Làm rõ đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng

Nguyễn Việt 27/02/2018 06:30

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ phản ánh việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu.

Nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Nhờ chênh lệch, 10 thương nhân đầu mối được hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Có thể bạn quan tâm

  • 10 thương nhân đầu mối xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ vì chênh lệch thuế

    10 thương nhân đầu mối xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ vì chênh lệch thuế

    15:57, 26/01/2018

Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2015 và 5 kỳ điều hành năm 2016, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn đến giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng".

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thực tế, các tồn tại, bất cập về giá xăng dầu mặc dù được liên Bộ Công Thương - Tài chính giám sát nhưng không thể giải quyết rốt ráo. Bởi lẽ về bản chất giá xăng dầu vẫn không được điều hành, kiểm soát dựa trên quan hệ cung - cầu, quy luật của thị trường, trên cơ sở các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh với nhau.

“Cơ chế kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 thực tế khác so với cơ chế của Nghị định 84 (giai đoạn 2008-2014) là giao về đầu mối là Bộ Công thương quản lý, nhưng bộ này vừa là cơ quan chủ quản, vừa quản lý, vừa giám sát là vi phạm nguyên tắc độc lập, vừa “đá bóng”, vừa “thổi còi”, ông Long nói.

Còn theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc định mức thuế nhập khẩu đối với các đầu mối xăng dầu, mà phần lớn là doanh nghiệp có vốn nhà nước rõ ràng có sự uu đãi, tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp xăng dầu hưởng, mà người ta vẫn gọi là lợi ích nhóm. Trong khi doanh nghiệp xăng dầu nhà nước được lãi cao thì các nhóm khác, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân bị ép giá. Mặc dù giá xăng dầu lúc lên lúc xuống nhưng khi giá thế giới giảm thì các doanh nghiệp xăng dầu trong nước lại giảm chậm hoặc giảm chưa tương xứng với mức giảm của thế giới.

“Bản thân doanh nghiệp xăng dầu lại được lãi nhờ việc sau 15 ngày mới điều chỉnh giá 1 lần. Những điều đó khiến người dân và xã hội phải gánh trên vai mức giá bất hợp lý”, ông Liên bày tỏ.

Nguyễn Việt