Hải Phòng: Quản lý kê đơn, bán thuốc cách nào?

Minh Hương 19/09/2018 11:00

Theo một cuộc khảo sát, hiện nay tại Hải Phòng có tới gần 50% bác sĩ thường kê đơn kháng sinh phổ rộng để bệnh nhân khỏi bệnh và 70% bệnh nhân tự ý mua kháng sinh về sử dụng.

Có một thực tế là việc bán thuốc mà không có đơn vô cùng phổ biến, trong đó phần lớn là kháng sinh. Tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị kháng sinh còn thấp, nhiều bệnh nhân dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn 3 ngày thay vì 5 ngày. Bởi vậy, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ngày càng trở lên trầm trọng, đáng báo động. Việc tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn một lầ nữa lại được đặt ra. Vậy ngành y tế Hải Phòng đã có những biện pháp gì trước thực trạng này?

Những con số biết nói

Kết quả cuộc khảo sát mới đây do Sở Y tế Hải Phòng thực hiện, phỏng vấn 40 bác sĩ tại bệnh viện và phòng khám trên địa bàn thành phố cho thấy, 92,17% bác sĩ đồng ý nhận định việc kháng kháng sinh hiện nay là vấn đề nghiêm trọng, khiến việc điều trị của bệnh nhân khó khăn hơn, nhưng lại có tới gần 50% bác sĩ thường kê đơn kháng sinh phổ rộng để bệnh nhân khỏi bệnh. 90,43% bác sĩ cho rằng bán kháng sinh mà không có đơn tại nhà thuốc, quầy thuốc làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh; 83,48% bác sĩ cho rằng cần chấm dứt việc bán kháng sinh không có đơn trong khi đó chỉ có 7,4% bác sĩ được tập huấn về quy định kê đơn thuốc ngoại trú.

Tình trạng bán thuốc không cần đơn diễn ra tràn lan tại khắp các nhà thuốc từ nội thành tới ngoại thàh Hải Phòng

Tình trạng bán thuốc không cần đơn diễn ra tràn lan tại khắp các nhà thuốc từ nội thành tới ngoại thành Hải Phòng

Khảo sát 400 người dân cho kết quả: Tỷ lệ người mua thuốc biết về kháng sinh là 50%; biết hiện tượng kháng kháng sinh là 50%; tự ý mua kháng sinh về sử dụng là 70%; và dùng kháng sinh không đủ thời gian theo quy định là 60%. Khảo sát 1.000 người bán thuốc, trong đó tỷ lệ trả lời đúng quy định bán kháng sinh là 40%; chỉ có 20% người bán thuốc đồng thuận việc dừng bán kháng sinh không đơn và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.

Tình hình mua bán thuốc không theo đơn hiện nay tồn tại phổ biến và hoạt động sôi động tại Hải Phòng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Bãi tắm du lịch bắt buộc phải có bãi cát mịn

    Hải Phòng: Bãi tắm du lịch bắt buộc phải có bãi cát mịn

    05:37, 19/09/2018

  • Cảng Hải Phòng sẽ xây dựng 2 bến hiện đại nhất, tầm cỡ thế giới tại Lạch Huyện

    00:40, 18/09/2018

  • Woori Bank khai trương chi nhánh Hải Phòng

    11:47, 17/09/2018

Việc mua kháng sinh vô cùng đơn giản, chỉ cần đến nhà thuốc kể triệu chứng bệnh là đã được “cắt liều” kháng sinh dùng 5-7 ngày. Thậm chí người dân còn tự ý mua thuốc theo đơn có sẵn vì triệu chứng... giống như bệnh lần trước. Theo ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Hải Phòng, nguyên nhân dẫn đến việc người dân có thể dễ dàng mua bán thuốc kê đơn mà không cần đơn xuất phát từ chính ý thức của người bán và người mua. “Người bán thuốc bán thuốc theo thói quen, giống như thời điểm chưa có quy định; người dân vì thuận tiện, vì sợ tốn kém, mất thời gian mà không đi khám, không tuân thủ y lệnh. Để các nhà thuốc thực hiện đúng cần thanh kiểm tra thường xuyên, nhưng lực lượng thanh tra y tế mỏng, việc kiểm tra xử phạt chưa được nhiều. Mặt khác, do chưa có nguồn kinh phí để thực hiện đề án, nên các hoạt động đòi hỏi phải có kinh phí, đặc biệt trong truyền thông, đào tạo… chưa làm mạnh được”. - ông Thắng nói.

Đánh giá về tình hình kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, ông Nguyễn Tiến Sơn – Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: "Vấn đề kháng kháng sinh là vấn đề rất quan trọng, nhưng việc kiểm soát kê đơn thuốc và mua bán thuốc kê đơn là vấn đề khó. Mọi đối tượng đã trải qua một thời gian dài không bị quản lý chặt việc mua bán sử dụng thuốc kê đơn. Việc thực hiện kiểm soát kê đơn thuốc và mua bán thuốc kê đơn liên quan đến nhiều đối tượng như: bác sĩ kê đơn, người bệnh, người dân, người bán thuốc. Vì vậy để thay đổi thái độ thực hành trong kiểm soát kê đơn và mua bán thuốc kê đơn cần có thời gian. Số liệu khảo sát đã cung cấp cho chúng ta số liệu và bức tranh toàn cảnh của vấn đề và là cơ sở để chúng tôi can thiệp, cũng như dùng để so sánh, đánh giá kết quả của Đề án trong thời gian tới".

Ứng dụng CNTT để quản lý - Liệu có thành?

Ngày 31/10/2017, UBND thành phố Hải Phòng ký quyết định số 2916/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” tại thành phố Hải Phòng. Trong đó việc thực hiện ứng dụng CNTT, kết nối mạng các cơ sở kinh doanh thuốc được đánh giá là một giải pháp quan trọng và cần thiết. Trong tháng 8/2018, Sở Y tế Hải Phòng đã triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố.

Đối thoại trực tuyến “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn tại thành phố Hải Phòng”

Sở Y tế Hải Phòng đã tổ chức đối thoại trực tuyến về vấn đề tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn

Việc kết nối dữ liệu kinh doanh thuốc sẽ giúp cơ quan quản lý, các cơ sở cung ứng thuốc và cơ sở y tế kiểm soát bán thuốc theo đơn. Trong đó, tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ thuốc bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp: ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, chất lượng thuốc được mua vào, bán ra ở các cơ sở kinh doanh thuốc qua đó truy xuất được nguồn gốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn... Thực tế hiện nay, việc triển khai gặp khá nhiều khó khăn: phần mềm phải dễ sử dụng, đủ tiện ích; nhà thuốc phải bố trí nhân lực biết sử dụng phần mềm, cập nhật máy tính thường xuyên; sử dụng phần mềm phải trả phí. Đa số người kinh doanh và cơ sở kinh doanh không muốn bị kiểm soát, theo dõi, thậm chí còn cho rằng dễ bị lộ các thông tin liên quan đến kinh doanh thuốc. Sở Y tế hiện đang quyết liệt chỉ đạo, nắm bắt thông tin, những bất cập để cùng nhà mạng và cơ sở tháo gỡ, thực hiện.

Đánh giá tính khả quan của đề án, ông Nguyễn Tiến Sơn khẳng định, việc triển khai thực hiện đề án tại Hải Phòng có những thuận lợi vì là vấn đề xã hội quan tâm và các quy định hướng dẫn của Ngành y tế cũng đã cụ thể chi tiết. Tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn thách thức trong việc thay đổi nhận thức, thái độ của cán bộ y tế, người bán thuốc, người mua thuốc và cộng đồng. “Chúng tôi sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp, bao gồm: Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về thuốc kê đơn, kháng kháng sinh; Tập huấn đào tạo cho bác sĩ kê đơn; phổ biến quy định và yêu cầu nhà thuốc quầy thuốc bán thuốc theo đơn đúng quy định; Tăng cường kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả đề án; rút kinh nghiệm để cải thiện vấn đề trong thời gian tới”. - ông Sơn nói.

Minh Hương