Khởi nghiệp: Sáng tạo và bao dung

Quang Minh thực hiện 16/02/2018 09:09

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định trong bối cảnh hiện nay, khởi nghiệp không chỉ là yêu cầu với doanh nghiệp mà còn phải là tinh thần của Chính phủ, khởi nghiệp không chỉ cần SÁNG TẠO mà còn phải BAO DUNG.

TS Lộc khẳng định: Nếu nói một cách ngắn gọn nhất về tình hình đất nước hiện nay, tôi sẽ dùng hình ảnh này: Đảng tiên phong, chính quyền kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp.

Sức mạnh từ… hai “ngọn lửa”

- Như ông nói, bước vào năm 2018, rất nhiều ý kiến đã nói về “niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới” khi một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng, bao trùm khắp cả nước?

Đúng vậy! Ai cũng thấy hiện có hai ngọn lửa lớn, đó là ngọn lửa cải cách thể chế và ngọn lửa phòng chống tham nhũng, suy thoái, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, xốc lại bộ máy mà Đảng ta đang thực hiện dưới quyết tâm và chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư.

Nhìn rộng hơn nữa, hiện nay, vai trò tiên phong của Đảng lại tỏa sáng, là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền thực hiện vai trò kiến tạo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp.

Trung ương Đảng đã ban hành hàng loạt Nghị quyết thể hiện tầm nhìn mới với những tư tưởng đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… Các Nghị quyết này sẽ mở đường cho những cải cách mang tính căn bản, toàn diện trong thời gian tới trên những lĩnh vực, vấn đề hết sức hệ trọng.

Nếu như trong nhiệm kỳ trước, đã có những ý kiến băn khoăn về nạn tham nhũng và sự suy thoái chưa được đẩy lùi và câu chuyện “cả nhiệm kỳ không kỷ luật được ai”, thì trong nhiệm kỳ này, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân cả nước ủng hộ mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước, bởi xét đến cùng, cộng đồng kinh doanh cần nhất và quan tâm nhất hai điều là minh bạch và chống được tham nhũng. Triệt tiêu được tham nhũng thì môi trường kinh doanh sẽ trở nên công bằng. Công cuộc chống tham nhũng và những đột phá về thể chế đã một lần nữa khẳng định rằng Đảng ta đã và sẽ luôn có khả năng vượt lên mọi trở ngại, khó khăn dù lớn đến đâu để tạo đột phá, tạo bước ngoặt trong phát triển đất nước.

- Luôn trăn trở, lăn lộn với từng bước phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông nghĩ thế nào về năng lượng khởi nghiệp của người Việt và về khát vọng đưa Việt Nam trở thành Quốc gia khởi nghiệp?

Chúng ta hãy nhìn vào khối năng lượng khổng lồ đã bùng phát sau chiến tích lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam trong vòng chung kết U23 châu Á. Chúng ta thấy ở đây, một mặt là khát vọng chiến thắng, ý chí vươn lên, giành những đỉnh cao. Mặt khác, chúng ta cũng thấy nhu cầu và sức mạnh của lòng tự hào dân tộc, của tinh thần đoàn kết. Vấn đề là liệu chúng ta có phát huy được hết sức mạnh, tinh thần đó, khối năng lượng đó trong phát triển kinh tế hay không? Tôi tin là chúng ta có thể, như trước đây, chúng ta đã từng nhiều lần bộc phát sức mạnh và tinh thần sáng tạo để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh.

Và hãy nhìn vào lớp trẻ của Việt Nam hiện nay, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã được vinh danh ở những trung tâm khởi nghiệp hàng đầu thế giới như thung lũng Silicon của Mỹ hay tại Singapore, Châu Âu… Ở trong nước cũng đã có một phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, cộng đồng khởi nghiệp đang ngày càng lớn mạnh.

Cá nhân tôi trăn trở về nội hàm khái niệm khởi nghiệp (start up). Start up là khởi nghiệp sáng tạo, nhưng tôi muốn bổ sung thêm nội dung bao dung cho khái niệm này. Nếu sự sáng tạo không đi cùng với nhân văn và bao dung thì có thể sẽ gây ra những thảm họa. Không phải ngẫu nhiên mà hai khái niệm “kỷ nguyên số” và “phát triển bền vững” được nhắc đến nhiều trên toàn thế giới luôn đi liền với nhau.

Tôi nghĩ, khởi nghiệp phải bao dung, phải nhân văn ngay từ những bước đầu tiên. Trong khi theo đuổi lợi nhuận thì doanh nghiệp phải làm tròn trách nhiệm với xã hội, với người lao động, không gây tổn hại môi trường và tham gia phát triển cộng đồng. Tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc phụng sự xã hội. Đó là văn hóa kinh doanh, là con đường phát triển bền vững.

- Phát triển bền vững, bao trùm cũng là những chủ đề chính tại APEC – sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất trong nhiệm kỳ này của Việt Nam. Tại đây, với vai trò tổ chức các hoạt động liên quan tới doanh nghiệp, VCCI đã thành công trong việc thuyết phục lãnh đạo các nền kinh tế về yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm. Nhìn lại APEC, phải chăng đây cũng là điều khiến ông tâm đắc nhất?

Sáng tạo và bao dung chính là những tư tưởng bao trùm Tuần lễ Cấp cao APEC mà Việt Nam đã tổ chức thành công vang dội. Và Việt Nam đã bước ra khỏi Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 với một tâm thế mới. Nhưng tâm thế đang lên đó đã đặt Việt Nam trước những thách thức mới trong việc tiếp tục thúc đẩy cải cách trong nước và tham gia kiến tạo nền kinh tế toàn cầu, chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

Những tư tưởng lớn, định hướng lớn về phát triển kinh tế toàn cầu đã được định hình tại APEC: Người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ là động lực. Thương mại và đầu tư toàn cầu đang đảo chiều dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy.

Nếu phải dùng 1 từ để khái quát về cách mạng công nghiệp 4.0, thì tôi nghĩ không gì phù hợp hơn là từ “siêu kết nối”. Và với nền tảng thương mại điện tử, với khả năng kết nối chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, mọi doanh nghiệp và cả các cá nhân có thể trực tiếp thiết lập mạng lưới phân phối của họ. Một sinh viên viết game có thể bán sản phẩm của mình ra toàn cầu, như trường hợp Nguyễn Hà Đông. Một người thợ may ở Hội An có thể may áo dài cho một khách hàng tại Mỹ. Một nông dân ở Đắk Lắk có thể bán cà phê sang tận châu Âu. Một thợ thủ công ở một làng nghề có thể cung cấp ốc vít cho Boeing...

Có thể khẳng định phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất trong thời đại ngày nay và việc phát huy sức mạnh toàn dân trong phát triển kinh tế đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Và việc phát huy sức mạnh của toàn dân ngày nay có thể đi theo một mô thức khác. Mô thức mới đó không những không thủ tiêu quyền sở hữu của những người sản xuất nhỏ mà còn phát huy được sức sáng tạo vô tận của từng con người. Nếu hàng triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là những hạt cát rời rạc thì nền kinh tế sẽ biến thành sa mạc, nhưng nếu doanh nghiệp là những giọt nước có khả năng kết nối, gom tụm thì nền kinh tế sẽ có sức sống mãnh liệt như một đại dương. Phát triển bền vững, bao dung không chỉ là câu chuyện cổ tích.

Năm 2018 có thể là năm khởi đầu cho một giai đoạn mới của cải cách tại Việt Nam. Từ khóa cho năm nay sẽ là “niềm tin”, với niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự phát triển đất nước. Và chúng ta sẽ luôn có một niềm tin vào sức sống mãnh liệt của khu vực kinh tế tư nhân và tinh thần khởi nghiệp của người dân.

Nhắc tới chuyện cổ tích, tôi nhớ tới sự hiện diện của mẹ Âu Cơ trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tượng đài Mẹ lấy nguyên mẫu từ hình tượng Mẫu Âu Cơ và những người con - với cái nhìn hướng ra biển lớn - đã được khánh thành tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana ngay trong những ngày đầu Tuần lễ, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bức tượng đồng phiên bản thu nhỏ của bức tượng Mẹ này cũng trở thành món quà tặng tại APEC. Người mẹ chính là biểu tượng của lòng bao dung, của sự phát triển bền vững, bao trùm và mẹ Âu Cơ với hình tượng "đồng bào" bọc trăm trứng lại càng là biểu tượng cao đẹp của sự bao dung và pho tượng Mẫu đã gửi tới bạn bè, đối tác quốc tế thông điệp này. Thời đại ngày nay đang tạo cơ hội cho chúng ta hiện thực hóa những câu chuyện cổ tích về một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Tạo niềm tin khởi nghiệp

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: Để nói về điều này, trước hết cần đề cập tới nội hàm của nhà nước kiến tạo. Từ quan sát của cá nhân, tôi cho rằng nhà nước kiến tạo cần kết hợp được những ưu điểm của cả hai loại hình nhà nước: Một là nhà nước điều tiết, chỉ xây dựng luật chơi, tạo sân chơi và làm trọng tài, còn lại thả hoàn toàn cho thị trường tự do; hai là nhà nước kế hoạch hóa tập trung - nhà nước làm tất cả. Nhà nước kiến tạo phải là nhà nước điều tiết, phải xây dựng luật chơi, sân chơi và làm trọng tài. Nhưng không chỉ thế mà còn phải là một nhà nước có khả năng định hướng dẫn dắt thị trường thông qua chính sách công nghiệp. Nói một cách khác, Chính phủ kiến tạo cần và có thể can thiệp một cách sáng suốt, đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng. Các nước công nghiệp hóa sớm như Mỹ hay các nước Tây Âu đi theo con đường thứ nhất, nhưng điều đó đòi hỏi một hành trình rất dài; còn mô hình nhà nước kiến tạo, nhà nước vừa đóng vai trò nhà nước điều tiết đồng thời lại có khả năng định hướng, dẫn dắt thị trường là kiểu nhà nước đã tạo ra bước phát triển thần kỳ như của các nền kinh tế Đông Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt thân mật Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt thân mật Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017.

- Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi điều gì nhất từ một nhà nước kiến tạo?

Theo tôi, hiện có 3 nhóm nhiệm vụ quan trọng nhất với Chính phủ hiện nay. Thứ nhất, là nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, bao gồm 2 mảng công việc lớn là cải cách hành chính và xây dựng chính sách công nghiệp. Chính phủ hiện nay đã làm rất tốt việc cải cách hành chính, với những yêu cầu và giải pháp hết sức quyết liệt. Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ yêu cầu dứt khoát cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành là một ví dụ điển hình và hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, phải nói rằng việc xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp để định hình chiến lược, cơ cấu của nền kinh tế chưa được quan tâm nhiều.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp. Việc này Chính phủ cũng đã làm quyết liệt và đã có lộ trình cụ thể rõ ràng trong thời gian tới, nhất là với việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhóm việc thứ ba là xã hội hóa dịch vụ công, theo tôi, chưa được đẩy mạnh. Nghị quyết Trung ương 6 cũng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm. 17 dự án được các cơ quan Chính phủ xây dựng để thực hiện chủ trương này, nhưng theo tôi biết tới nay mới có 2 dự án được đề xuất. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa các dịch vụ công sẽ như là những mũi tên trúng nhiều đích: Bộ máy nhà nước sẽ thanh thoát hơn, có thể tinh giản biên chế và các cơ quan sẽ tập trung được nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng thể chế. Nói khác đi, Nhà nước có thể “start up”, có thể làm mới mình, có thể sáng tạo và bao dung để quốc gia khởi nghiệp, nhân dân khởi nghiệp.

- Trước giai đoạn phát triển mới của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, chắc hẳn VCCI phải có những dự định mới, thưa ông?

Thực tế thì chúng tôi đã làm những Festival khởi nghiệp từ 15 năm nay. Hệ thống mạng lưới Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được thành lập bởi VCCI. Các chương trình hỗ trợ đầu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chính do VCCI phối hợp với các đối tác quốc tế triển khai từ 20 năm rồi. Nhưng vẫn cần thêm những khung khổ mới.

Khu vực tư nhân đang đóng vai trò là động lực của nền kinh tế khi đóng góp tới 40% GDP, nhưng trong 40% đó, chỉ có 8% là từ doanh nghiệp, còn 32% là từ hộ kinh doanh, từ khu vực phi chính thức. Chúng tôi cho rằng muốn nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tất yếu phải thực hiện hai bước chuyển đổi: Dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; và chuyển việc sản xuất kinh doanh từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, tức là từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Chúng ta có lợi thế về nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch. Tiềm năng của chúng ta rất lớn. Nhưng nhưng trình độ quản trị doanh nghiệp vẫn yếu, liên kết không cao, năng suất lao động thấp. Năng suất lao động của người Việt Nam thua người Lào, còn trong ngành lúa gạo – biểu tượng thành công của nền nông nghiệp Việt Nam – thì thương hiệu gạo của ta còn thua kém cả Campuchia. Đó là những điều day dứt.

Khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu trong 60 nền kinh tế cho thấy Việt Nam nằm trong 20 nền kinh tế có tinh thần kinh doanh cao nhất với 78% người trưởng thành mong muốn trở thành doanh nhân, nhưng khả năng thực hiện ý tưởng khởi nghiệp lại nằm trong nhóm 20 nền kinh tế kém nhất. Trình độ quản trị trong doanh nghiệp của chúng ta còn thấp lắm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn phát động một phong trào “bình dân học vụ mới” để phổ cập kiến thức quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong Kỷ nguyên số. Các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chỉ có thể trở thành động lực, thành chủ nhân của nền kinh tế chỉ khi nào họ đạt chuẩn mực quốc tế và có khả năng kết nối.

Từ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, VCCI đã thiết kế một thước đo phát triển bền vững của doanh nghiệp với hệ thống gồm 134 chỉ tiêu cụ thể. Các doanh nghiệp có thể soi vào đó để tự chấm điểm mình. Doanh nghiệp đòi hỏi Chính phủ kiến tạo, đổi mới, nhưng doanh nghiệp cũng phải liên tục đổi mới, nâng mình lên. Chính quyền kiến tạo thì doanh nghiệp phải khởi nghiệp sáng tạo và bao dung. Đó là con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Năm nay, VCCI sẽ trao các giải thưởng chính quyền kiến tạo cho các địa phương đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chiếc cúp chính quyền kiến tạo sẽ mang hình ngọn lửa với mong muốn ngọn lửa cải cách sẽ được nhóm lên, sẽ được lan tỏa..

Để thúc đẩy cải cách, một mặt, chính quyền cần tham khảo những thông lệ tốt của các nước, mặt khác cần dũng cảm soi mình vào ánh mắt của người dân. Và ở lễ công bố Chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương – DDCI, một chỉ số được phát triển theo phương pháp luận và sự gợi mở từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tôi đã nghe được một câu nói thấm thía của một vị lãnh đạo địa phương: dù có nhiều tiến bộ nhưng chúng tôi còn nợ dân, nợ doanh nghiệp rất nhiều, dư địa cải cách còn rất lớn.
Tôi có mong ước rằng, nếu 2016 là năm khởi động, 2017 là năm tăng tốc, thì 2018-2019 phải là năm nước rút để 2020 chúng ta cán đích, đạt được các mục tiêu đề ra với 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Minh thực hiện