Gánh nặng chi phí tuân thủ
Văn phòng Chính phủ vừa công bố báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2017 với nhiều thủ tục được cắt giảm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cho rằng việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn nhiêu khê, ỳ ạch và thiếu linh hoạt, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại. Trong đó, nhiều thủ tục tưởng chừng đơn giản nhưng lại bị kéo dài thời gian thực hiện một cách khó giải thích.
Chi phí không đáng có
“Công ty tôi gần đây có thay đổi Giấy phép đăng ký kinh doanh, cụ thể thay đổi hình thức của doanh nghiệp từ TNHH sang cổ phần. Quá trình làm hồ sơ phải ký rất nhiều loại giấy tờ, thực sự rất phiền phức. Số giấy tờ đó nếu chỉ đọc không cũng mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi làm phải mất hơn 1 tháng mới nhận được quyết định để chuyển loại hình doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thiết bị BILICO cho biết.
Bên cạnh đó, còn nhiều quy định chưa thống nhất, không đồng bộ giữa các luật, dẫn đến chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý giữa cơ quan thẩm định và phê duyệt. Hoặc có quy định giống nhau chỉ cần thực hiện 1 lần, song, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần qua nhiều năm.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, công ty của bà chuyên kinh doanh nông sản thực phẩm. Trước kia trong Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm ghi là đủ điều kiện để kinh doanh hàng nông sản thực phẩm nhưng bây giờ lại ghi rõ là đủ điều kiện để kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ quả. Có nghĩa là doanh nghiệp bị giới hạn trong phạm vi đó, nếu muốn kinh doanh mới lại phải làm thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền.
“Theo quy trình hàng năm chúng tôi phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế quy định chỉ có hạn 1 năm trong khi những giấy của nhà sản xuất đôi khi có hạn từ 3-5 năm. Việc đăng ký Giấy phép nhập khẩu mất 3-8 tuần và doanh nghiệp phải làm việc này hàng năm, số lượng giấy tờ đôi khi lặp lại từ năm nay qua năm khác. Việc này không chỉ gây mất thời gian mà còn tốn chi phí cho doanh nghiệp”, anh Lê Anh Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Phan cho biết.
Đó chỉ là số ít trong những khó khăn về thủ tục - không chỉ gây mất thời gian cho doanh nghiệp mà còn gây tốn kém, phát sinh nhiều chi phí không đáng có.
Giải pháp từ… “đầu nguồn”
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới đưa ra cách đây 4 năm, tổng chi phí thuế, phí của doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 40,8% lợi nhuận, mức này cao hơn rất nhiều so với Singapore (18,4%), Thái Lan (26,9%)… Năm 2016, cũng với khảo sát tương tự, tỷ lệ này đã giảm, nhưng không đáng kể, còn 39,6%.
Có thể bạn quan tâm
Trực tiếp: Hội nghị công bố Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2017
10:08, 17/08/2018
Thủ tục hành chính lĩnh vực nào “ngốn” nhiều chi phí nhất của doanh nghiệp?
09:33, 17/08/2018
Thủ tục hành chính, “bóp” đầu “nở” đuôi?
05:00, 13/08/2018
Cải cách thủ tục hành chính nhìn từ Quảng Nam
18:07, 28/07/2018
Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ theo Nghị quyết số 19/NQ-CP
06:23, 24/07/2018
Nhưng theo tính toán của VCCI, hiện nay, ngoài các khoản thuế, trong thực tế, doanh nghiệp còn phải đóng góp hàng trăm loại phí, thuế khác như: phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành, phí kiểm dịch, chi phí liên quan đến quyền sử dụng đất… “Nếu tính tổng cộng, mức thực tế doanh nghiệp phải đóng góp có thể không chỉ là gần 40%”, báo cáo của VCCI thẳng thắn.
Còn nhớ hồi đầu năm, trong kiến nghị gửi Viện Quản lý kinh tế Trung ương góp ý cho Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, VCCI đã liệt các khoản chi phí trên vào nhóm chi phí tuân thủ pháp luật, bên cạnh các nhóm chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh và chi phí không chính thức nảy sinh trong quá trình hoạt động.
Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng đang được lấy ý kiến có thể coi là thông điệp tiếp theo của Chính phủ trong cam kết cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong 2 năm qua.
“Đây là các phần việc phải làm ngay trong năm nay, để cùng với các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong các nghị quyết khác, chi phí hoạt động của doanh nghiệp phải giảm được thực sự”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) : “Nút thắt” chi phí thủ tục hải quan Theo WB, trong thời gian nhập khẩu, việc tuân thủ kiểm tra chuyên ngành (KTCN) chiếm tới 76 giờ, trong khi việc tuân thủ tại cửa khẩu là 56 giờ. Thời gian xuất khẩu, việc tuân thủ KTCN là 50 giờ trong khi việc tuân thủ tại cửa khẩu là 55 giờ. Tất cả các chỉ số đều cơ bản thấp hơn trung bình của ASEAN 4. Những vấn đề này ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp muốn xem xét giảm hơn nữa các TTHC và ĐKKD, giúp giảm chi phí thời gian và tiền bạc trong lĩnh vực hải quan. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội (Hanoisme): Giải bài toán “quay vòng” hồ sơ Thời gian qua, nhiều TTHC và ĐKKD không hợp lý, hợp pháp đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết vẫn gặp khó khăn trong các thủ tục liên quan tới các dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực hạ tầng, bất động sản. Các hồ sơ công chứng, chứng thực khi doanh nghiệp tham gia vào các dự án an sinh xã hội, nước sạch, môi trường... vẫn còn tương đối nhiều. Do đó, cần có sự phân cấp rõ hơn trong thực thi thủ tục hành chính. Bởi trên thực tế, việc thiếu phân cấp phân quyền về các cơ quan tại địa phương đã khiến hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp gửi tới địa phương lại phải “quay vòng” về cấp trung ương xét duyệt. |