Ứng phó lũ quét, sạt lở đất cách nào?

Vân Du 16/07/2018 16:20

Vì sao trung bình mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu 10 - 15 trận lũ quét, sạt lở đất. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

Thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho hay, từ năm 2000 đến nay, lũ quét, sạt lở đất khiến tổng số 943 người chết và mất tích; bình quân hơn 52 người chết và mất tích mỗi năm.

Hàng chục mét khối đất đá lở xuống chẵn ngang QL7A

Hàng chục mét khối đất đá lở xuống chẵn ngang QL7A. Ảnh: Báo TNMT.

Về nguyên nhân, bà Đặng Thanh Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng sạt lở, lũ quét có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi nước ta. Bên cạnh đó là mưa lớn tập trung và sự suy giảm độ che phủ rừng, thảm thực vật có liên quan tới những tác động của con người. Tổng hòa những yếu tố trên là nguyên nhân gây nên tình trạng lũ quét, sạt lở đất.

Đã có rất nhiều cuộc họp khẩn về phòng chống, đối phó, khắc mục lũ quét, sạt lở, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, đã có trên 60 dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất được thực hiện. Kết quả nghiên cứu từ nhiều đề tài đã góp phần tích cực vào công tác ứng phó.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thanh Mai trong nhiều giải pháp đưa ra thì hầu như thời gian cảnh báo trước lũ quét, sạt lở đất không dài, cũng chưa dự báo được chi tiết thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện. Cảnh báo mưa lớn cho khu vực nhỏ và mưa cục bộ cũng chỉ có thể thực hiện được trước 6 - 12 giờ với các khu vực có đủ điều kiện về ra - đa, ảnh mây vệ tinh…

Bên cạnh đó, việc dự báo nhìn chung mới chỉ dừng ở mức độ “cảnh báo nguy cơ” nên về cơ bản thiên tai vẫn đang xảy ra và chưa có dấu hiệu tạm ngưng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguy cơ sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc

    03:00, 09/07/2018

  • Cần một “Hội nghị Diên Hồng” bàn quyết sách cho vùng lũ quét

    10:43, 26/06/2018

  • Lũ quét, sạt lở “đe dọa” hàng loạt tỉnh, thành

    07:14, 16/09/2017

  • Ấm tình quân - dân trong mưa lũ

    10:53, 27/06/2018

  • Sau trận lũ kinh hoàng, "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt"...

    16:00, 10/07/2018

Vậy phải khắc phục bằng cách nào?

PGS.TS Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng, lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, do đó, phương châm ứng phó cần được quán triệt sâu rộng là phòng hơn chống. Theo đó, các bộ ngành, các địa phương cần thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Cùng với tập trung rà soát, đánh giá, tổ chức di dời người dân khỏi những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần tiếp tục làm tốt phương châm bốn tại chỗ trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước nguy cơ cao về thiên tai, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra năm 2017 và đầu năm 2018, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở an toàn và ổn định đời sống, sản xuất; sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng. Các trường học khi đầu tư xây dựng lại hoặc xây mới cần được đầu tư kiên cố đảm bảo an toàn trước thiên tai và kết hợp làm nơi sơ tán, trú tránh cho người dân khi xảy ra thiên tai.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn. Triển khai các giải pháp cấp bách tiêu thoát nước, giảm tải để giảm nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư trong mùa mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sạt lở, sập hầm lò gây thiệt hại về người tại khu vực khai thác khoáng sản khi mưa lũ. Ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định). Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi buông lỏng quản lý, triển khai không nghiêm túc và tiếp tục để xảy ra vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, rà soát công tác bảo đảm an toàn các đập thủy lợi, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án ứng phó sự cố đập, nhất là các đập vừa, đập nhỏ xung yếu do địa phương quản lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với đặc thù khí hậu, thiên tai từng vùng, hạn chế rủi ro trong sản xuất cho người dân.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, sẵn sàng điều động, chi viện lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, nhất là việc sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ khắc phục sự cố; thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác, bố trí cảnh báo tại các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, đoạn đường bị sạt lở đất, đá, khu vực hay xảy ra lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Vân Du