“Quản trị” năng lượng
“Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn” là khẩu hiệu của rất nhiều kỳ thế vận hội Olympic kể từ năm 1894.
Với diễn biến vô cùng phức tạp của COVID, từ Olympic Tokyo 2020, khẩu hiệu đã được thay đổi thành “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - Cùng nhau”. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua những thách thức của cơn bão khốc liệt này.
Làm thế nào để người lãnh đạo doanh nghiệp có thể quản trị năng lượng của tổ chức trong thời điểm bão giông như thế này? Theo HLV Tối ưu hóa Hiệu suất Công việc Toàn cầu Alain Goudsmet, Nhà Sáng lập và Chủ tịch của Tập đoàn Mentally Fit Global, các lãnh đạo doanh nghiệp hãy chủ động tạo ra các kỳ PIT STOP có chất lượng. Vậy Pit stop là gì?
RÀ SOÁT CÁC CHỈ SỐ NĂNG LƯỢNG
PIT STOP là “Điểm dừng kỹ thuật” trong các Giải đua xe thể thao công thức 1 (Giải F1). Đó là thời điểm các tay đua tạm dừng lại để những người đồng đội của họ thay lốp xe, cân chỉnh kỹ thuật nhằm tối ưu hoá động cơ trước khi chiếc siêu xe bước vào chặng đua tiếp theo. Trong một cuộc đua tốc độ mà chiến thắng được tính bằng phần trăm của giây như giải F1, các tay đua vẫn cần phải rời đường đua để “Pit stop”.
Mục đích của “Pit stop” là “tạm giảm tốc độ để tối ưu hóa bộ máy nhằm tạo đà tăng tốc mạnh mẽ hơn trong tương lai”. Trên con đường chinh phục các đỉnh cao mới, không chỉ các cá nhân mà các đội ngũ hay tổ chức đều cần phải “Pit stop”.
HLV Alain cũng chia sẻ, trong thời kỳ đầy biến động như thế này, người lãnh đạo càng cần chú trọng đến việc rà soát các chỉ số năng lượng của đội ngũ trên cả 4 trụ cột: Năng lực xử lý công việc chuyên môn, Năng lượng cảm xúc, Sức khỏe thể chất và Sức mạnh tinh thần để đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức. Để doanh nghiệp thực hiện được cam kết “Khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động”, có 2 yếu tố quan trọng cần được đảm bảo. Thứ nhất, “sức khoẻ thể chất & sức khoẻ tinh thần của các thành viên trong đội ngũ” cần được ưu tiên. Thứ hai, người Lãnh đạo cần duy trì “sự gắn kết về mặt cảm xúc” giữa các thành viên trong đội ngũ”.
Làn sóng COVID lần thứ 4 tạo ra quá nhiều áp lực, cả vô hình lẫn hữu hình, với mỗi cá nhân, đội ngũ, tổ chức. Ban đầu, những áp lực đó có thể tạo ra trạng thái “rò rỉ năng lượng” và sau đó là trạng thái “cạn kiệt dần về năng lượng” nếu các dấu hiệu “rò rỉ năng lượng” bị bỏ qua trong một khoảng thời gian. Để kích hoạt năng lượng đội ngũ, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng công thức huấn luyện tinh thần được áp dụng thành công với các vận động viên đạt huy chương Vàng Olympic và nhiều tập đoàn đa quốc gia trong danh sách Fortune 500 và Best Global Brands 2020. Trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần chú tâm đến 4 thành tố: ý nghĩa công việc của tổ chức; xác định rõ mục tiêu cần ưu tiên; luôn hiện hữu cùng đội ngũ trong những giai đoạn khó khăn và kịp thời ghi nhận; động viên đội ngũ khi có bước tiến mới.
“ĐỪNG LÃNG PHÍ CUỘC KHỦNG HOẢNG”
Là người gây dựng thương hiệu PNJ từ những viên gạch đầu tiên cách đây 33 năm, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giúp đội ngũ PNJ vượt qua nhiều giai đoạn giông bão trong suốt lịch sử trưởng thành của công ty. Bà chia sẻ “Những cái dở nhất sẽ bộc lộ trong lúc khó khăn, hãy xem đó là cơ hội để bứt phá”. Càng trong lúc khó khăn, người lãnh đạo càng cần liên tục “rà soát và nhận ra những cái chưa được của mình để cải thiện”, “xây dựng trước các chương trình hành động, các kịch bản ứng phó với những tình huống có thể xảy ra” giúp định hướng đội ngũ tốt hơn trong quá trình thực thi và sau đó là tiến hành “tái cấu trúc doanh nghiệp” để phù hợp với sự biến đổi của thị trường.
Thế hệ lãnh đạo F2 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương nhìn nhận hoàn cảnh khó khăn chính là cơ hội để người lãnh đạo và đội ngũ đó được “lên đai”. Với tinh thần “Không gì là không thể”, các thành viên trong đội ngũ sẽ luôn tìm ra những cách làm tốt hơn nhờ những sáng kiến đổi mới sáng tạo ngay cả trong bối cảnh các nguồn lực bị hạn chế.
Bản thân trong chữ “nguy cơ” đã luôn tiềm ẩn giải pháp, bởi “trong nguy, luôn có cơ”. Quan điểm đó sẽ giúp những người lãnh đạo có những suy nghĩ mới về những vấn đề không mới. Đó là góc nhìn lạc quan của ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom. Trong bối cảnh khó khăn, người lãnh đạo có thể cân nhắc những giải pháp khác nhau: “chiến đấu” hoặc “ngủ đông” dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng tại từng thời điểm. Nếu chọn “chiến đấu” trong giai đoạn khó khăn này, người lãnh đạo cần rút ngắn hơn thời gian ra quyết định, ứng biến nhanh hơn với những biến động mới của thị trường so với giai đoạn trước đây. Nếu chọn chế độ “ngủ đông”, doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận hành xuống mức tối thiểu.
Để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại sau giai đoạn “ngủ đông”, lãnh đạo doanh nghiệp cần giữ được “sự kết nối cảm xúc” với đội ngũ và khách hàng của mình. Còn đội ngũ chủ chốt của doanh nghiệp thì cần tranh thủ thời gian này để học tập những kỹ năng mới, mài giũa những kỹ năng quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội tốt hơn đến với doanh nghiệp của mình trong tương lai.
Đó là lý do ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Dịch vụ doanh nghiệp Tư nhân, Deloitte Việt Nam chia sẻ một nhận định mang tính chất tổng kết vô cùng sâu sắc “Đừng bao giờ lãng phí cuộc khủng hoảng. Đây là thời gian tốt nhất để làm mới mình và chuẩn bị cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai”.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng blockchain trong quản trị nguồn nhân lực
06:00, 26/08/2021
“Quản trị khủng hoảng” cho doanh nghiệp
17:18, 17/08/2021
Bị thu hồi sản phẩm, doanh nghiệp nên làm gì?
04:08, 31/08/2021
Kích hoạt “năng lượng tập thể”
16:12, 29/08/2021
Nở rộ mô hình thuê robot làm việc
03:00, 29/08/2021
Thổi bùng năng lượng doanh nghiệp
11:47, 28/08/2021
Hãng tàu bắt đầu “xanh hóa”
04:08, 28/08/2021