Làm gì để giáo dục thích ứng với kỷ nguyên số?
Theo ThS. Dương Trọng Tấn - Chuyên gia Agile, Thạc sĩ Đại học Hawaii sự kết hợp trên sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chủ động và chất lượng.
Tại buổi tọa đàm do Trường Đại học Phú Xuân tổ chức mới đây, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đại học Harvard cho biết, cuộc cách mạng 4.0 đang đặt ra những thách thức cho nền giáo dục phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao nếu muốn không bị “đào thải” và thay thế bởi máy móc.
Thách thức đó đòi hỏi một thế hệ trẻ, ngoài kiến thức, phải có khả năng xử lý những vấn đề phức tạp, biết quản lý rủi ro, biết đặt mục tiêu và có tư duy cởi mở. Đồng thời, trường đại học phải là nơi dạy cho sinh viên hiểu biết, năng lực phản biện, tinh thần kinh doanh để thích ứng với sự đa dạng văn hóa.
“Những vấn đề thiết yếu cho giáo dục đại học, bao gồm gắn việc dạy và học với thực hành, tăng cường công nghệ và ngoại ngữ, đa dạng hóa lộ trình giáo dục, mở rộng của trường đại học, đặc biệt biến trường đại học trở thành trung tâm học tập suốt đời.” – ông Vinh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Nâng điểm và con đường đến rối ren giáo dục
05:00, 18/07/2018
Trẻ em, mì gói và những đề án giáo dục ngàn tỷ
12:10, 08/07/2018
Đừng bất tín với giáo dục
16:03, 30/06/2018
Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên đã có trao đổi với Thạc sĩ Dương Trọng Tấn - Chuyên gia Agile, Thạc sĩ Đại học Hawaii. Theo ông Tấn, hiện ngành giáo dục Việt Nam còn đang tương đối lạc hậu và còn nhiều vấn đề cần giải quyết. “Vào kỷ nguyên mới sẽ nảy sinh nhiều khó khăn mới như sự biến đổi nhanh, rộng trong việc học tập đối với các tri thức mới, thậm chí có tri thức hiện chưa được sinh ra và sẽ nhanh chóng được sinh ra trong thời gian rất ngắn” – ông Tấn cho biết.
Điều này đặt ra thách thức cho ngành giáo dục phải thay đổi, cụ thể là phải nắm bắt được việc học cái gì và thứ hai là học như thế nào. Theo Thạc sĩ Đại học Hawaii, về nội dung học, “chúng ta phải biết chắt lọc những tri thức có tác dụng trong thời đại thay đổi nhanh chóng và toàn cầu hóa mạnh mẽ, tương tác hóa cao độ như hiện nay”. Cũng theo ông Tấn, một số kỹ năng và kiến thức quan trọng cần chú ý là tư duy phản biện, kĩ năng giao tiếp, kỹ năng cộng tác, kỹ năng sáng tạo là những kỹ năng tối cần thiết trong kỷ nguyên số hiện nay.
“Trong khi đó, những kỹ năng mang tính lặp đi lặp lại, tay chân có thể sẽ không còn quan trọng nữa do sự xuất hiện của robot, AI thì những công việc như trên không còn phù hợp nữa” – ông Tấn nói thêm.
Nhà trường có một nhược điểm rất lớn, đó là sự chậm chạp trong việc cập nhập kỹ năng mới, xu thế mới, các chương trình đào tạo mới. Trong kỷ nguyên thay đổi nhanh như hiện nay, nếu nhà trường không kết hợp với doanh nghiệp cải tiến chương trình đào tạo của mình, đưa vào các nội dung mới mà doanh nghiệp cần hoặc công nghệ mới thì nhà trường khó lòng theo kịp được tốc độ thay đổi của nền kinh tế.
“Cho nên việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp phải trở thành điểm cốt yếu trong các hoạt động đào tạo bao trùm từ việc xây dựng chương trình, bộ khung kỹ năng chuẩn đầu ra cho đến kết hợp đội ngũ giảng dạy đan xen giữa giảng viên chuyên nghiệp với các giảng viên là các chuyên gia đến từ các công ty” - ông Tấn cho biết.
Sự kết này đem lại lợi ích cho cả đôi bên, phía doanh nghiệp có được nhân lực chủ động, chất lượng, nhà trường có được những sáng kiến thực sự có giá trị để nâng cao chất lượng đào tạo của mình giúp nhân lực thích ứng được với kỷ nguyên mới.