.000 – 300.000 đồng cho quảng cáo, tức tiền quảng cáo đã chiếm 30 - 40% giá trị đơn hàng.
Đã vậy, sản phẩm lại còn phải khuyến mãi, giảm giá thì mới thu hút được khách hàng. Vì vậy, sau tất cả, doanh nghiệp nếu chấp nhận “chơi” cuộc chơi này thì sẽ không còn lợi nhuận, thậm chí lỗ trên từng sản phẩm bán ra.
Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần May Sơn Việt, cho biết các doanh nghiệp đang ở tình thế “no choice” (không còn sự lựa chọn) với việc bán hàng trên kênh trực tuyến (online). Việc mọi người, từ doanh nghiệp lớn đến cá nhân đổ xô đi bán hàng online và phải thực hiện quảng cáo để thu hút người tiêu dùng đã khiến hiệu quả thu về giảm nhiều so với thời gian trước đây.
“Nói một cách dễ hiểu thì ngày trước ở khung giờ đó có 100 người quảng cáo, nay con số thành gấp đôi thì đương nhiên việc tiếp cận khách hàng cũng khó hơn. Vì vậy, dù có thể bảng giá quảng cáo không tăng nhưng hiệu quả giảm đi thì tính ra giá quảng cáo cũng đã tăng”, ông Xuân Anh giải thích thêm.
Vẫn không cứu được doanh số
Bà Huệ Anh khái quát, doanh số của toàn ngành thời trang trong những tháng vừa qua giảm 50 - 60%, xảy ra ở rất nhiều thương hiệu. Đơn giản, quần áo không phải là mặt hàng được ưu tiên với người tiêu dùng khi sự khó khăn về kinh tế bủa vây dưới tác động của đại dịch Covid.
Ông Thanh cũng cho biết, với đặc trưng là mặt hàng không thiết yếu, quần áo, giày dép sẽ ngay lập tức bị cắt giảm khi các khách hàng gặp khó khăn về công việc, thu nhập giảm sút hoặc lo lắng cho tương lai vì dịch bệnh hoành hành.
Hơn thế, vì dịch bệnh, mọi người làm việc tại nhà, không đi du lịch, giảm gặp gỡ nhau... thì nhu cầu mua sắm quần áo để thể hiện bản thân, làm mới mình trong mắt đồng nghiệp, đối tác, bạn bè không còn. Tất cả đã khiến doanh thu của ngành thời trang sụt giảm mạnh. Như tại K&K, mức giảm là gần 40% so với cùng kỳ.
Theo ông Thanh, trong bối cảnh sức mua như vậy thì kênh bán hàng, hình thức mua hàng không phải là vấn đề. “Ai cũng nghĩ kênh online sẽ giúp tăng doanh số rồi đổ tiền cho quảng cáo khiến giá bị đẩy lên. Vậy nhưng, tỷ lệ chuyển đổi không cao, hiệu quả không bao nhiêu”, ông Thanh nhận xét.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh, chi phí quảng cáo chiếm đến 30 - 40% giá trị đơn hàng đầu tiên mà nếu sản phẩm không tốt, người tiêu dùng không quay lại lần thứ 2 thì hiệu quả về 0.
Đồng quan điểm, ông Xuân Anh cho rằng, ở thời điểm hiện tại, vấn đề không phải là người tiêu dùng không đến được cửa hàng mà có tâm lý “phòng thủ”, tiết kiệm chi tiêu những thứ không cần thiết do lo sợ tương lai khó khăn phía trước. Vì vậy, online không phải là giải pháp đem lại hiệu quả như kỳ vọng. “Chỉ khi nào đặt mục tiêu giải phóng hàng tồn kho, lấy doanh số, chấp nhận không có lợi nhuận thì mới bán được trên kênh online”, ông Anh nói.
Thêm vào đó, theo ông Xuân Anh, thông thường, các doanh nghiệp thời trang đã có cùng lúc các kênh phân phối khác nhau: các cửa hàng trực thuộc, đại lý; website công ty, Fanpage, thậm chí cả gian hàng trên sàn thương mại điện tử… nên hoàn toàn không thể bán kiểu "đại hạ giá", bán với giá "sốc", rẻ hơn rất nhiều so với các kênh còn lại. Và khi không có giá sốc thì rất khó thu hút được khách hàng vì những người mua online hình thành thói quen chỉ mua khi có khuyến mãi, giảm giá mạnh.
Vì vậy, theo đại diện các doanh nghiệp, lúc này mỗi người chủ cần có những lựa chọn được tính toán kỹ hơn, căn cơ hơn, có mục đích rõ ràng hơn, tránh tình trạng chạy đua hay đổ xô theo số đông.